Biên phòng - Chiều cuối Đông, khi giọt nắng cuối cùng phai dần trên những đỉnh non cao nơi phía ngã ba biên giới, đất trời Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum bỗng trở lạnh. Cái lạnh tuy chưa đến độ tê tái, nhưng vẫn khiến chúng tôi có cảm giác như lọt thỏm giữa miền hoang sơ, tĩnh lặng đến tận chân trời. Trên các ngõ xóm, ánh đèn đã giăng giăng, nhưng vùng biên Sa Loong vẫn lặng lẽ trong bước chân người lính Biên phòng. Giờ là lúc tăng dày những chuyến đi để mang niềm vui đến với thôn làng biên giới…
Trên đường xuống thôn Giang Lố 1 khám sức khỏe và tặng quà cho 2 cụ bà cao tuổi được đơn vị nhận đỡ đầu, Trung tá Phan Trọng Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Loong, BĐBP Kon Tum, chia sẻ với chúng tôi: “Những ngày cuối năm, đồn tăng cường lực lượng trên mọi mặt công tác từ biên giới xuống địa bàn, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Đối với công tác vận động quần chúng, ngoài lực lượng thường trực tại đội công tác địa bàn, chỉ huy đồn và các bộ phận chuyên môn tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ xuống giúp dân lao động sản xuất, sửa sang nhà cửa, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc... Chúng tôi cố gắng làm thế nào đó để hỗ trợ bà con chuẩn bị đón một cái Tết đầm ấm, yên vui nhất”.
Được trực tiếp trải nghiệm những chuyến đi trong đêm như thế này, tôi mới phần nào cảm nhận được “sức nặng” trong công tác xây dựng địa bàn của người lính Đồn Biên phòng Sa Loong. Quản lý xã biên giới Sa Loong có 6 thôn với 1.425 gia đình nhưng có đến 80% trong số này là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Xơ Đăng và Ca Dong).
Trong những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước đầu tư nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cải thiện đáng kể. Việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là điện, đường, trường, trạm đã đáp ứng tốt nhu cầu đời sống của người dân. Mặc dù vậy, so với mặt bằng chung của huyện Ngọc Hồi thì tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã Sa Loong vẫn còn khá cao, chiếm hơn 14%. Nguyên nhân chính là do trình độ dân trí còn thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa thật sâu rộng, một bộ phận nhỏ quần chúng còn mơ hồ, thiếu hiểu biết, không tu chí làm ăn rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền lôi kéo vi phạm pháp luật, gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Và đây cũng chính là tác nhân tạo nên “sức nặng” đối với công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong.
Thời gian qua, cùng với việc tăng cường cán bộ đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn làng, phụ trách hộ gia đình, xây dựng củng cố chính trị cơ sở, đẩy mạnh phong trào tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn làng, Đồn Biên phòng Sa Loong tập trung xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trợ giúp y tế, học đường, hỗ trợ nhân lực tham gia lao động sản xuất với bà con dân tộc. Sự đồng hành của người lính Biên phòng đã tạo nên những điểm sáng tình người nơi biên giới, tôn vinh nét đẹp nhân văn, qua đó tăng cường sức mạnh đoàn kết quân-dân-chính-đảng.
Gia đình ông A Liên (dân tộc Xơ Đăng), ở thôn Giang Lố 1 là minh chứng điển hình nhất. Khoảng 5 năm về trước, đây là một trong những hộ nghèo nhất xã Sa Loong, với gia sản là căn nhà “hết cấp” và 5 nhân khẩu thường xuyên rơi vào cảnh thiếu ăn. Kinh tế quá khó khăn nên mấy đứa con nhà A Liên, người thì “bắt vợ” sớm, người thì thấp thỏm bỏ học để tăng nhân lực lao động, nhẹ gánh nặng chi tiêu. Để chung tay góp sức giúp gia đình ông A Liên xóa đói, giảm nghèo bền vững, Đồn Biên phòng Sa Loong một mặt, nhận đỡ đầu cháu A Lao ( con trai ông A Liên) trong chương trình “Nâng bước em tới trường”, mặt khác, hỗ trợ nguồn heo giống lai rừng, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Từ cặp heo giống, hàng trăm cây bời lời, cùng nhiều ngày công lao động do đồn Biên phòng hỗ trợ, kinh tế gia đình ông A Liên bắt đầu có những bước “chuyển mình” tích cực. Kinh tế ổn định và phát triển nhờ vào đàn heo vừa bán giống, vừa bán thịt và vườn bời lời thu hoạch theo kiểu “gối đầu”. Đặc biệt, từ tình thương của người lính, cháu A Lao không chỉ thoát cảnh thất học, mà còn có những bước tiến bộ vượt bậc. Hiện tại, cháu đang theo học lớp 10 ngoài thị trấn, hứa hẹn một tương lai đầy hứa hẹn.
Những ngày cuối năm, niềm vui như được nhân đôi đối với gia đình A Liên khi ông được Đồn Biên phòng Sa Loong hỗ trợ vật liệu, ngày công lao động tu sửa nâng cấp căn nhà để kịp đón Tết cổ truyền của dân tộc. Chia sẻ với chúng tôi, ông A Liên cho biết: “Mình cảm ơn đồn Biên phòng rất nhiều. Trong 5 năm qua, anh em đã giúp đỡ, hỗ trợ gia đình mình không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Thằng A Lao được học hành đến nơi đến chốn, sau này có cơ hội tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn...”.
Sau thành công của mô hình nuôi heo lai rừng ở gia đình ông A Liên, đầu năm 2019, Đồn Biên phòng Sa Loong tiếp tục hỗ trợ nguồn giống cho gia đình ông A Móc, ở thôn Đắk Vang và bà Nguyễn Thị Thường, ở thôn Cao Sơn. Nhờ những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình xây dựng mô hình nên hiệu quả chăn nuôi ở những hộ sau luôn cao hơn hộ trước, qua đó mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Tiếp tục chuyến bộ hành trong đêm với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong, chúng tôi lần lượt ghé thăm các gia đình được đồn kết nghĩa đỡ đầu, các đối tượng thuộc diện đảng viên đồn Biên phòng phụ trách và các địa chỉ nhân đạo. Ở tất cả những nơi người lính đi qua đều đọng lại những giọng nói, tiếng cười tràn đầy niềm tin và khát vọng. Đêm cuối năm vất vả nhưng thật nhẹ nhàng đối với người lính Đồn Biên phòng Sa Loong, để ngày mai họ lại tiếp tục những chuyến đi mang thật nhiều niềm vui đến với thôn làng biên giới.
Thái Kim Nga