Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:01 GMT+7

Sắc Xuân trên thung lũng Rục Làn

Biên phòng - Những ngày đầu Xuân Tân Sửu 2021, được sự “đôn đốc” của những người lính Biên phòng, đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã xuống đồng chăm sóc cây lúa nước. Một tổ công tác của Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình cũng được điều động để hỗ trợ nhân dân lao động sản xuất. Không khí làm việc khẩn trương, vui tươi của quân và dân biên giới tiếp thêm niềm tin về sự thay đổi ở vùng đất này.  

Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng hỗ trợ nhân dân làm đất chuẩn bị gieo vụ lúa Đông Xuân trên cánh đồng Rục Làn. Ảnh: Viết Lam

Tiết trời đầu Xuân trên địa bàn xã biên giới Thượng Hóa trở nên ấm áp ngập tràn sắc Xuân. Hai bên trục đường bê tông nối từ trung tâm xã Thượng Hóa vào bản làng của đồng bào Rục cây cối xanh tươi, tiếng chim muông hót rộn ràng.

Ở những khu dân cư đông đúc đồng bào Rục, Sách, Mày sinh sống, cờ Đảng, cờ Tổ quốc được cắm hai bên đường, tung bay trong gió Xuân, tôn thêm vẻ đẹp của bản làng giữa đại ngàn. Gác lại niềm vui ngày Tết, đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ đã bắt đầu rời nhà đi về phía cánh đồng, nằm giữa thung lũng Rục Làn chạy dài trước Đồn Biên phòng Cà Xèng để chăm sóc cây lúa nước. Trẻ con trong bản cũng đã trở lại trường học tập theo quy định của nhà trường.

Dù mặt trời mới lấp ló ở đỉnh núi, chiếu những tia nắng vàng ấm áp, trên cánh đồng Rục Làn, quân và dân đã hăng say làm việc, tiếng nói cười rôm rả, vui vẻ. Nhờ được xuống giống từ trước Tết, ở khu vực ruộng thấp trũng chiếm khoảng 2/3 diện tích của cánh đồng Rục Làn, mạ đã lên xanh ngắt. Ở đó, các cán bộ Biên phòng đang cùng nhân dân nhổ mạ từ những đám ruộng có mật độ cây lúa dày hơn để trồng vào những đám đất trống mà hạt giống không thể nảy mầm. Trong lúc đó, trên khu ruộng cao hơn, cán bộ Biên phòng vẫn đang điều khiển máy cày giúp dân tiếp tục làm đất.

Cánh đồng Rục Làn rộng 10ha được BĐBP Quảng Bình khai hoang từ năm 2008 để tặng đồng bào Rục mong họ sớm thay đổi cuộc sống. Thế nhưng vốn chỉ quen mưu sinh từ việc vào rừng khai thác lâm sản phụ, đồng bào Rục không tin vào sự thành công của loại cây lương thực vốn được trồng ở vùng đất cằn cỗi và nguồn nước chảy từ trong núi đá vôi.

Thời gian đầu không nhận được sự “hợp tác” của người dân, dù vậy, BĐBP Quảng Bình vẫn triển khai cán bộ, chiến sĩ kiên trì chăm sóc, “bắt” cây lúa nước phải “trổ bông”. Vụ mùa đầu tiên, những người lính Biên phòng đã thu hoạch nhiều tấn thóc mang về chia đều cho bà con trong bản.

Đón nhận những hạt lúa được thu hoạch từ cánh đồng Rục Làn, đồng bào Rục rất cảm động, thán phục BĐBP. Họ bắt đầu tin, nghe theo sự chỉ dẫn của những người lính mang quân hàm xanh để góp sức chăm sóc cây lúa nước. Đến nay đã hơn 10 năm, đồng bào Rục ở Thượng Hóa làm quen với cây lúa nước, thế nhưng BĐBP vẫn chưa thể rút toàn bộ lực lượng làm nhiệm vụ này.

Mô hình trồng lúa nước của người Rục ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình do BĐBP Quảng Bình giúp đỡ thực hiện. Ảnh: Châu Thành

Dừng máy cày ở bìa ruộng, Đại úy Ngô Nam, nhân viên Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Cà Xèng vác cuốc đến bờ mương lấy thêm nước vào ruộng. Mặt mũi, quần áo đều lấm lem bùn đất, chỉ có cặp ve áo màu xanh gắn những ngôi sao trên bộ quân phục mới giúp mọi người có thể nhận rõ anh là cán bộ Biên phòng.

Khi được hỏi về nhiệm vụ vào những ngày đầu Xuân, Đại úy Nam nói rằng: “Sau nhiều năm được BĐBP cầm tay, chỉ việc đồng bào Rục đã làm chủ được quá trình trồng cây lúa nước. Tuy nhiên, những việc khó như điều khiển máy cày công suất lớn, kỹ thuật chăm sóc, đơn vị vẫn phải cử cán bộ hỗ trợ nhân dân. Điều kiện khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, nguồn nước hạn chế, để cây lúa cho năng suất cao thì cần phải theo dõi, chăm sóc rất tỉ mỉ”.

Trên thửa ruộng mà Đại úy Ngô Nam đang điều khiển máy cày làm đất, một người phụ nữ nhanh nhẹn gánh phân chuồng rải đều khắp ruộng. Chị Hồ Páy là một trong những người Rục đầu tiên tham gia tích cực cùng BĐBP khai hoang làm ruộng lúa nước. Sau hơn 10 năm, chị cũng đã quen với việc canh tác loại cây lương thực này, năm nào diện tích ruộng lúa của gia đình chị cũng cho năng suất cao.

“Trước đây, dân bản chủ yếu làm nương rẫy, vào rừng lấy măng nên thường thiếu đói khi mùa mưa đến. Từ khi được BĐBP khai hoang ruộng lúa nước, mỗi năm chúng tôi làm hai vụ lúa đủ lương thực ăn quanh năm” - Chị Páy cho biết.

Không chỉ chị Páy, rất đông người dân ở đây đang chạy đua với thời gian để kịp gieo xong giống lúa trên đồng cho kịp mùa vụ. Công việc trên đồng áng của những người lính Biên phòng và đồng bào Rục kéo dài cả ngày. Đến chiều muộn, khi người dân từ cánh đồng trở về nhà, hệ thống đèn điện chiếu sáng trên trục đường chính ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa đã được bật lên.

Cùng với âm thanh phát ra từ ti vi, loa đài của những hộ dân trong bản, tiếng trẻ con rộn ràng vui chơi, nô đùa dưới ánh đèn điện. Hỏi ra mới biết, công trình điện chiếu sáng ở bản làng của đồng bào Rục được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng trích quỹ lương, phụ cấp của cán bộ, chiến sĩ và vận động nguồn xã hội hóa để làm tặng bà con. Từ khi có ánh đèn điện, cuộc sống sinh hoạt của người dân đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Đồng bào Rục xuống đồng lao động sản xuất. Ảnh: Viết Lam

Nói về đời sống của đồng bào Rục trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ông Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ cho biết: “Năm qua, mùa màng bội thu các gia đình trong bản đều no đủ, dân bản gói nhiều bánh chưng hơn để đón Tết. Cũng nhờ BĐBP giúp đỡ, các trục đường trong bản đã có ánh điện chiếu sáng khi màn đêm buông xuống nên bà con vui lắm! Sau Tết, người dân nghe theo bộ đội bắt tay vào sản xuất, trồng lúa nước để cuộc sống tốt hơn”.

Cũng trong câu chuyện vui đầu năm mới, Thiếu tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng chia sẻ: “Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cùng với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa bàn đón Tết đầm ấm. Đặc biệt, đơn vị đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng để tổ chức “gian hàng 0 đồng” ở địa bàn đồng bào Rục định cư. Người dân được đến đây lựa chọn những đồ dùng vừa ý như quần áo, thực phẩm... Sau Tết, chúng tôi khẩn trương “đôn đốc” nhân dân tập trung lao động sản xuất, đồng thời, duy trì các tổ công tác bám địa bàn tuyền truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch bệnh và giữ gìn an ninh, trật tự”.

Viết Lam

Bình luận

ZALO