Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:08 GMT+7

Ruộng bậc thang và nghi lễ cầu mùa của người Dao đỏ

Biên phòng - Danh thắng ruộng bậc thang gắn liền với cuộc sống cùng những tri thức canh tác truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai. Trong quá trình canh tác ruộng bậc thang, người Dao đỏ và một số dân tộc khác ở các xã vùng cao Sa Pa có nhiều nghi lễ độc đáo liên quan đến ruộng bậc thang như lễ cúng ruộng, lễ cơm mới…

Ruộng bậc thang là nơi thường diễn ra các nghi lễ cầu mùa, cầu mưa... của người Dao đỏ. Ảnh: Kiều Lê

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ Phòng Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết: Lễ cúng ruộng được người Dao đỏ tổ chức vào ngày 14/6 âm lịch hằng năm để dâng lễ vật lên thần nông, thần cai quản lương thực, thóc gạo, cầu mong thần linh bảo vệ cho mùa màng được tươi tốt.

Địa điểm làm lễ tại đầu bờ ruộng bậc thang. Tại đây, ông chủ ruộng chặt cây làm dàn cúng, bày lễ vật lên trên. Ông chủ ruộng thắp hương và cúng: “Hôm nay ngày tốt, gia chủ dâng lễ vật cúng cầu thần linh bảo vệ mùa màng để lúa chín vàng, bông mẩy hạt. Trồng lúa nếu có sâu bọ, có chim, chuột về phá, mong thần linh hãy đuổi chúng đi, phù hộ cho cây lúa tốt tươi...”.

Sau khi cúng xong, ông chủ lấy giấy bản đốt gửi cho thần linh và gieo quẻ âm dương để biết thần linh đã đồng ý phù hộ chưa. Sau khi gieo được quẻ, ông chủ vái 3 vái cảm tạ thần linh. Cúng xong, chủ ruộng đem đồ lễ về nhà để mọi thành viên trong gia đình cùng hưởng lộc.

Khi thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn, không đủ nước tưới cho ruộng, người Dao đỏ tổ chức lễ cúng cầu mưa để có nước ngấm vào chân lúa. Thầy cúng sẽ khấn: “Hôm nay, ngày tốt tháng lành, trước kia tổ tiên đã lập được thiên địa, giúp con cháu có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Vì thế, gia đình thắp hương, bày mâm rượu, bánh, tiền lên các cụ tổ tiên để tạ ơn. Mong tổ tiên cầu và phù hộ cho cây trồng, cây lúa được sinh sôi, mưa thuận, gió hòa, người người mạnh khỏe”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, ngoài nghi lễ cầu mưa, người Dao đỏ còn có một số mẹo vặt để cầu mưa. Người ta lấy gỉ sắt ở lò rèn, đem buộc và ném vào khu có ao xanh, chỗ sâu nhất. Theo người Dao, ao sâu là nơi ở của rồng, ném vào đó để rồng phun mưa. Người Dao đỏ ở thôn Tả Chải còn dùng thùng gỗ (đồ nấu rượu) đem ngâm ở nước suối, họ quan niệm, khi trời thấy vậy sẽ sai rồng phun mưa xuống trần gian.

Trời mưa quá nhiều cũng không tốt cho mùa màng, do đó, người Dao đỏ cũng có mẹo để cầu nắng. Người ta lấy một miếng vải hoặc chiếc quần, áo rách đem giặt thật sạch, rồi cuốn vào một đầu chiếc gậy, sau đó đem đốt để tạo khói. Người cầu sẽ cầm que có giẻ đầy khói, đứng ngoài cửa nhà và nói mấy câu: “Hôm nay, tôi đốt khói này để trời biết, trời biết rồi thì hãy nắng lên. Nắng lên rồi mai kia chúng tôi cho con gà trống”.

Thầy cúng làm nghi thức mời “Ngọc hoàng” xuống dự lễ giải hạn đầu năm. Ảnh: Kiều Lê

Lễ cơm mới được người Dao ăn sớm vào tháng 8 và ăn muộn vào tháng 10. Họ kiêng ăn vào tháng lẻ vì quan niệm ăn vào tháng lẻ sẽ tốn nhiều lúa gạo. Người Dao đỏ ở thôn Tả Chải thường chọn ngày ăn cơm mới vào ngày Thìn hoặc ngày Tỵ. Người Dao quan niệm, con rồng rất dài nên ăn cơm mới vào ngày Thìn sẽ có thóc ăn mãi không hết. Ăn vào ngày con rắn cũng tương tự như ngày con rồng. Nếu gia đình chưa được gặt lúa mới, thì bà chủ nhà đến ruộng lúa ngắt 6 bông lúa, chọn những bông to mẩy và chắc hạt. Trong 6 bông lúa, lấy 3 bông tẻ và 3 bông nếp về để hấp trên nồi cơm. Người Dao dùng gạo cũ để nấu cơm, rồi lấy 6 bông lúa hấp trong nồi cơm để lấy hơi lúa mới, coi đó là ăn cơm mới.

Để chuẩn bị cho lễ cơm mới, gia chủ phải chuẩn bị các lễ vật gồm: Cá suối, sâu tre, ong, gà, củ khoai sọ và rượu. Chủ nhà lấy đôi đũa và một bát cơm mới cho mèo ăn trước, bởi người Dao quan niệm, mèo giúp gia chủ trông giữ kho, bồ thóc, đuổi chuột. Tiếp đến, người ta mang cho gà, rồi cho lợn ăn. Cuối cùng là cho chó ăn. Khi cho chó ăn, người chủ nói: “Mày ăn xong phải trông nhà giữ thóc lúa, có kẻ trộm vào thì đuổi chúng đi”. Sau đó, chủ nhà đem treo 6 bông lúa mới bên cạnh bàn thờ tổ tiên với ngụ ý báo cho tổ tiên biết hôm nay gia đình ăn cơm mới.

Trước khi ăn cơm, mọi người kiêng không để rau trong bát, không chan nước canh, bởi theo đồng bào nơi đây, nếu cho rau xanh vào bát thì lúa sẽ nhiều cỏ, nhiều sâu hại lúa. Nếu chan nước canh, năm sau vụ lúa sẽ bị lũ cuốn trôi. Khi ăn xong, mọi người phải để lại ít cơm và thức ăn để làm giống, vì người Dao quan niệm có giống mới phát triển được.

Người Dao đỏ ở Sa Pa đã sáng tạo nên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Trung Chải, Tả Phìn, Bản Hồ, Nậm Cang, Tả Van, Nậm Sài, Thanh Kim... Những thửa ruộng bậc thang ấy mang nhiều tri thức dân gian mà người Dao đã áp dụng, đạt đến đỉnh cao của canh tác lúa nước trên những sườn núi dốc. Mùa nào ruộng bậc thang ở Sa Pa cũng đẹp, đẹp từ lúc mở ruộng, đắp bờ cày cấy, đến lúc lúa thì con gái, khi lúa chín... Chính vì thế, ruộng bậc thang Sa Pa đã trở thành di sản của nhân loại, ẩn chứa nhiều điều thú vị mà du khách muốn trải nghiệm, khám phá.

Kiều Lê

Bình luận

ZALO