Biên phòng - "Sông Bến Hải bên trong, bên đục/Trách ai làm cho non nước chia đôi" - Vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải cùng điệu hò man mác ấy đã đi vào ký ức cả dân tộc Việt Nam nói chung và người Quảng Trị nói riêng với nỗi đau chia cắt. Hôm nay, bên dòng Bến Hải, đất trời đã chuyển sang một gam màu mới, tươi rói hòa bình.

Trên dặm dài thiên lý, ai đi qua Quảng Trị cũng muốn dừng chân ở cầu Hiền Lương, sông Bến Hải như một mệnh lệnh từ trái tim. Sông Bến Hải bắt nguồn từ đại ngàn Trường Sơn, đổ ra Cửa Tùng với tổng chiều dài chừng 100km. Con sông có nơi rộng nhất chỉ khoảng 200m này sẽ giống như bao dòng sông khác nếu như không có Hiệp định Genève. Sông Bến Hải và cây cầu Hiền Lương huyền thoại đã trở thành nơi chia cắt hai miền Nam - Bắc trong chiến tranh. Đằng đẵng 20 năm, sông Bến Hải là chứng nhân của biết bao cuộc chia ly, vợ xa chồng, anh xa em, mẹ xa con... Chỉ cách một gang tay mà xa ngàn dặm...
Thực ra, trên đoạn sông Bến Hải, từng có ít nhất 4 chiếc cầu mang tên Hiền Lương. Cách đây hơn 60 năm, thực dân Pháp đã xây dựng cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Cầu được làm bằng bê tông, rộng 3m, dài 7 nhịp. Thân cầu làm bằng thép, mặt được lát bởi ván thông. Sau Hiệp định Genève, Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời, đợi ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Và cầu Hiền Lương bị chia làm hai nửa với hai màu sơn khác nhau. Nhà văn Nguyễn Tuân có lần "cẩn thận" đếm từng nhịp: "Cầu được chia làm hai phần, mỗi bên có độ dài 89m, được sơn bằng hai màu khác nhau. Phía bờ Bắc có 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam có 444 tấm".
Đến năm 1966, bom đạn của giặc Mỹ làm sập cầu Hiền Lương, Từ đó cho đến năm 1974, người dân qua lại sông Bến Hải bằng cầu phao dã chiến. Để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1974, chiếc cầu Hiền Lương bằng sắt được ta xây dựng có kết cấu 5 nhịp. Cho đến năm 1998, cây cầu đã hoàn thành sứ mệnh trung chuyển của mình, trở thành một biểu tượng lịch sử. Còn chiếc cầu Hiền Lương hiện đại đang sử dụng được khởi công xây dựng vào năm 1995 theo công nghệ tiên tiến của Nga, đến năm 1998, cầu được hoàn thành, thông xe.
Xung quanh địa danh cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, có những câu chuyện, ký ức, chứng nhân còn mãi với thời gian. Ngôi nhà nhỏ của mẹ Ngô Thị Diệm ở xóm Hiền Lương, nằm phía Bắc của Vĩ tuyến 17. Những năm chiến tranh, mẹ Diệm lặng lẽ ngồi may cờ giữa bốn bề giặc lùng sục, để giữ cho cột cờ Hiền Lương không lúc nào vắng bóng lá cờ Tổ quốc. Từ tháng 8-1954 đến năm 1967, giặc Mỹ đã dội xuống hàng nghìn tấn bom đạn trên Vĩ tuyến, làm rách khoảng 300 lá cờ Tổ quốc. Cứ mỗi lá cờ bị giặc đánh rách là bàn tay mẹ Diệm lại run lên trên mỗi mũi kim khâu. Có lúc, màu đỏ của máu ở mười đầu ngón tay mẹ chảy ra, lẫn vào màu cờ. Bây giờ, mẹ Diệm đã đi xa, nhưng câu chuyện của bà vẫn được lớp con cháu kể lại.
Cùng với huyền tích vá cờ của mẹ Diệm, bên dòng Bến Hải, người ta vẫn nhắc đến câu chuyện về những "cuộc chiến màu sơn cầu Hiền Lương", "cuộc chiến âm thanh" xem loa ai tuyên truyền vang xa hơn, "cuộc chiến cột cờ, lá cờ", xem cờ ai cao hơn, to hơn... Đặc biệt, câu chuyện rưng rưng xúc động về một trong những đám cưới đầu tiên mà cô dâu, chú rể bước qua chiếc cầu huyền thoại vẫn được mọi người kể lại. Ở cái tuổi "xưa nay hiếm", mái tóc ông Trần Mốc đã bạc trắng.
Sau ngày đất nước giải phóng, ở tuổi 40, anh Mốc mới có điều kiện lập gia đình. Đám cưới anh chị được tổ chức tại một ngôi làng ven sông Bến Hải. Vợ anh là người phía bờ Nam. Anh chị yêu nhau trong những ngày đất nước còn chia cắt, cách một dòng sông nhưng 20 năm không nhìn thấy mặt nhau. Nhớ nhau, họ gửi gắm qua từng câu hò. Ngày rước dâu qua sông Bến Hải, nhiều người mừng vui, hạnh phúc mà không cầm được nước mắt. Bởi, đây là đám cưới đầu tiên của đôi tình nhân ở hai bên Vĩ tuyến 17 được rước dâu đi qua trên chiếc cầu lịch sử mà họ phải chờ đợi suốt 20 năm. Ông Trần Mốc chia sẻ: "Các con chúng tôi giờ đã lớn khôn. Tôi tổ chức đám cưới cho con trai đầu đầy đủ, chu đáo. Chuyến xe đưa dâu đi trên chiếc cầu Hiền Lương hiện đại, bắc qua sông Bến Hải".
Nhiều năm sau thời khắc lịch sử đánh dấu sự đoàn tụ Bắc - Nam, cứ đến mỗi ngày lễ lớn, đông đảo người dân, cựu chiến binh từ mọi miền Tổ quốc lại mừng mừng, tủi tủi hạnh ngộ bên dòng Bến Hải. Ai cũng ao ước có một lễ hội tổ chức ngay tại Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải để không chỉ những người từng kinh qua chiến tranh mà cả thế hệ trẻ, bạn bè quốc tế cũng được sống trong bầu không khí đặc biệt và thêm trân quý nền độc lập. Năm 2010, lễ hội thống nhất non sông lần đầu tiên được tổ chức với nhiều hoạt động như: Mít tinh, giao lưu âm nhạc, đua thuyền, hội trại...
Trong chương trình, nước hứng từ mạch nguồn suối Lê-nin và nước sông Cửu Long lấy tại đoạn hợp lưu chín dòng đã được rước lên kỳ đài. Tối hôm đó, thuyền chở đại biểu đến từ các miền Bắc, Trung, Nam cùng chụm kết giữa dòng Bến Hải để hòa trộn ba nguồn nước vào làm một. Hình ảnh ấy nói lên sự gắn bó, đoàn kết keo sơn giữa anh em ba miền, thể hiện rõ chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Trong vòng tay yêu thương, mọi người trao tặng nhau những kỷ vật quê hương như chiếc khăn rằn, tấm thổ cẩm...
Kể từ đó, hằng năm, lễ hội thống nhất non sông lại diễn ra bên cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Mỗi năm, lễ hội lại có một điểm nhấn riêng nhằm tôn vinh khát vọng thống nhất. Năm 2011, tỉnh Quảng Trị tiếp nhận những phiến đá chủ quyền quốc gia từ Trường Sa và cây bàng vuông do Bộ Tư lệnh Hải quân cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng. Tại buổi lễ, Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định, ngoài ý nghĩa làm giàu thêm bảo tàng kỳ tích bảo vệ chủ quyền đất nước của Việt Nam, đá chủ quyền quốc gia mang từ quần đảo Trường Sa vào đặt tại kỳ đài Hiền Lương còn là lời nhắc nhở, niềm mong đợi, sự kỳ vọng của biển đảo quốc gia đối với đồng bào trên đất liền.
Đến năm 2012, đoàn đại biểu Thủ đô Hà Nội đã vào tham dự lễ hội và trân trọng tặng tỉnh Quảng Trị biểu tượng Khuê Văn Các. Cũng dịp này, các vị khách quý đến từ TP Hồ Chí Minh tặng tỉnh biểu tượng Bến Nhà Rồng. Hai biểu tượng ấy nhắc nhở thế hệ con cháu Việt Nam quý trọng độc lập chủ quyền và sự đoàn kết toàn dân tộc. Trong khuôn khổ lễ hội thống nhất non sông năm 2013, các kiến trúc sư trẻ trên toàn quốc đã tụ hội về Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, dành tất cả tâm huyết thiết kế nên nhiều biểu tượng hoà bình. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng tỉnh Quảng Trị mẫu biểu tượng hòa bình đạt giải cao nhất được sáng tạo từ bàn tay khéo léo của kiến trúc sư trẻ Trần Thị Thanh Nhàn...

Nhắc đến lễ hội thống nhất non sông diễn ra bên bờ sông Bến Hải, không thể không nhắc đến nghi lễ thượng cờ linh thiêng và trang trọng. Trên nền nhạc Quốc ca hùng tráng, cờ Tổ quốc rộng 96m2 từ từ kéo lên đỉnh kỳ đài, gợi nhớ những năm tháng chiến tranh khốc liệt khi đồng bào miền Nam và vùng giới tuyến dù bị quân thù kìm kẹp, giết hại, nhưng ai cũng một lòng son sắt hướng về Đảng, Bác Hồ. Mặc bom rơi, đạn xéo, cờ Tổ quốc nơi giới tuyến Hiền Lương vẫn hiên ngang tung bay trong gió. Ít ai biết các chiến sĩ của Đồn Công an nhân dân vũ trang Hiền Lương năm xưa đã bước vào cuộc chiến cân não với hơn 300 trận lớn nhỏ để giữ lá cờ in hình trên bầu trời. Ngọn cờ chân lý ấy đã thôi thúc cả dân tộc anh hùng tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ, chấp nhận mọi sự hy sinh, gian khổ. Giờ đây, khi thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới như hòa nhịp với nhạc khúc Tiến quân ca, rất nhiều người vẫn rưng rưng nước mắt.
Tôi đã tham dự nhiều lễ hội thống nhất non sông, nhưng lúc nào nghe lại câu chuyện về mẹ Diệm vá cờ, đám cưới vợ chồng ông Trần Mốc, quyết tâm bảo vệ ngọn cờ của chiến sĩ Công an vũ trang Đồn Hiền Lương... cũng rưng rưng xúc động. Lòng chợt dậy lên ước mong sẽ có ngày càng nhiều du khách đến bên bờ sông Bến Hải, đi trên chiếc cầu Hiền Lương, nghe những câu chuyện lịch sử để trân quý hơn giá trị của độc lập, hòa bình.
Tây Long