Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:20 GMT+7

Sắc xanh nơi đất làng biên giới Ia Mơ

Biên phòng - Xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai), địa bàn đặc biệt khó khăn đang tiến từng bước một, tuy chậm mà chắc để tiệm cận với vùng nông thôn mới. Thành tựu mà vùng biên giới bên con suối Mơ đạt được trước hết là nhờ sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước với những chủ trương, chính sách đặc biệt, trong đó cần phải kể đến công trình đại thủy nông Ia Mơ, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, cùng nhiều “kênh” hỗ trợ vốn vay ưu đãi, trợ giúp người nghèo, tạo cơ sở phát triển bền vững. Cùng với đó, những cống hiến của người lính Biên phòng cũng chính là sức mạnh nội lực đưa Ia Mơ vững bước tiến về phía trước…

Hình ảnh người lính Biên phòng trở nên thân quen trên cánh đồng lúa nước ở xã Ia Mơ (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Thái Kim Nga

Từ “vùng xanh” trên cộng đồng dân cư…

Nằm bên dãy núi Chư Pông, Ia Mơ là mảnh đất lành, giàu truyền thống cách mạng (năm 2000, xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới). Với “tố chất” kiên cường cả trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, giặc nội xâm và bảo vệ biên giới, lẫn trong hòa bình kiến tạo và phát triển, nên xã Ia Mơ luôn giữ cho mình “vùng xanh” gần như là tuyệt đối trên lĩnh vực an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Gần nửa thế kỷ đi qua kể từ ngày đất nước thống nhất cho đến thời điểm xã Ia Mơ được “nâng cấp” lên vùng I, chưa bao giờ mảnh đất “đứng bên mặt trời” này cởi bỏ được hết những khó khăn thử thách do điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng. Là địa phương thuần nông nhưng đất Ia Mơ lại luôn khô khan, cằn cỗi, nắng lên thì hạn, mưa xuống là ngập, trồng bất cứ cây gì cũng đều “thuận ít nghịch nhiều”.

Khó khăn thách thức là vậy song người dân Ia Mơ chưa bao giờ buông bỏ ý chí, đúng với phong cách con cháu chàng Đăm San trong trường ca của người Jrai đầy lòng can đảm, luôn sẵn sàng xả thân vì cuộc sống cộng đồng. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, không phù hợp để sản xuất nông nghiệp, song đổi lại, người Ia Mơ luôn có niềm tin, sự đoàn kết tương thân, tương ái trong xây dựng nông thôn phát triển mà chúng tôi gọi đó là “vùng xanh” trên cộng đồng.

“Vùng xanh” này đã tạo nên chất anh hùng của đất và người Ia Mơ, đó là điểm tựa để vùng biên dưới dãy núi Chư Pông “đứng bên mặt trời” vượt qua những thách thức. Sau sự kiện tụ tập gây rối vào năm 2001 do bọn phản động FULRO, “Tin lành Đề Ga” gây nên, hoạt động vượt biên trái phép diễn ra rất phức tạp ở một số địa bàn biên giới các tỉnh Tây Nguyên và Ia Mơ không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, đây là vùng đất không có chỗ cho những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc mang tính phá hoại, nên tất cả các vụ vượt biên đều rơi vào tấm chắn vững chắc của phòng tuyến nhân dân. Mỗi người dân Ia Mơ là một “ngôi sao xanh” trên biên giới tích cực tham gia cùng BĐBP tuần tra mật phục, truy bắt các toán vượt biên giữ vững bình yên cho buôn làng. “Vùng xanh” lúc này thành vùng cấm đối với những mưu đồ phá hoại và trở thành vùng đất lành khi có sự quan chăm lo thấu đáo của Đảng và Nhà nước.

Công trình thủy lợi Ia Mơ được đầu tư xây dựng, cùng với những chủ trương, giải pháp căn cơ đã giúp các chủ nhân vùng biên giới thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp, hứa hẹn trở thành một trong những vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên. Chỉ riêng vụ hè thu năm 2021, tổng sản lượng lúa của xã Ia Mơ đạt gần 1.700 tấn - một con số trong mơ đối với những chủ nhân vừa “chập chững” chuyển đổi phương thức canh tác cây lúa từ sườn đồi xuống ruộng.

Đến màu xanh từ người lính

Trong cơ cấu kinh tế xã Ia Mơ, cây lúa và cây điều được đánh giá đóng vai trò chủ lực. Bên cạnh đó là thế mạnh đến từ chăn nuôi gia súc (bò, heo) hiện đang được khuyến khích phát triển. Có một điều rất trùng lặp và đáng trân trọng là cả 3 “mũi giáp công” nói trên đều mang dấu ấn đậm nét của những người lính Biên phòng.

Để giúp người dân “đón đầu” công trình thủy lợi Ia Mơ, từ 10 năm trước, Đồn Biên phòng Ia Mơ phối hợp với chính quyền địa phương và các thôn trưởng, già làng xây dựng mô hình trồng trình diễn lúa nước tại đội công tác địa bàn nằm ngay trung tâm của xã. Sau những cuộc chuyển giao kỹ thuật, vừa làm, vừa hướng dẫn rất trực quan, sinh động, cây lúa nước đã từng bước “bén rễ” trên đất làng mang lại thành quả được xem là ngọt ngào nhất trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn biên giới. Năng suất lúa nước ở đây không ngừng được nâng lên, đạt mức bình quân 4 tấn/ha, còn tổng sản lượng chính là “con số trong mơ” mà chúng tôi đã đề cập.

Đến với Ia Mơ hôm nay không chỉ được ngắm nhìn cánh đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay mà còn trải nghiệm màu xanh của những vườn điều rợp bóng mát. Tuy nhiên, không nhiều người biết, hơn 20 năm về trước, có những người lính Biên phòng âm thầm mang giống điều từ miền xuôi lên miền ngược, tỷ mỉ hướng dẫn cho bà con cách trồng và chăm sóc. Vườn điều thí điểm ấy giờ đây đã hóa thành cổ thụ, mang trong mình tất cả tình yêu thương, sự tận hiến của người chiến sĩ Biên phòng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết: “Cây điều đang là một trong những cây hàng hóa chủ lực của địa phương với tổng diện tích đạt gần 600ha, trong đó có 300ha đã cho thu hoạch đạt năng xuất bình quân khoảng 800kg/ha. Có thể nói, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển của xã Ia Mơ, hình ảnh người lính Biên phòng luôn gần gũi thân thương trong lòng bà con nhân dân, trở thành vốn quý, nguồn nội lực dồi dào để chúng tôi tiếp tục vững bước hướng về phía trước...”.

Cũng cần nhấn mạnh, xã Ia Mơ chính là địa bàn biên giới thứ 2 (sau xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) được BĐBP Gia Lai trực tiếp đỡ đầu trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, bên cạnh những cống hiến lặng thầm của người lính Đồn Biên phòng Ia Mơ suốt gần nửa thế kỷ qua, thời gian gần đây, rất nhiều chương trình, mô hình đầy tính nhân văn được BĐBP Gia Lai triển khai như mô hình quân dân y kết hợp, “Con nuôi đồn Biên phòng”, Chương trình “Nâng bước em tới trường”, giảm nghèo bền vững, trợ giúp cây, con giống... đã làm tươi hơn nụ cười của các chủ nhân vùng biên giới.

Bà Ksor H’Cha (bên phải) cùng đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Mơ chăm sóc vườn rau xanh (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Thái Kim Nga

Bà Ksor H,Cha (dân tộc Jrai) ở làng Klả, xã Ia Mơ là người phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh gia đình rất nghèo lại đang nuôi 2 đứa con nhỏ ăn học. Điều ấn tượng ở đây là cả 2 con của bà đều được BĐBP Gia Lai trợ giúp, trong đó có cô con gái út Ksor H,Nương là con nuôi của Đồn Biên phòng Ia Mơ. Bên cạnh việc trợ giúp các cháu đến trường, Đồn Biên phòng Ia Mơ còn giúp bà Ksor H,Cha thực hiện mô hình trồng rau xanh, nuôi heo nái để tăng thêm nguồn thu nhập.

Đến nay, heo đã đẻ, rau đã có mang ra đầu làng ngồi bán, gánh nặng của người phụ nữ đơn thân cũng nhẹ bớt nhiều phần. Ở chiều ngược lại, hễ có bó măng rừng, ngọn bí hay mấy trái bắp (ngô) mang từ rẫy về là bà Cha đều mang vào đội công tác địa bàn biếu bộ đội. Tình cảm đó còn được thể hiện qua việc “ủy quyền” cho anh em Biên phòng quyết định toàn bộ chuyện hệ trọng trong gia đình, kể cả việc cất giữ tiền bạc mà gia đình tích lũy được từ sản xuất và chăn nuôi.

“Ước nguyện lớn nhất cuộc đời mình là hai đứa con nhỏ được học hành đến nơi đến chốn (bà Cha có 4 người con, trong đó, 2 người đã có gia đình). Nếu không có Đồn Biên phòng Ia Mơ giúp đỡ thì chắc chắn tụi nó đã phải nghỉ học từ lâu rồi. BĐBP đã mang đến cho gia đình mình, làng mình rất nhiều niềm vui” - lời chia sẻ đầy xúc động của người phụ nữ đơn thân làng Klả tuy chưa nói hết nghĩa tình sâu nặng của quân dân vùng biên giới, nhưng có một điều chắc chắn đó là niềm tin của bà con dành cho người lính Biên phòng đang đang ngày càng lớn hơn, bền chắc hơn. Và, đó chính là “màu xanh” bất tử nơi đất làng biên giới Ia Mơ.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO