Biên phòng - Hoa xuân phương Nam rực rỡ ánh vàng của hoa mai, hoa cúc, hoa vạn thọ... Màu vàng trong ngũ hành là màu của hành thổ, màu của sự sinh sôi nảy nở, màu của phú quý, của ước vọng. Có triết lý cho rằng, đó là màu trung đạo, không thiện, không ác, làm cho con người tìm lại được chính mình để tồn tại trong nhân gian.
Trong ngày xuân, trên bàn thờ tổ tiên của những gia đình ở phương Nam được gắn thêm vài bông mai vàng cạnh đĩa bánh chưng, bánh tét. Bánh tét đòn dài được gói bằng lá chuối xanh, bánh chưng được gói vuông cạnh bằng lá dong. Đối với người trẻ, bánh chưng, bánh tét chỉ đơn thuần là lễ vật. Còn đối với người già, bánh chưng, bánh tét lắng đọng câu chuyện dài của làng quê, con người, lịch sử. Những cụ ông tuổi "xưa nay hiếm" thường hoài niệm: "Hồi đó khổ hoài, cả làng chỉ được vài nhà gói bánh. Nghe mùi bánh luộc, đám trẻ bu tới ngửi mùi, sờ mó chứ hông như bây chừ có ăn thoải mái".
Câu chuyện của cụ ông dẫn dắt mọi người đến với bánh trong ngày xuân bom đạn. Cuối năm, gió thổi rét căm căm, làng chài thì đã cắm chèo vô bụi để nghỉ ngơi từ tháng 8. Bà con góp tiền để luộc thêm vài cây bánh. Mùi bánh càng lan tỏa khắp thôn làng, đám trẻ con ngỡ tưởng năm nay ăn Tết to và nhà nào cũng có bánh. Nhưng bánh luộc rồi được mang chôn giấu dưới đám lá tre, chờ khi đêm xuống thì đưa xuống hầm cho anh em đón xuân. Bánh được dúi trong chiếc gánh đưa ra khỏi ấp chiến lược để chôn ngoài bãi, tối mấy anh lấy chuyển lên núi.
Thời kỳ chiến tranh, cơm ăn không đủ no, bánh chưng, bánh tét chỉ được ngửi mùi chứ không có nhiều để đánh chén trong ngày Tết. Vậy nhưng, xóm làng đều thấp thoáng màu hoa vàng bên những ngôi nhà mái tranh lụp xụp. Đó là những luống hoa vạn thọ được trồng tỉa từ ngoài ngõ vào tới tận hiên nhà, thấp thoáng bóng người gầy guộc trong chiếc áo nâu sờn, quần cũ nhàu. Trồng nhiều hoa xuân, cảm nhận xuân càng đậm đà và lòng người cảm thấy nỗi khổ phôi pha.
Thời của hơn 40 năm trước, xuân phương Nam thường nghe vang lên lời bài hát: "Tiếng còi trong sương đêm, mơ khúc tương phùng và không thể thiếu vắng bài mộng chiều xuân" của ca sĩ Ngọc Bích. Xuân trong bài hát của miền Nam thời đó ít có hình ảnh làng quê mà luôn gắn với tình duyên, chia ly. Còn ca khúc xuân của miền Bắc cùng thời thì hừng hực không khí chiến đấu, dựng xây, có bóng đoàn quân ra trận và ước mơ về ngày hòa bình thống nhất.
Sau ngày giải phóng, niềm ước muốn "non nước thanh bình" đã trở thành hiện thực. Đón xuân thống nhất, dạt dào niềm vui nên quên đi cảnh nghèo khó vẫn còn. Dù nghèo, nhưng sắc xuân phương Nam thì vẫn vậy, đầy ắp hoa vàng khoe sắc dưới ánh nắng xuân. Khắp xóm làng được nghe thêm bài hát "Mùa xuân làng lúa làng hoa" của nhạc sĩ Ngọc Khuê, "Mùa xuân đầu tiên" của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Rồi thời gian trôi qua, những ngôi nhà ngói mới mọc lên, xóm làng tươi đẹp được dựng xây, thay cho những mái nhà tranh rêu phong, gió lùa; thay cho những ngôi nhà tường gạch, mái tôn ấp chiến lược đã hoen rỉ và đầy lỗ thủng. Đất nước đổi mới làm cho mùa xuân thêm tươi đẹp, rộn ràng. Lũ trẻ thôi cảm giác thèm cây bánh tét và được mang mặc những bộ quần áo đẹp trong ngày Tết. Nhạc xuân dặt dìu có thêm giai điệu rốc, ráp mạnh mẽ.
Mọi sự đổi thay, nhưng xuân phương Nam vẫn giữ màu xuân cũ. Khắp phố phường, làng quê đều rộ hoa mai, cúc vàng. Hoa vạn thọ nổi tiếng và dân giã một thời thì bây giờ được trồng thành chậu nhỏ để đặt quanh nhà, hoặc mang ra khu nghĩa địa. Vạn thọ lùi dần về các miền quê bên sông, nơi lưu dấu bao kỷ niệm thời chân lội bùn non, nhà trát đất sét vàng. Màu vàng trong ngũ hành là màu của hoàng thổ, màu của sự sinh sôi nảy nở, màu của phú quý, của ước vọng. Có triết lý cho rằng, đó là màu trung đạo, không thiện, không ác, làm cho con người tìm lại được chính mình để tồn tại trong nhân gian.
Cuộc sống mới thời hiện đại, con người đã có đầy đủ tiện nghi và vật chất. Cái "thiếu đói" của mọi người bây giờ là cuộc sống tinh thần. Nhiều người chỉ cầu mong 2 chữ "bình an". Họ tìm đến chùa thanh tịnh, đứng dưới ánh vàng đạo Phật, nghe những lời răn dạy về triết lý sống để tìm thấy chính mình: "Tâm bình an thì các con sẽ không bị đốt cháy bởi lửa ái dục, ân hận hoặc sầu bi... Bình an không có nghĩa là thụ động và bạc nhược, nhưng tâm bình an sẽ làm cho con người thanh thản, biết buông bỏ, nhân hậu, từ đó tiến đến những mục tiêu ở phía trước rất mạnh mẽ".
Hà Anh