Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:57 GMT+7

Sắc xuân trên những tổ, chốt Biên phòng

Biên phòng - Dọc theo đường biên giới các tỉnh Tây Nam bộ, bắt gặp hình ảnh lá cờ Tổ quốc đỏ tươi tung bay trong nắng gió, chúng tôi cảm thấy tự tin và ấm lòng. Bởi nơi đó, có sự hiện diện của các tổ, chốt Biên phòng. Đó cũng là đường biên, mốc giới - nơi đánh dấu điểm đầu của đất Mẹ yêu thương...

Cán bộ, chiến sĩ chốt phòng, chống dịch Covid số 15, Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn, BĐBP An Giang phối hợp với các lực lượng tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Bước chân vạn dặm

Chúng tôi tới chốt Biên phòng Nam Hiệp Thành, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Mộc Bài (BĐBP Tây Ninh), thuộc địa bàn xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, đúng ca gác của Thượng úy Võ Hoàng Giang. Anh cho biết, chốt có trên dưới 20 anh em, chia thành 3 tổ nhỏ, bám trụ ở những nơi trọng điểm trên biên giới. Khu vực đóng chốt, cách biên giới khoảng 300m, xung quanh là ruộng lúa đang trổ bông. Chúng tôi đang nói chuyện, bỗng nghe tiếng cá quẫy trong lu.

“Cá do anh em bắt được ngoài ruộng lúa từ lúc chập tối. Ở đây tuy vất vả, nhưng bù lại, vẫn có cá, cua và cả chuột đồng để “cải thiện”. Rau thì anh em tự trồng, nên cũng đủ ăn. Xác định cuộc chiến phòng chống dịch này còn lâu dài, nên anh em trên các tổ chốt rất yên tâm và chú trọng công tác tăng gia như trồng rau xanh, nuôi gà, thả vịt. “Thực túc binh cường” mà!” - Thượng úy Giang cười tươi.

Cách đó chừng 1km, Tổ 14 (thuộc chốt Biên phòng Nam Hiệp Thành), là một cái lán lợp lá, nền đất, rộng chừng 12m2, được dựng tạm bên rìa bờ ruộng, gần cột mốc 171.3. Có 7 anh em trúc trực ở đây, nhưng chỉ có 1 cái giường và 1 cái bàn nhỏ. Trung tá, tổ trưởng Lê Văn Được cho biết, tổ 14 được giao phụ trách gần 1km đường biên giới. Họ chia 2 nhóm, mỗi nhóm 3 người, thường xuyên tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên biên giới. Vì tính cơ động cao, nên anh em thường giăng võng ngả lưng luôn trên đường biên, cả ngày lẫn đêm.

“Chỉ có 1 người trực tại tổ nên chỉ bố trí 1 cái giường. Vậy mà cũng không mấy khi được nằm, vì anh em cứ chạy tới, chạy lui như chong chóng hoài, thời gian đâu mà ngủ” - vừa nói Trung tá Được vừa chỉ cho tôi hàng cây mờ mờ phía trước mặt. Đường biên giới chạy dọc cánh đồng lúa bao la, rất dễ qua lại. Chỉ cần anh em sơ hở là dân buôn lậu có thể “hành sự” ngay, nhất là ban đêm.

Trên tuyến biên giới Tây Nam thuộc địa phận tỉnh An Giang, mùa Tết là mùa “làm ăn” của các loại tội phạm, nhất là buôn lậu. Biên giới An Giang dài gần 100km, có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, với địa hình đồng bằng, nhiều đường mòn, hệ thống sông, kênh, rạch, rất thuận lợi cho việc qua lại hai bên biên giới. Điều kiện địa hình vì thế cũng gây khó khăn cho công tác chốt chặn, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng khó đến đâu cũng phải làm, vì đó là nhiệm vụ Tổ quốc giao, nhân dân trông cậy.

Tháng 3, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ gồm BĐBP, Dân quân tự vệ, Công an cấp xã... ở An Giang được phân công nhiệm vụ, ngay lập tức nhận mệnh lệnh, một lòng hướng về biên cương. Suốt nhiều ngày đêm, họ “nếm mật nằm gai”, đi qua mùa nắng nóng đổ lửa, đi qua những cơn mưa giông điên cuồng, gói nỗi nhớ nhà vào một góc trong tim. Hàng trăm chốt gác phòng, chống dịch Covid-19 được thành lập, tạo thành rào chắn vững chãi ở biên giới. Khi ngẩng đầu nhìn Quốc kỳ bay trên nóc chốt, dù mệt đến thế nào đi nữa, họ vẫn có thể kiêu hãnh nở nụ cười tươi.

“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”

Khuya, trời tối đen như mực. Tôi phải dò dẫm từng bước, dọc theo bờ ruộng để ra thăm anh em đang trực ở các tổ chốt trên biên giới Tây Ninh. Đi cùng tôi là Trung úy Nguyễn Phước Sinh, Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài. Biết tôi là đồng hương xứ Nghệ, chàng sĩ quan trẻ tâm sự chuyện hoãn cưới 2 lần vì “cô Vy 19”. Một lần tháng 3, một lần tháng 4. “May đến tháng 6 vẫn còn cánh cửa hẹp để chúng em tổ chức một đám cưới nhỏ, bình dị, nhưng ấm cúng” - Sinh nói.

Vợ chồng trẻ, nhà cửa chưa có nên sau khi vợ có em bé, Sinh mang cả vợ và con thơ về gửi bên nhà ngoại ở Tân Biên, Tây Ninh, rồi tất tả quay lại đơn vị, suốt ngày bám trụ trên biên giới. Hay như câu chuyện của Thượng úy Võ Hoàng Giang: 23 năm quân ngũ là chừng ấy cái tết anh gắn liền với đường biên, mốc giới. “Lúc còn công tác bên Đồn Biên phòng Phước Tân, thấy tôi trực Tết hoài trên biên giới, vợ thương quá, cũng xách bánh trái lên thăm, động viên chồng” - anh cười hạnh phúc.

Chiến sĩ trẻ BĐBP An Giang tham gia nấu bánh tét trong chuỗi hoạt động “Tết quân dân” năm 2021 ở huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Đăng Bảy

Từ lúc dịch Covid-19 xuất hiện, Thượng úy Huỳnh Quốc Huy Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng, Đồn BPCK Vĩnh Hội Đông, BĐBP An Giang và đồng đội công tác trong điều kiện sinh hoạt vất vả hơn trước, khiến màu da của ai cũng sạm đi. Nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm với đồng đội, với công việc cũng tăng cao hơn trước. Lúc đưa tôi ra các chốt phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý, Thượng úy Huy nói, mà như tự dặn mình: “Cuộc chiến này còn dài, chưa biết khi nào mới kết thúc, nhưng chúng tôi vẫn luôn động viên nhau: Phải chiến đấu hết mình, phải vững tin và làm hết sức có thể, chắc chắn ngày bình yên sẽ đến. Mỗi người làm một việc nhỏ, dần dần sẽ tạo thành sức mạnh lớn của toàn dân tộc”.

Nhắc chuyện ăn Tết, Thượng úy Huy nhớ lại, chiều 30 Tết năm ngoái, sau giờ tuần tra trên biên giới, cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị xúm nhau trang trí dây đèn, bày mâm hoa quả, chăm chút chậu mai. Thời khắc giao thừa, họ quây quần lại, ngồi nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước. Bên chén trà, miếng bánh và những “hồi tưởng” về Tết xưa, họ trở thành gia đình, đong đầy tình cảm dành cho nhau, không sao kể xiết. “Chúng tôi cảm nhận đầy đủ trách nhiệm của mình với Tổ quốc, vào giây phút thiêng liêng ấy. Năm nay dịch Covid-19 hoành hành, mọi người lần đầu tiên có dịp trải nghiệm cảm giác ăn Tết ở tổ chốt với “nhiệm vụ kép”, chắc còn đáng nhớ hơn!”- Huy tâm sự.

Vì nhiệm vụ, biết bao cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã gác lại tình riêng, chấp nhận vất vả, nhường lại mọi điều tốt đẹp nhất cho sự bình an của người dân. Họ tạm xa gia đình, tạm hoãn đám cưới, người thân đau ốm cũng chỉ thăm hỏi qua điện thoại. Ai cũng mong muốn được ôm đứa con bé bỏng mới sinh vào lòng, muốn có giấc ngủ thật ngon sau chuỗi ngày tuần tra biên giới... Nhưng, mọi người đều hiểu rất rõ lúc này, khi Tổ quốc đang cần - họ biết sống xa nhau!

Thời tiết thay đổi từ mùa nắng nóng như đổ lửa sang mưa trắng trời, rồi dịu mát hẳn. Những cánh mai vàng bắt đầu chớm nụ, cơn gió bấc cũng kéo theo về. Các chốt gác dã chiến ở biên giới Tây Nam ngày nào giờ thay đổi dần: kiên cố hơn, chắc chắn hơn, phục vụ cho “cuộc chiến” lâu dài. Nhưng tôi lại thấy, có một điều chưa hề thay đổi. Đó là nụ cười, là sự lạc quan của những người anh, người em, người chiến sĩ trẻ tôi đã từng tiếp xúc.

Chiến thắng sẽ đến thôi, chỉ là sớm hay muộn. Mọi vất vả, khó khăn, chuỗi ngày dài căng mình trên biên giới... rồi sẽ trở thành trải nghiệm đặc biệt nhất trong cuộc đời, là ký ức không thể nào quên của những người lính biên phòng để mỗi khi nhắc đến, chắc chắn sẽ lại làm chúng ta mỉm cười tự hào.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO