Biên phòng - Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, số lượng công nhân, người lao động (NLĐ) nhiều tỉnh, thành phố (TP) phía Nam đổ xô đi làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần gia tăng đã khiến cơ quan BHXH tại một số tỉnh, TP phía Nam rơi vào tình trạng quá tải. Tuy nhiên, theo cơ quan BHXH, người dân không nên rút BHXH một lần vì cái lợi trước mắt mà để chịu thiệt thòi khi về già.

Trang trải cuộc sống khó khăn
Ghi nhận tại BHXH TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), từ rất sớm, đã có người dân xếp hàng chờ lấy số thứ tự ra tới ngoài cổng của BHXH. Tuy nhiên, khi được hỏi thì có người đến để làm thủ tục nhận BHXH một lần, có người đến để xin chuyển BHXH, có người đến đăng ký bổ sung thông tin BHXH, bảo hiểm y tế...
Chị Lê Thị Kim A. (sinh năm 1987) có mặt từ 7 giờ sáng, nhưng số thứ tự mãi đến số 63. Đến gần 10 giờ, chị Kim A. vẫn chưa tới lượt để vào làm thủ tục rút BHXH một lần. Chị Kim A. cho biết, chị làm công nhân tại Công ty dệt Việt Thắng (TP Thủ Đức) từ tháng 2-2007 thì đến tháng 3-2020, chị nghỉ thai sản và chuyển về Bà Rịa-Vũng Tàu, mức lương đóng BHXH tháng cuối cùng là 5.711.000 đồng/tháng. “Do không có ai chăm sóc con nên sau khi hết thời gian thai sản, tôi quyết định nghỉ hẳn ở nhà để lo cho con, mọi việc có ông xã lo. Vì vậy, tôi quyết định rút BHXH một lần, đến đâu tính đến đó. Sau này, nếu đi làm lại thì tôi sẽ đóng lại từ đầu” - chị Kim A. nói.
Còn chị Phan Thị Hồng H. (sinh năm 1986) đi 50km từ Bến Cát, tỉnh Bình Dương lên BHXH TP Thủ Đức lúc 9 giờ để hoàn thiện hồ sơ làm thủ tục rút BHXH một lần, nhưng vì “hết số” nên chị được yêu cầu ngày hôm sau ghé lại “bốc số”. “Giờ tôi về lại Bình Dương thì mai lại phải dậy đi từ 3-4 giờ sáng mới có thể xếp hàng lấy được số sớm, trong khi đó, một thân một mình, đường sá lại không rành. Chả lẽ tôi lại thuê phòng ở gần đây để mai đến sớm” - chị H. buồn bã nói.
Hồng H. cho biết, chị công tác tại Bệnh viện quận Thủ Đức và đóng BHXH được 12 năm 2 tháng. Tuy nhiên, do vỡ kế hoạch sinh bé thứ 3, cộng với dịch Covid-19 nên chị quyết định nghỉ việc từ đầu năm 2021. “Tổng thu nhập của tôi khi ấy là 7 triệu đồng/tháng, chồng tôi được gần 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, phải ở nhà thuê, 3 đứa con còn nhỏ (đứa lớn mới học lớp 5), tiền thuê nhà, tiền sữa, tiền ăn... rồi tiền học của cả ba đứa nếu ba mẹ đi làm thì tốn kém lắm, không thể trang trải nổi. Nên cả hai vợ chồng tôi đành quyết định nghỉ việc, nhận BHXH một lần để lấy vốn mở nhà thuốc, vừa có thời gian lo cho 3 đứa nhỏ, vừa có thể trang trải cuộc sống” - chị H. giãi bày.
Khi chúng tôi hỏi chị có nghĩ đến việc ngừng tham gia BHXH, sau này về già không có lương hưu, thì chị H. nói: “Tôi cũng từng có ý định sẽ đóng tiếp BHXH, nhưng quả thực tôi không biết đóng tiếp ở đâu vì đã nghỉ việc, cũng không biết mức đóng như thế nào, không có ai tư vấn cho tôi cả”.
Còn tại Bình Dương, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, mỗi ngày có từ 500 - 1.000 NLĐ đến trụ sở cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký nhận BHXH một lần và bảo hiểm thất nghiệp. Nói về lý do đăng ký rút tiền BHXH một lần, anh Ngô Văn Tiến, làm việc tại một công ty may mặc tại Bình Dương cho hay: “Tôi năm nay 38 tuổi, tham gia BHXH được 5 năm. Để đủ 60 tuổi theo quy định mới nhận lương hưu thì rất lâu, trong khi bản thân tôi đang cần tiền chữa bệnh. Rút ra một lần khoảng hơn 20 triệu đồng giúp tôi giải quyết khó khăn trước mắt, sau đó nếu còn sức khỏe đi làm thì tôi sẽ đóng BHXH sau”.
Đẩy mạnh công tác truyền thông
Theo BHXH TP Hồ Chí Minh, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, toàn TP đã có khoảng 37.000 NLĐ làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong quý I-2022, số người đến làm thủ tục nhận BHXH một lần tăng, chủ yếu tập trung ở 5 quận, huyện cửa ngõ như 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và TP Thủ Đức, do NLĐ ở các tỉnh lân cận qua làm thủ tục BHXH.
“Theo quy định của BHXH Việt Nam, NLĐ muốn làm thủ tục BHXH thì có thể đến bất cứ cơ quan BHXH nào trên cả nước đều được. Do đó, sau dịch Covid-19, số lượng người đến làm hồ sơ BHXH tại 5 quận, huyện này và TP Thủ Đức tăng hơn trước. Trong số đó, không chỉ có người đến làm thủ tục nhận BHXH một lần, mà còn nhiều người làm các thủ tục khác. Trung bình 1 ngày, mỗi đơn vị BHXH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 26 hồ sơ. Như vậy không phải là nhiều” - một vị đại diện BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.
Theo tính toán của ngành BHXH, nếu một NLĐ có 20 năm đóng BHXH (từ năm 2001-2020), với mức tiền lương bình quân đóng là 4 triệu đồng/tháng và người này đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần trong năm 2022, nếu nhận BHXH một lần thì người này sẽ được 134 triệu đồng đối với cả lao động nam và lao động nữ. Tuy nhiên, nếu để nhận lương hưu thì lao động nam (với tuổi thọ trung bình là 71 tuổi) sẽ nhận được tổng số tiền là hơn 257 triệu đồng, nhiều hơn 123 triệu đồng so với nhận BHXH một lần. Còn đối với lao động nữ (với tuổi thọ trung bình là 76,3 tuổi) sẽ nhận được tổng số tiền là hơn 589 triệu đồng, nhiều hơn 455 triệu đồng so với nhận BHXH một lần.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho hay, việc nhận BHXH một lần khiến NLĐ rất thiệt thòi, vì số tiền nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Cụ thể, mức đóng BHXH trong 1 năm của NLĐ bằng 2,64 tháng lương, nhưng khi nhận chỉ được số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Thời gian đóng BHXH của NLĐ đã được tính hưởng BHXH một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác.
Bên cạnh đó, NLĐ cũng mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động, hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận một lần (không được hoàn trả BHXH một lần đã nhận). Không có lương hưu hằng tháng thì khi về già, NLĐ phải sống phụ thuộc vào con cái hoặc người thân khi không còn khả năng lao động. NLĐ cũng mất cơ hội tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền...
“Vì vậy, về lâu dài, NLĐ không nên nhận trợ cấp một lần, mà nên tích lũy thời gian để hưởng chế độ hàng tháng. Các doanh nghiệp nên tạo điều kiện để NLĐ có việc làm, có thu nhập. Nhà nước và các tổ chức tín dụng, ngân hàng tham mưu Chính phủ có quỹ nhằm tạo điều kiện cho NLĐ vay vốn ưu đãi, không lãi suất, có kế sinh nhai...” - ông Mến khuyến cáo.
Trong khi đó, bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH Bình Dương cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tuyên truyền để NLĐ hiểu những thiệt thòi về lâu dài khi rút BHXH một lần. Trường hợp NLĐ không đi làm việc nữa vẫn có thể tham gia BHXH tự nguyện và tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Theo đó, để vận động NLĐ hạn chế rút BHXH một lần, BHXH tỉnh Bình Dương cử cán bộ ngành BHXH trực tiếp đến tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất truyền thông trực quan bằng tờ rơi, tờ gấp, đăng trên bảng tin, phát phóng sự ngắn trên bảng điện tử của các doanh nghiệp.
Nguyễn Hoàng