Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 05:30 GMT+7

Sắc xanh bên dòng sông Sa Thầy

Biên phòng - Có lẽ do điều kiện địa chất và một phần tác động của con người, nên gần như cả hai mùa mưa nắng, con sông biên giới Sa Thầy (Kon Tum) đều nhuốm một màu đỏ quạch. Sông đục thì thường chở đầy phù sa, nhưng dù đất tốt đến bao nhiêu mà điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt thì cây cối cũng trở nên cằn cỗi. Điều này thì những người lính Đồn Biên phòng Sa Thầy cảm nhận rõ nét đến “cả trong giấc ngủ” và họ đã dùng nghị lực, lòng quyết tâm để tạo nên sắc màu của sức sống và niềm hy vọng...

inzm_9b
Thượng úy Nguyễn Đức Thọ bên khu chăn nuôi tập trung của Đồn Biên phòng Sa Thầy. Ảnh: Thái Kim Nga

Từ quyết tâm của cả tập thể...

Trận hạn hán kỷ lục xảy ra ở Tây Nguyên cách đây đúng 3 năm là “thước đo” chuẩn nhất về độ khắc nghiệt của vùng đất bên dòng sông Sa Thầy. Lúc bấy giờ, toàn tuyến biên giới tỉnh Kon Tum đều khát khô và đơn vị “chịu trận” nặng nhất vẫn là Đồn Biên phòng Sa Thầy khi cây trồng, vật nuôi “rủ nhau” chết hàng loạt. Thách thức dường như muốn “trêu ngươi” người lính, bởi đúng vào thời điểm này, đơn vị cũng vừa bắt tay vào kiến thiết cơ bản (xây dựng mới khu doanh trại, khu tăng gia sản xuất). Hơn một nửa trong số gần 1.000 cây ăn quả, cây kiểng, cây làm bóng mát trồng trong khuôn viên mới chết khô, trong đó có những vị trí sau năm lần bảy lượt trồng mà không cây nào sống nổi.

Thượng tá Đinh Văn Định, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sa Thầy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện khá hài hước về sự lựa chọn cái kết của vật nuôi: “Nắng nóng quá, đàn heo của đơn vị phải lấp mình trong vũng bùn cạnh bể nước để làm mát cơ thể. Có con, do thọc đầu sâu quá, rút lên không kịp nên bị chết ngạt. Có lẽ chúng muốn ra đi trong mát mẻ còn hơn thoi thóp dặt dẹo trong cái nóng kinh người...”. Chi tiết này đủ để thấy sự khắc nghiệt của vùng “rốn hạn” và ngay tại điểm xuất phát của “cuộc đua marathon”, Đồn Biên phòng Sa Thầy đã phải “vượt đèo”.

Ba năm, bắt đầu từ trận hạn hán lịch sử là gần 1.000 ngày đêm lao động vất vả, nhọc nhằn của người lính Đồn Biên phòng Sa Thầy mà theo tính toán của Trung tá, Đồn trưởng Nguyễn Quang Thành là phải mất ít nhất khoảng 2 tỷ đồng (chỉ tính riêng ngày công lao động của bộ đội) để tạo nên một “lớp áo” màu xanh bên dòng sông biên giới. Vẫn còn đâu đó tiếng thở dài ngao ngán khi cây trồng, vật nuôi bỗng nhiên “trở chứng” nhưng vượt lên tất cả, ý chí quyết tâm của người lính đã chiến thắng.

Cả một tập thể đoàn kết xây dựng đơn vị vừa xanh-sạch-đẹp, vừa vững mạnh chính quy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ba năm “vượt đèo” (từ 2015 đến nay), Đồn Biên phòng Sa Thầy 2 lần đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng, Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh, trở thành một trong những lá cờ đầu phong trào thi đua của BĐBP  Kon Tum. Riêng về cảnh quan môi trường, có thể nói, đây là đơn vị đứng tốp đầu của cả tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên.

pyn6_9a
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Thầy chăm sóc cây xanh trong khuôn viên đơn vị. Ảnh: Thái Kim Nga

Đến nỗ lực của mỗi cá nhân

Trong kỳ tích vượt khó của Đồn Biên phòng Sa Thầy có những dấu ấn đậm nét của từng cá nhân mà khi nói về họ phải dùng đến cụm từ “nỗ lực hơn gấp nhiều lần khả năng của mình”. Từ người chỉ huy cao nhất, Đồn trưởng Nguyễn Quang Thành; “thủ lĩnh tinh thần”, Chính trị viên Đinh Văn Định, đến những chiến sĩ chỉ vỏn vẹn 2 năm quân ngũ, tất cả đều “cháy hết năng lượng” để tạo nên hai mảng màu đối xứng giữa cái khắc nghiệt và sự sống sinh sôi.

Giữa một “rừng hoa đẹp khoe sắc vàng” như bông hoàng lạc chật kín sân đồn, có một người nhìn vẻ bên ngoài rắn chắc như “cây búa tạ” nhưng luôn cháy bỏng một tình yêu biên giới: Thượng úy Nguyễn Đức Thọ, Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn Biên phòng Sa Thầy. Nếu nói 3 năm kiến thiết cơ bản của Đồn Biên phòng Sa Thầy là “cuộc chạy marathon” thì Nguyễn Đức Thọ chính là “vận động viên” dẫn đoàn, con át chủ bài của chỉ huy đơn vị.

Trên tinh thần tự nguyện, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mỗi đợt đăng ký trồng ít nhất 1 cây xanh thì “tham mưu trưởng” của đồn nhận gấp 5 lần, toàn những nơi khó, phải trồng đi trồng lại nhiều lần. Chính tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực vượt khó của Đội trưởng Đội Vũ trang là “làn gió mát” thổi vào lòng nhiệt huyết để mọi người nắm chặt tay nhau hơn trong xây dựng đơn vị. 1.000 cây xanh, 2.000 lần trồng và hơn từng đó lần đi tìm kiếm cây giống, đủ để thấy công sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Thầy bỏ ra lớn đến nhường nào.

Chắc chắn ở đây phải có sự đồng cam cộng khổ, phải có tình yêu biên giới mới giúp Nguyễn Đức Thọ và đồng đội chinh phục những thách thức đến từ thiên nhiên để “về đích” được như ngày hôm nay. Đồng hành để cùng trải nghiệm khó khăn, cùng thưởng thức những dư vị ngọt ngào của chiến thắng, Đội trưởng Đội Vũ trang Nguyễn Đức Thọ xứng đáng được ngợi khen. Cùng với đơn vị 2 năm liền đạt danh hiệu Quyết thắng, cá nhân anh cũng 2 lần liên tiếp đón nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, xứng đáng là “quả đấm thép” của Đồn Biên phòng Sa Thầy.

Không chỉ nỗ lực đóng góp trong xây dựng đơn vị, Thượng úy Nguyễn Đức Thọ còn là cán bộ năng động, bản lĩnh trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới, tổ chức huấn luyện và tham gia diễn tập, Nguyễn Đức Thọ tích cực tham gia công tác đối ngoại biên phòng, góp phần xây dựng củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Đồn Biên phòng Sa Thầy với các lực lượng chức năng và nhân dân nước bạn Campuchia.

Nói về người cán bộ cấp dưới của mình, Trung tá Nguyễn Quang Thành chia sẻ: “Là Đội trưởng Đội Vũ trang, Thượng úy Nguyễn Đức Thọ có sức khỏe, năng động và bản lĩnh. Tuy nhiên, trên tất cả, cậu ấy luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được chỉ huy đơn vị giao cho. Trong công tác xây dựng đơn vị, nhất là thời điểm kiến thiết cơ bản vừa qua, khó khăn, thử thách đối với cán bộ, chiến sĩ là rất lớn, Thọ luôn biết cách vượt qua. Có thể nói, chúng tôi may mắn có được người cán bộ chắc tay như thế...”.

Từ quyết tâm của cả tập thể, đến nỗ lực của mỗi cá nhân, Đồn Biên phòng Sa Thầy đã tạo nên một “ốc đảo xanh” tràn đầy sức sống giữa vùng biên khô cháy. Ngoài khuôn viên xanh-sạch-đẹp, những người lính bên dòng sông Sa Thầy còn quản lý chăm sóc hàng chục ha các loại cây rau màu, duy trì đàn gia súc (bò, heo) gần 200 con. Bằng chính giọt mồ hôi và công sức của mình, hàng ngàn cây ăn quả giờ đây đã đơm hoa kết trái, mang đến nhiều niềm vui cho người lính. Thành quả này một lần nữa khẳng định, dẫu “thiên” không thuận, “địa” không lợi, nhưng “nhân” hòa thì ắt sẽ thành công, để sắc xanh mãi in bóng trên dòng sông biên giới.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO