Biên phòng - Đó là thực trạng chung của rất nhiều xã miền núi thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã A Đớt, huyện A Lưới tâm sự với chúng tôi như vậy. Đồng thời, ông cũng cho biết, người dân ở xã vùng biên này thu nhập bình quân chỉ đạt 13,4 triệu đồng/người/năm. Chính quyền cũng đã trao cho bà con chiếc “cần câu” xóa đói giảm nghèo, nhưng người dân vẫn chưa thể tự “câu” được “cá”.

PV: Ông nguyên là Chánh Văn phòng Huyện ủy, năm 2016 được điều động về địa phương và cùng Đảng bộ đưa “con tàu A Đớt” ra khỏi vùng nghèo, tạo điểm sáng ở vùng biên. Vậy, địa phương đã chọn những “động cơ” mạnh mẽ nào để gắn lên “con tàu” này, thưa ông?
Ông Trần Văn Minh: Từ khi được điều động vào đây, tôi lúc nào cũng trăn trở làm sao để cho xã nghèo này được khởi sắc. Ở đây còn có Đại úy Trần Ngọc Tuấn, cán bộ Biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Chúng tôi xác định là thâm canh tăng năng suất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kinh tế trang trại và nhất là xuất khẩu lao động sẽ giúp cho địa phương thoát nghèo. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế thì không phải dễ dàng. Nông nghiệp thì thâm canh diện tích, nhưng mà thâm canh gì thì đến đụng trần là hết thôi. Năng suất của cây lúa tới chừng đó cũng hết chứ không vượt nữa. Bây giờ chỉ còn trông chờ vào xuất khẩu lao động, nhưng thanh niên ở vùng cao đi lao động chỉ một thời gian lại bỏ về nước vì họ không thích xa nhà. Khó khăn là vậy!
PV: Tổng diện tích nông nghiệp, lâm nghiệp ở địa phương là hơn 313ha. Kinh tế trang trại là thế mạnh ở các xã miền núi. Vậy, địa phương đã thực hiện tới đâu, thưa ông?
Ông Trần Văn Minh: Một con gà ở A Đớt có giá tới 250-300 ngàn đồng, đắt hơn mua ngoài huyện. Qua khảo sát, địa phương chỉ có phát triển chăn nuôi ở mức gia trại, nhà nuôi vài trăm con gà, con vịt. Chúng tôi quyết tâm hỗ trợ để bà con nâng dần lên thành nông trại, từ đó, mọi người xung quanh học tập để xóa nghèo. Nhân rộng gia trại thì bà con có đất rừng, địa phương yêu cầu không thả rông mà khoanh vùng, cách ly gia đình, rồi nuôi nhốt các loại gia cầm gà, vịt, dê. Và phải làm chuồng trại tránh mưa gió, có thức ăn chăm sóc chứ không nuôi thả. Nhưng mới bắt tay vào thực hiện thì đã gặp thiên tai, có hộ bị lũ vùi hết gà vịt, thành trắng tay. Vậy là cán bộ xã phải tới ngay để giúp, gửi cho họ ít tiền để chia sẻ khó khăn.
PV: Các địa phương miền núi đều có chính sách đào tạo nghề cho nông dân, qua thực tế, ông thấy vấn đề này có phát huy hiệu quả hay không?
Ông Trần Văn Minh: Tại địa bàn miền núi có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ như Chương trình 22, 33, 755, 134, 135; Đoàn kinh tế Quốc phòng 92, BĐBP, Ngân hàng Chính sách và bà con vay thì trả rất đúng kỳ hạn. Địa phương thường xuyên tổ chức cho bà con đi tập huấn học nghề, tạo công ăn việc làm, nghề chi cũng có như may, hàn gò, điện, sửa chữa xe máy... nhưng học rứa rồi về cũng ngồi không. Bà con không phát huy được, vì trên địa bàn mình cũng không thể phát triển, làm giàu từ mấy nghề đó được, mà chừ đi làm thuê thì chủ lại đòi hỏi phải có tay nghề cao. Trước tình hình trên, địa phương dạy cho bà con kế hoạch chi tiêu trong gia đình, các chi hội ở thôn đều dạy về cách chi tiêu, có sơ đồ chi tiêu, bỏ ống như thế nào để tính đường làm ăn, đầu tư cho sản xuất, khi được hỗ trợ thì phải tái sản xuất.
PV: Toàn xã A Đớt có 636 hộ, trong đó, số hộ nghèo là 245. Tại nhiều địa bàn huyện miền núi, khi tiếp xúc cử tri thì có nhiều ý kiến về việc xin vào hộ nghèo, tại địa bàn A Đớt, vấn đề này ra sao, thưa ông?
Ông Trần Văn Minh: Khi tôi tiếp xúc cử tri thì câu bà con hay hỏi là: “Tại sao tôi không được hộ nghèo?”. Tâm lý bà con vẫn thích “được” là hộ nghèo. Nhưng hộ nghèo thì xã có tiêu chí rồi, đưa về thôn điều tra, có thang điểm rồi. Bây giờ có một số thanh niên mới lập gia đình rồi tách ra và muốn vào hộ nghèo, nhưng năm nay, chúng tôi không cho. Thanh niên mới tách không thể là hộ nghèo được.

PV: Xã A Đớt có 636 hộ, 2.436 khẩu, chiếm 90% là người dân tộc Tà Ôi. Cây cao su từng được xem là “vàng trắng”, là lối thoát nghèo tốt nhất cho đồng bào ở A Đớt cũng như các xã vùng biên lân cận. Vậy, triển vọng này có thành hiện thực hay không, thưa ông?
Ông Trần Văn Minh: Triển khai trồng cao su tại địa phương, hiện nay chúng tôi giữ nguyên diện tích chứ không mở rộng trồng mới vì có thông tin thua lỗ. Địa phương vận động bà con giữ nguyên và chăm sóc tốt. Tuy nhiên, vì không có cơ chế hỗ trợ nên bà con trồng lên rứa thôi, khi mô chết thì thôi, chứ họ ít đầu tư. Bà con không đầu tư, nên năng suất sau này sẽ thấp.
Nhìn chung, ở địa bàn A Đớt, nếu thay đổi ào một cái thì cũng không được, vì còn phụ thuộc vào người dân nữa. Nhà nước không hỗ trợ thì rất dễ tái nghèo.
PV: Xin cảm ơn ông!
Lê Văn Chương (Thực hiện)