Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Sắc màu biên giới trong tranh của họa sĩ Biên phòng

Biên phòng - Rất nhiều người bất ngờ khi biết Đại úy Nguyễn Văn Hoàn, Đội trưởng Đội Tuyên truyền Văn hóa, Phòng Chính trị, BĐBP Đắk Nông là họa sĩ, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Điều đáng quý hơn cả là “gia tài” của anh - những tác phẩm đoạt giải thưởng, được đánh giá cao luôn là những bức họa có liên quan đến BĐBP và biên giới.

Họa sĩ, Đại úy Nguyễn Văn Hoàn bên tác phẩm “Nắng biên thùy”. Ảnh: Trúc Hà

Cơ duyên để Đại úy Nguyễn Văn Hoàn trở thành họa sĩ rất tình cờ. 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, anh thường được mọi người trong đại đội nhờ vẽ trang trí cho những bức thư gửi cho bạn gái, cho gia đình. Vậy nên, khi Trưởng ban Tuyên huấn Lê Đáng (sau này là Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk) hỏi: “Ai có năng khiếu hội họa?” tất cả đã chỉ tay về Binh nhì Nguyễn Văn Hoàn. Vì tính tình hiền lành lại rất “được việc” nên Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk đã tạo điều kiện để anh đi học tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk. Tốt nghiệp, trở lại làm nhân viên Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, BĐBP Đắk Lắk, biết bao việc nhưng hễ có thời gian, chàng lính trẻ lại ngồi vào giá vẽ. Bắt đầu từ những bức tranh cổ động Ngày Biên phòng toàn dân hay tranh cổ động cho các đồn Biên phòng tuyên truyền, vận động trẻ em đến trường, người dân thực hiện nếp sống văn minh, ăn chín uống sôi, phòng, chống nạn tảo hôn... Những bức họa không được ký tên tác giả mà vẫn khiến chàng lính trẻ thấy vui.

Năm 2004, chàng lính trẻ Nguyễn Văn Hoàn chuyển công tác về Phòng Chính trị, BĐBP Đắk Nông. Do mới được thành lập từ việc chia tách tỉnh, công việc rất nhiều, anh Hoàn thường xuyên phải có mặt trên biên giới để viết bài, làm phóng sự tuyên truyền trên báo chí. Và rồi, những điều thân thuộc, gần gũi từ đồng chí, đồng đội, từ những cung đường tuần tra, sự chân chất của đồng bào biên giới đã trở thành niềm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho người họa sĩ mang quân hàm xanh này.

Năm 2017, Đại úy Nguyễn Văn Hoàn được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Và tất nhiên, để làm được điều đó, Đại úy Nguyễn Văn Hoàn phải có “hồ sơ” khá đồ sộ. Nhưng điều trân quý hơn cả đối với người họa sĩ mang quân hàm xanh này, đó là anh rất trung thành với đề tài lực lượng vũ trang. Các bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu và mỗi bức đều gắn với những câu chuyện liên quan đến BĐBP và biên giới. Có thể kể đến như: Tác phẩm “Nhịp chiêng” (đoạt giải B (không có giải A) của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2004-2014, vẽ về lễ hội của người M’Nông ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, là địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Đắk Dang. Mới đây nhất là tác phẩm “Nắng biên thùy” đoạt được giải Khuyến khích của Hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ vào tháng 8 vừa qua. Ở đó, người xem được thấy một màu vàng rực của núi rừng biên giới khi đứng bên dòng suối Đăk Đam (thuộc địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Đăk Mbai)...

Đã hơn 10 năm, Đại úy Nguyễn Văn Hoàn đều tham dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ và lần nào cũng vậy, tác phẩm của anh đều vẽ về những điều quen thuộc của người lính, có thể kể đến như: Điểm sáng vùng biên; Bên dòng Đăk Dang, Chiều biên giới, Tổ 5 người... Họa sĩ Siu Quý (Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã thốt lên đầy ngạc nhiên khi gặp tác giả “Nắng biên thùy”, rằng: “Tôi không ngờ tác giả của bức tranh vẽ về đề tài lực lượng vũ trang lại trẻ thế này. Cứ nghĩ là 1 họa sĩ già nào đấy vì lớp trẻ bây giờ ít quan tâm đến đề tài này. Họa sĩ như anh hiếm lắm”.

Lý giải cho việc tại sao họa sĩ trẻ bây giờ ít quan tâm đến đề tài lực lượng vũ trang, Đại úy Nguyễn Văn Hoàn cho rằng, vì đề tài rất “kén” người thưởng thức. Bởi vậy, họ thường lựa chọn đề tài phong cảnh, tĩnh vật hoặc thiếu nữ vì gần gũi với người xem hơn. Thế nhưng, khi xem tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Hoàn, người ta vẫn cảm nhận được nét thân thuộc, gần gũi và nó có gì đó rất sinh động và rất mềm mại khi treo trang trí. Anh bảo, có những họa sĩ thấy cảnh đẹp sẽ chụp rồi về vẽ lại nhưng anh vẫn trung thành với bài học của thầy giáo đã dạy là ký họa trước. Những nét ký họa đầu tiên ấy sẽ là cái hồn cốt lõi trong mỗi tác phẩm và người xem có thể cảm nhận được nó. Điều đặc biệt là các hoạt động của bộ đội được đưa vào tranh của anh trong một không gian vô cùng đẹp đẽ và sắc màu đầy sức sống, tươi vui, hy vọng nơi thiêng liêng của Tổ quốc. Có lẽ bởi vậy, anh thường xuyên được mời tham gia tại các triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật tỉnh Đắk Nông và của các nhóm họa sĩ khu vực miền Trung- Tây Nguyên dù đề tài của anh vốn được đánh giá “khô cứng” và “khó sáng tạo”.

Tác phẩm “Điểm sáng vùng biên” được đánh giá cao tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ năm 2011. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Đại úy Nguyễn Văn Hoàn chia sẻ: “Một số người nghĩ rằng, họa sĩ chỉ cần có trí tưởng tượng tốt là có thể ngồi ở nhà để sáng tạo tác phẩm nhưng thực tế không phải vậy. Để có được tác phẩm chất lượng thì người họa sĩ phải đi, thậm chí đi rất nhiều. Những bức họa của tôi là kết quả của rất nhiều chuyến đi công tác đến khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông. Vẫn những khung cảnh ấy nhưng mỗi lần ngắm nhìn lại mang cho tôi những cảm xúc khác nhau để từ đó tạo nên ý tưởng cho bức họa muốn vẽ. Tác phẩm “Chiều biên giới” là kết quả của hàng chục chuyến tôi đi làm phóng sự truyền hình cho chuyên mục Vì chủ quyền an ninh biên giới. Lần nào cũng thế, mỗi khi đến Đồn Biên phòng Đăk Mbai, tôi cũng đều ngắm hoàng hôn khi đứng bên dòng suối Đăk Đam và cũng cần tới 6 tháng bên giá vẽ tôi mới có được “Nắng biên thùy...”.

Trả lời cho câu hỏi, vậy lấy đâu ra thời gian để vẽ, Đại úy Nguyễn Văn Hoàn trải lòng: “Khi đã xây dựng được ý tưởng cho một tác phẩm hội họa, tôi lúc nào cũng muốn phải nhanh chóng cụ thể bằng màu. Nó khiến tôi lúc nào cũng muốn vẽ, thậm chí đi công tác cũng muốn nhanh nhanh để về ngồi vào giá vẽ. Tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi đi học về mỹ thuật, đến nay, tuy không phải là nhiệm vụ nhưng với tôi, vẽ về đề tài BĐBP và biên giới không chỉ là đam mê mà còn là trách nhiệm của mình”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO