Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 07:16 GMT+7

Sâm Ngọc Linh đã có Chỉ dẫn địa lý

Biên phòng - Sâm Ngọc Linh lần đầu tiên được biết đến ở Việt Nam vào ngày 19-3-1973, bởi đoàn điều tra dược liệu, Ban Dân y Quân khu V phát hiện mọc thành quần thể ở độ cao 1.800m so với mực nước biển. Mặc dù vậy, từ xa xưa, loài dược liệu cực kỳ quý hiếm này đã được người dân bản địa (Xê Đăng) mang từ đỉnh núi Ngọc Linh về dùng để chữa bệnh, gọi tên là "thuốc giấu". "Thuốc giấu" - sâm củ Ngọc Linh, sau một hành trình thật dài "ẩn mình", giờ đây được cả thế giới biết đến như một sản vật vô giá trên "mái nhà" Tây Nguyên…

bup5_16a
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum tham quan gian trưng bày sâm giống của Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: Cẩm Xuyên

Thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng

Ngược lại đôi chút về quá khứ, thời điểm sau khi đoàn điều tra dược liệu Ban Dân y Quân khu V phát hiện, đặt cho tên sâm Ngọc Linh (tên của dãy núi Ngọc Linh), loài biệt dược quý hiếm này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do con người khai thác tràn lan, vô tội vạ. Giá trị về y học của sâm Ngọc Linh đã được khoa học chứng minh, đánh giá là rất cao, tuy nhiên trên thực tế, công hiệu của nó còn được đẩy lên cao hơn rất nhiều bởi một đồn mười, mười "thổi" lên trăm, nên có thời điểm giá sâm củ Ngọc Linh được người miền xuôi lên săn tìm với giá hàng cây vàng/kg.

Từ đây, làn sóng khai thác sâm Ngọc Linh bùng phát vô phương cứu chữa. Thậm chí đến cả những chủ nhân bản địa (bà con dân tộc Xê Đăng) từ xưa đến nay chỉ mang "thuốc giấu" về chữa bệnh trong nhà, giờ đây cũng tham gia cày xới trên "mái nhà" Tây Nguyên để tìm cho bằng được củ sâm mang ra bán cho người Kinh từ dưới xuôi lên thu mua. Khai thác mà không tái sinh thì đến cả cây rừng mênh mông giữa đại ngàn Tây Nguyên rồi cũng đến lúc bị xóa sổ, huống chi loài dược liệu nhỏ bé vốn chỉ tồn tại ở độ cao trên 1.500m, có tính đặc hữu hẹp, mọc xen kẽ dưới tán rừng nguyên sinh, độ ẩm lớn, nhiệt độ dao động trên dưới 20 độ C thì thật là mong manh.

Cây sâm Ngọc Linh cứ thế "thoi thóp" trên địa bàn các xã Tề Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), Mường Hoong, Ngọc Linh (Đăk Glei) của tỉnh Kon Tum và một số xã thuộc huyện Trà My (Quảng Nam). Nhiều vùng nằm trong "vương quốc" sâm Ngọc Linh suốt một thời gian dài không thể tìm thấy cây sâm mọc hoang trong tự nhiên. Trong khi đó, công tác nghiên cứu, quản lý, bảo vệ và phát triển loài dược liệu quý này ít được quan tâm đầu tư. Đến những năm đầu thập niên 1990, sâm Ngọc Linh chính thức phát tín hiệu báo động đỏ về nguy cơ tuyệt chủng.

Trước thực trạng trên, tỉnh Kon Tum gấp rút triển khai dự án bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh bằng việc thành lập Trung tâm sâm giống Ngọc Linh thuộc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô để nghiên cứu, thực hiện. Được sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Kon Tum, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành và công nhân đã không quản ngại khó khăn gian khổ, ngày đêm bảo vệ, nghiên cứu phát triển vườn sâm dưới tán rừng tự nhiên của dãy Ngọc Linh, với ưu tiên hàng đầu bảo tồn nguồn gen, ươm, nhân giống, bảo đảm mục tiên phát triển vườn sâm quy mô hàng trăm hécta.

Triển vọng kinh tế từ cây sâm Ngọc Linh cũng đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Năm 1997, Công ty Duy Tân mạnh dạn thành lập Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum, tổ chức đi thu gom giống sâm tự nhiên tại các xã Măng Ri, Ngọc Lây (Tu Mơ Rông) về trồng trong vườn ươm thí nghiệm. Diện tích ban đầu chỉ vài ba ngàn mét vuông với mục đích trồng lấy hạt để ươm giống phục vụ cho dự án trồng sâm quy mô trên 5.000ha đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt.

Ông Lê Đức Thảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết: "Gần 20 năm theo đuổi niềm đam mê cây sâm Ngọc Linh, bắt đầu từ việc chắt chiu từng hạt giống nhỏ giữa đại ngàn, đến nay, chúng tôi đã phát triển được hơn 300ha với khoảng 5 triệu cây sâm. Mặc dù chưa bước vào thời kỳ kinh doanh, vì mục tiêu của chúng tôi trong những năm tới là phải phát triển được trên 10.000ha. Tuy nhiên, nguồn lợi từ cây sâm mang đến là rất lớn, đó là việc chúng tôi đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 350 lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Và đặc biệt, việc trồng cây sâm dưới tán rừng đã giúp cho địa phương bảo vệ tuyệt đối an toàn vốn rừng, một vấn đề đang rất nóng hiện nay ở Tây Nguyên".

Như vậy, cùng với 13ha sâm trồng dưới tán rừng tự nhiên của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, chỉ riêng tỉnh Kon Tum hiện đã có trên 300ha cây sâm đang phát triển rất tốt, hằng năm cung cấp lượng hạt giống đủ để mở rộng hàng trăm hécta. Với triển vọng tươi sáng ấy, mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng diện tích trồng cây sâm lên hơn 15.000ha đã nằm trong tầm tay đối với địa phương vùng cực Bắc Tây Nguyên này.

Xây dựng Chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" - con đường phát triển bền vững

Lợi ích kinh tế to lớn mà cây sâm Ngọc Linh mang đến là điều đã được khẳng định, nhưng để tăng chuỗi giá trị cho những sản phẩm tinh chế từ loại biệt dược quý giá này thì rõ ràng phải xây dựng thương hiệu cho sâm Ngọc Linh. Có thể nói, ngay từ những ngày đầu bàn đến vấn đề bảo tồn, phát triển nguồn giống, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có một quyết định kịp thời và sáng suốt, đó chính là xây dựng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ. Việc làm này là cực kỳ cần thiết nhằm bảo hộ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh đối với nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng được hiểu chính là quyền lợi từ loại dược liệu quý này mang đến. Người tiêu dùng khi dùng sản phẩm biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, được bảo hộ chất lượng, tránh nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Còn đối với nhà sản xuất? Ông Lê Đức Thảo cho rằng: Với quy mô dự án phát triển hàng chục nghìn hécta trồng sâm Ngọc Linh, thu hút hàng chục nghìn lao động tại chỗ, doanh nghiệp rất cần môi trường sản xuất kinh doanh ổn định để xây dựng thương hiệu bền vững. Nhà sản xuất phải có trách nhiệm bảo đảm chất lượng sản phẩm mình làm ra, nhưng cũng rất cần được bảo hộ chất lượng đó. Trong chiến lược phát triển, tỉnh Kon Tum xác định sâm Ngọc Linh là cây hàng hóa chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao.

Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kon Tum cho biết: "Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Chính vì vậy, việc đăng ký Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ có ý nghĩa thiết thực nhằm khẳng định danh tiếng thương hiệu sâm Ngọc Linh, bảo hộ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời làm tăng giá trị kinh tế của sản phẩm sâm Ngọc Linh trên thị trường, mở ra triển vọng phát triển ngành chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum, phục vụ trong nước và xuất khẩu…".

Chính vì vậy, trong những năm qua, bên cạnh việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục thực hiện dự án xây dựng Chỉ dẫn địa lý. Và sau hàng chục năm kiên trì vượt khó, ngày 26-8-2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã trao Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ (bản chính) cho tỉnh Kon Tum. Đây là sản phẩm thứ 49 trên toàn quốc được cấp Chỉ dẫn địa lý kể từ năm 1998 đến nay và là sản phẩm đầu tiên của địa phương vùng cực Bắc Tây Nguyên này.

Bà Trần Thị Tuyết cho biết thêm: "Trong thời gian tới, Sở KH&CN tham mưu cho UBND tỉnh Kon Tum thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh sâm Ngọc Linh. Hiệp hội này ban hành quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý, giám sát và kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu về chất lượng theo quy định, tuân thủ quy định trong quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các nhà sản xuất và kinh doanh sâm Ngọc Linh trong khu vực địa lý, tăng cường xây dựng hệ thống quảng bá Chỉ dẫn địa lý và thực hiện các giải pháp quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa phù hợp với quy định của pháp luật, tiến đến xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh bền vững…".

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO