Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 05:33 GMT+7

Sắc hồng tam giác mạch trên đỉnh trời Si Ma Cai

Biên phòng - Si Ma Cai là huyện biên giới phía Bắc, nằm ở phần Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, nổi tiếng với chợ phiên Sín Chéng và chợ phiên Cán Cấu - chợ trâu lớn nhất Tây Bắc, là điểm đến yêu thích của những người ưa du lịch “bụi”. Giờ đây, sau khi đi chợ phiên, du khách còn có một lựa chọn hấp dẫn nữa là tìm đến những cánh đồng hoa tam giác mạch ở xã Lử Thẩn.

hkmq_9a
Hoa tam giác mạch khoe sắc trên những nương rộng lớn ở xã Lử Thẩn. Ảnh: Thanh Thuận

Học cách trồng hoa từ Hà Giang

Tam giác mạch hay còn gọi là kiều mạch, là loài hoa đặc trưng cho vùng núi phía Bắc thường nở vào cuối Thu, đầu Đông. Từ đường chính đi sâu vào xã Lử Thẩn khoảng 500m là tới “thiên đường” hoa tam giác mạch với những quả đồi san sát nhau nhuộm thắm sắc hồng. Cánh đồng hoa rực rỡ, bạt ngàn sắc tím hồng trải dài vô tận đến cuối chân trời, khiến hết thảy du khách không khỏi trầm trồ, ngơ ngẩn. Tấm thảm thiên nhiên rộng lớn ấy đã tạo nên bao điều kỳ diệu, khơi nguồn cảm xúc nghệ thuật cho những tâm hồn nghệ sĩ. Xa xa, những hàng sa mộc với dáng đứng hiên ngang, trầm mặc, bao quanh vườn hoa tam giác mạch như những người lính gác. Sắc hồng của hoa nổi bật trên nền xanh thẫm của những hàng sa mộc đã tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Tam giác mạch được trồng tại Lử Thẩn thấp hơn và lá cây cũng ít hơn so với cây ở Hà Giang, nhưng hoa nở đẹp và sắc hoa đậm hơn. Người dân trồng những luống hoa mới xen kẽ với luống hoa đã đơm bông để các ruộng thay phiên nhau nở hoa phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của du khách tới Si Ma Cai. Ở đây, hoa tam giác mạch không chỉ nở một vụ duy nhất trong năm là từ cuối Thu như ở Hà Giang, mà còn có thêm vụ nữa vào mùa Hè. Bởi người dân trong xã gieo hạt tam giác mạch vào các thời gian khác nhau, nên luôn có hoa nở đẹp. Vụ thứ nhất là vào cuối tháng 9 đến hết tháng 10, 11, 12, thời điểm hoa rộ nhất vào đầu tuần tháng 11. Vụ thứ hai vào tháng 5.

Hiếm thấy loài hoa nào thay đổi màu sắc nhiều như tam giác mạch. Khi chớm nở, hoa khoe màu trắng tinh khôi, rồi cứ thế, trước hơi thở của đất trời, chuyển sang màu hồng phớt ánh tím, cuối cùng ngả đỏ sẫm. Dù “khoác” lên mình bất kỳ màu áo nào thì cả một nương đồi rộng lớn, bạt ngàn hoa tam giác mạch cũng khiến người ta ngây ngất, khó kìm lòng trước vẻ đẹp mong manh mà quyến rũ. Có thể nói, chưa nơi nào có những ruộng hoa tam giác mạch rộng lớn như ở Lử Thẩn. Tại đây, chúng tôi gặp anh Giàng Seo Chu, người đầu tiên đưa giống hoa tam giác mạch về trồng ở Si Ma Cai.

Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan đồi hoa, anh Seo Chu vừa kể về những ngày đầu trồng hoa đầy gian khó. Giàng Seo Chu cho biết, tháng 10-2013, anh theo bạn đi chợ trâu ở Hà Giang, dọc đường đi thấy rất nhiều cây hoa sắc hồng hồng, nhỏ li ti, trồng thành nương bạt ngàn. Anh cũng thấy rất nhiều người vào nương hoa chụp ảnh. Khi gặp một người bạn Hà Giang, anh hỏi mới biết đó là hoa tam giác mạch, người dân trồng để làm dịch vụ du lịch. Người bạn cũng cho anh biết, trồng ngô trái vụ không có hạt, vất vả, còn trồng hoa này có tiền luôn, chỉ việc trông không để trâu bò phá. Nghe thấy thế, anh mừng thầm, trong đầu lóe lên ý định đưa hoa lên Si Ma Cai trồng thử. Sau đó, anh về xã nói chuyện này với các bạn trong bản, hỏi ý kiến và đều nhận được sự nhất trí làm thử của mọi người.

Thế là, tháng 11 năm đó, Giàng Seo Chu sang Hà Giang mua hạt giống tam giác mạch về trồng. Ban đầu, anh chỉ trồng hoa trong sân nhà, ai đến cũng khen đẹp. Mấy anh cán bộ huyện về xã họp, thấy hoa đẹp đã xin chụp ảnh nhờ khiến anh Chu thấy hay hay. Năm sau, tại những nương đã thu hoạch ngô xong, Giàng Seo Chu đều trồng tam giác mạch. Cây tam giác mạch phát triển tốt, đậm màu hệt như hoa ở Hà Giang. Thấy hoa đẹp, nhiều người đã đến tham quan, chụp ảnh. Vụ đó, anh Seo Chu thu về gần chục triệu đồng tiền cho thuê chụp ảnh và chạy xe ôm đưa khách đi ngắm hoa khắp đồi. Những vụ tiếp theo, anh đều trồng hơn 3ha tam giác mạch. Đó là diện tích trồng tam giác mạch lớn nhất ở xã Lử Thẩn. Nhìn thấy hiệu quả từ cây tam giác mạch, gần trăm hộ gia đình trong xã cũng vào cuộc trồng, đưa tổng diện tích cây tam giác mạch lên đến 20ha.

Trở thành sản phẩm du lịch mới của Si Ma Cai

Lử Thẩn có 100% là người Mông Hoa. Trước đây, đời sống của người dân chủ yếu trông chờ vào nông nghiệp, với việc chính là trồng ngô và chăn nuôi gia súc. Do đó, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Trước “cơn sốt” hoa tam giác mạch ở Hà Giang trong giới mê “phượt”, vào nửa cuối năm 2014, người Mông ở xã Lử Thẩn đã gieo trồng một diện tích lớn tam giác mạch để làm du lịch. Trồng hoa tam giác mạch ở Si Ma Cai mới phát triển, nhưng lại hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên hoa phát triển tốt, bông thắm hồng, thân mập, lâu tàn. Nhờ đó, hàng nghìn lượt khách đã đến Lử Thần tham quan. Đặc biệt, từ khi Đảng ủy và chính quyền địa phương khuyến khích người dân gieo trồng thêm vụ xuân hè (hoa nở vào tháng 4, 5, 6), được coi là trái vụ để thu hút khách thì lượng người đến với Lử Thẩn càng tăng.

Với lợi thế về giao thông, khách từ các điểm du lịch lân cận như: Sa Pa, đỉnh Phan Xi Păng, Bắc Hà, cửa khẩu Lào Cai, chợ phiên Sín Chéng và Cán Cấu đều dễ dàng tiếp cận cánh đồng tam giác mạch Lử Thẩn. Ô tô đã vào được tận những chân đồi hoa tam giác mạch. Điều này đã mang lại thành công về mặt kinh tế và quảng bá du lịch cho Lào Cai nói chung và cho khu vực Si Ma Cai nói riêng. Các bộ phận của cây tam giác mạch đều rất hữu ích với đời sống đồng bào Mông. Ngoài ra, rượu chiết xuất từ hạt tam giác mạch là sự dung hòa giữa cái cay của rượu gạo và vị ngọt như rượu cần của vùng Tây Bắc, sẽ khiến cho ai đã uống rồi thì không thể quên và chỉ muốn được uống thêm nữa.

Chị Giàng Thị Dớ chia sẻ: “Cây tam giác mạch không kén đất, rất dễ trồng, ít công chăm sóc hay làm cỏ vì gieo hạt rất dày nên khi cây đã mọc, cỏ không còn chỗ lên nữa, thu nhập còn hơn trồng ngô. Trong khi đó, lượng khách du lịch lên Si Ma Cai tăng nhiều so với những năm trước nên số diện tích chuyển đổi trồng hoa tam giác mạch phục vụ du lịch đã cho thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, chúng tôi phải chọn địa hình đẹp, theo bậc hoặc nơi đất thoai thoải rộng để gieo hạt. Có thế hoa mới đẹp, khách mới thích”.

Khách du lịch có thể thoải mái tham quan và chụp ảnh trong những nương hoa tam giác mạch khổng lồ với giá 20.000 đồng/người. Nếu muốn trở thành cô gái miền sơn cước trong bộ trang phục Mông xinh xắn với quẩy tấu để chụp hình thì thêm 20.000 đồng/người/bộ nữa. Một số vườn còn hái sẵn hoa, kết thành vòng đội đầu cho các bạn nữ làm dáng với loài hoa này. Ngoài ra, khách muốn đi xe ôm để đi thăm hết khắp các ruộng hoa tại đây, thì đã có đội ngũ xe ôm trong bản chờ sẵn phục vụ. Bánh làm từ bột và hạt tam giác mạch cũng được bày bán ở ven khu vực ruộng hoa với giá 10.000 đồng/cái để du khách có thể thưởng thức được hương vị của loài hoa dịu ngọt này.

Tạm biệt Lử Thẩn, lòng tôi vẫn còn vấn vương với những nương hoa tam giác mạch tím hồng bát ngát, vẫn ngỡ như đang được đắm mình trong không gian của một miền đất lạ đáng yêu, những con đèo quanh co chìm trong sương mù bao phủ, những váy hoa sặc sỡ... Mong cho tam giác mạch mỗi mùa lại rực rỡ hơn để Lử Thẩn không còn là một xã đi lại khó khăn, đời sống của đồng bào Mông ngày một no ấm hơn.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO