Biên phòng - Biên giới Việt Nam – Trung Quốc hôm nay đang đổi thay từng ngày cùng với nhịp độ phát triển của hai đất nước. Ở vùng đất xa xôi ấy, người dân hai bên biên giới gắn bó, sẻ chia với nhau ấm lạnh chốn biên thùy, giúp nhau phát triển kinh tế, cùng nhau giao lưu văn nghệ – thể thao, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Sau 4 năm kể từ khi cặp thôn - bản đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc tổ chức kết nghĩa, đến nay đã có 25 cặp thôn, bản ghép đôi, trở thành những người bằng hữu thân tình và tin cậy.

Điểm nhìn từ “gốc khế”
Xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai có một vùng đất mang tên là Cốc Phương, nằm sát biên giới với chiều dài gần 10 cây số. Năm 2013, thể theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá (thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), đại diện chính quyền cơ sở và lực lượng vũ trang hai nước đã cùng chứng kiến giây phút người dân hai thôn, bản chính thức kết nghĩa trở thành anh em. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đây là địa phương đầu tiên ký Biên bản kết nghĩa.
Ông Vương Chính Phúc, Tổ trưởng tổ Tam Bình Bá khẳng định, sẽ tăng cường mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá. Hai thôn bản kết nghĩa có chung một cặp loa treo trên cây, mỗi loa hướng về một bên biên giới, để thông báo những công việc chung. Phát thanh viên nói bằng tiếng Mông, ngôn ngữ chung của cả hai bên biên giới Việt – Trung ở khu vực này đều hiểu để thông báo tình hình thời tiết, kế hoạch sản xuất, hoặc nhà ai có việc tang ma, hiếu hỉ…
Tiếp đó, các thôn Na Lốc 3, Na Lốc 4 của xã Bản Lầu lần lượt kết nghĩa với địa phương đối diện bên bạn. Các thôn, bản sau khi kết nghĩa đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền hai bên biên giới để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, đặc biệt phải kể đến sự ủng hộ chân thành của nhân dân tổ Tam Bình Bá và đội Điền Phòng, nông trường Mã Hoàng Pao. Phía bạn đã chuyển giao kỹ thuật và cung cấp các loại giống cây trồng, phân bón… cho các thôn Việt Nam để phát triển sản xuất nông nghiệp. Đầu ra của sản phẩm do phía bạn phụ trách.
Từ sự phát triển của thôn Cốc Phương, Na Lốc 4, nhân dân các thôn giáp biên giới của xã Bản Lầu trở thành địa phương đi đầu trong việc đưa cây ăn quả chủ lực như chuối, dứa về với các thôn bản vùng biên và các thôn nội địa. Diện tích trồng dứa, chuối ở đây lên đến hàng nghìn héc-ta, với tổng thu nhập toàn xã hơn 60 tỷ đồng mỗi năm. Từ một xã nghèo với nhiều núi đồi hoang hóa, đến nay, Bản Lầu không chỉ là điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp, mà còn là điểm sáng văn hóa trên biên giới.
Tình thân bên dòng Bắc Vọng
Là địa phương đầu tiên của tỉnh Cao Bằng tổ chức hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, huyện Phục Hòa ngày nay đang nỗ lực không ngừng để trở thành một thị xã vùng biên giàu mạnh. Đồng chí Lương Văn Tố, Phó Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa cho biết, tháng 5-2015, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng đã phối hợp với huyện Phục Hòa tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chọn xóm Lũng Om, xã Ðại Sơn và xóm Nà Cọn, trấn Thủy Khẩu (Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc) làm điểm kết nghĩa. Đây là hai xóm có chung đường biên giới trên sông là dòng Bắc Vọng mang phù sa, nước ngọt đến từng chân ruộng của người dân hai nước.
Sau hai năm quay trở lại Lũng Om, có thể nhận thấy những đổi thay đáng phấn khởi của cặp xóm kết nghĩa này, như đường giao thông nông thôn đã thông suốt, đường liên thôn, đường làng được bê tông hóa, điện và nước sinh hoạt được cấp đến từng hộ dân, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày một cải thiện. Hai bên đã giúp đỡ về kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm từ cây chuối, cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững.
Chính quyền huyện Phục Hòa cũng như chính quyền huyện Long Châu (Quảng Tây) đều đánh giá cao hiệu quả của mô hình kết nghĩa này. Trong thời gian tới, hai bên sẽ xúc tiến tổ chức cho xóm Nà Chào, xã Mỹ Hưng (Việt Nam) và xóm Bản Cáu, trấn Thủy Khẩu (Trung Quốc) kết nghĩa hữu nghị nhằm thúc đẩy quan hệ gắn bó, giao lưu toàn diện giữa hai huyện, trên tinh thần sẵn sàng hợp tác, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai địa phương của hai nước.
Phiên chợ 12 con giáp
Tuy không có nhiều thuận lợi như các cặp thôn, bản thuộc xã Bản Lầu và nông trường Mã Hoàng Pao, song bản Pô Tô (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Việt Nam) và thôn Cửa Cải (trấn Kim Bình Thủy, huyện Kim Bình, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) là thôn bản người dân tộc Hà Nhì có mối quan hệ thân tộc, đồng tộc lâu đời, lại có văn hóa, phong tục tập quán tương đồng nên khi được chính quyền địa phương hai bên đồng thuận tổ chức kết nghĩa, bà con rất phấn khởi và tham gia hưởng ứng nhiệt tình.
Từ khi ký Biên bản ghi nhớ kết nghĩa thôn - bản hữu nghị vào tháng 9-2014, đến nay, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai thôn, bản càng gắn bó hơn. Đặc biệt, phiên chợ 12 con giáp của Pô Tô lần nào cũng có sự tham gia của người dân Cửa Cải với hàng hóa, nông thổ sản từ bên kia biên giới. Người ta đến chợ không chỉ để mua bán, mà còn để gặp gỡ bạn bè, thăm thân, hay chỉ đơn giản là đặt nhau may một chiếc váy, mua tặng nhau cái vòng, hỏi thăm tình hình sản xuất…
Chúng tôi đã có dịp gặp ông Lý A Khớ, Trưởng bản Pô Tô và ông Cao A Hải, Trưởng thôn Cửa Cải trong phiên chợ vui. Câu chuyện của người đứng đầu hai thôn, bản xoay quanh việc "làm ăn", đó là việc làm giàu từ mảnh đất quê hương mình để bà con cùng phát triển. Họ nhắc đến việc nhân dân hai thôn, bản với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và BĐBP hai nước đã tổ chức giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, trồng hàng trăm héc-ta chuối, cây công nghiệp, nuôi hàng nghìn con gia súc và giúp nhau tiêu thụ hàng hóa, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của bản xuống còn 21,5%. Khi có thiên tai, hay mùa màng thất bát, hoặc thiếu thốn kỳ giáp hạt, nhân dân hai thôn, bản đều san sẻ cho nhau, bên này có ăn không để bên kia thiếu đói.
Đồng chí Nguyễn Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông cho biết, thời gian qua, BĐBP Lai Châu đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhằm làm cho bà con ở khu vực biên giới hiểu rõ về chủ quyền lãnh thổ, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta… Xã Huổi Luông còn tổ chức gặp gỡ, trao đổi với các trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín nhằm tranh thủ mối quan hệ dân tộc, thân tộc của đồng bào hai bên biên giới, qua đó làm cho người dân hiểu rõ vấn đề quốc gia, quốc giới, chấp hành nghiêm Hiệp định về quy chế biên giới giữa hai nước.
Qua thực tế của những cụm dân cư đã tổ chức kết nghĩa trên tuyến biên giới Việt - Trung, có thể khẳng định rằng, lợi ích vô giá của chương trình kết nghĩa chính là giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên, giữ được tình cảm gắn bó mật thiết giữa cư dân hai bên biên giới và trên hết là hai quốc gia, hai dân tộc. Một phương cách đối ngoại mới đầy ân tình và hiệu quả đã và đang thực sự phát huy được ý nghĩa của nó là gắn kết những vùng đất hai bên biên giới, chung sống hòa bình và đồng lòng xây dựng quê hương.
Tuệ Lâm