Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 08:38 GMT+7

Rộn ràng Lễ hội Cầu ngư

Biên phòng - Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, chính quyền và nhân dân các phường ven biển quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng phấn khởi tổ chức Lễ hội Cầu ngư - vốn được coi là lớn nhất trong năm, vừa cầu mùa - cầu ngư, tế ngư thần, vừa bày tỏ khát vọng một năm “Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”.

Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê bày tỏ khát vọng một năm trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang. Ảnh: Trúc Hà

Quận Thanh Khê là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn thứ 2, chỉ sau quận Sơn Trà của thành phố Đà Nẵng. Tỷ lệ người dân sống nhờ biển cũng như các ngành nghề liên quan đến biển chiếm số đông, bởi vậy mà đối với người dân nơi đây, Lễ hội Cầu ngư là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Theo ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê (Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Cầu ngư năm 2023 của quận Thanh Khê), đây là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời, là sản phẩm đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam.

Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cúng Thần Nam Hải lấy hình tượng cá Ông - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân. Lễ hội Cầu ngư là lễ hội quan trọng lớn nhất trong năm, vừa cầu mùa - cầu ngư, bày tỏ khát vọng một năm “Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”, đồng thời, khơi dậy ý thức tự hào và tinh thần trách nhiệm cộng đồng dân cư, tự nguyện giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ mai sau bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể.

Trước đây, Lễ hội Cầu ngư ở quận Thanh Khê được tổ chức nhỏ lẻ theo từng làng chài, từng phường. Năm 2006, nhằm phát huy hoạt động lễ hội đúng hướng, lành mạnh, vừa văn minh, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, UBND quận Thanh Khê cùng với các phường ven biển Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Xuân Hà đã nâng tầm tổ chức lên cấp quận với quy mô, hình thức và nhiều hoạt động phong phú. Từ đó, lễ hội được tổ chức hàng năm, trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của cư dân; là sinh hoạt văn hóa, tinh thần không thể thiếu cùng với sự phát triển của địa phương.

Năm 2016, Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là niềm tự hào vô cùng lớn của chính quyền cũng như ngư dân Đà Nẵng, vì thế, việc bảo tồn và phát huy lễ hội là việc cấp thiết, quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị về tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật, đồng thời đề cao giá trị gắn kết cộng đồng trong đời sống hiện đại.

Ngư dân Lê Văn Chiến, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cho biết: “Từ 13 tuổi, tôi đã theo cha đi biển, đến nay đã mấy chục năm. Cuộc sống lênh đênh trên biển vô cùng vất vả và không ít lần, tôi ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, bởi vậy, về mặt tâm lý, chúng tôi rất cần một điểm tựa. Đối với những người sống vì biển như chúng tôi thì cá Ông là thần hộ mệnh. Ngư dân chúng tôi tổ chức Lễ hội Cầu ngư cũng thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, cũng là để yên tâm bám biển, vươn khơi”.

Trải qua thời gian, các phần nghi lễ trong Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống. Từ sáng sớm, nghi lễ rước Nghinh thần được diễn ra trang trọng trước biển do các cụ cao niên trong quận Thanh Khê làm chủ lễ. Đông đảo người dân địa phương trong các trang phục áo dài khăn đóng, đoàn hát bả trạo, đội kèn, trống, đội cờ tham gia đoàn rước kiệu Nghinh thần từ bờ biển về tại khu vực làm lễ chính. Tại lễ tế chính, các vị trưởng lễ cùng đại diện chính quyền địa phương, người dân đã dâng hương kính cáo các chư thần để cầu an, cầu ngư.

Phần hội được tổ chức đan xen hoạt động mang đậm tính dân gian của làng chài như: đan lưới, gánh cá, ngoáy thúng, cùng các gian hàng ẩm thực “Mâm hương vị biển”; hát tuồng, hô hội bài chòi; những môn thể thao vận động trên biển như: biểu diễn dù lượn, mô tô lướt sóng, đua thuyền..., tạo không khí vui tươi, náo nức trước khi bước vào vụ đánh bắt năm. Nhiều hoạt động của lễ hội mang tính quần chúng đã thu hút đông đảo ngư dân, người dân và du khách tham gia.

Trò chơi thi gánh cá tại Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê năm 2023. Ảnh: Trúc Hà

Ngoài ra, tại đây còn có các gian trưng bày như mô hình, hình ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam;” sản phẩm thủy hải sản và các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản của người dân 3 phường ven biển; sản phẩm đặc trưng của 10 phường trên địa bàn quận Thanh Khê. Chị Nguyễn Mỹ Hạnh (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho biết, năm nào chị và gia đình cũng tham gia Lễ hội Cầu ngư để trưng bày, bán các sản phẩm thủy sản của ngư dân trong phường đánh bắt được. Ngoài ra, chị và các thành viên trong gia đình còn tham gia các hoạt động như thi ẩm thực, thể thao.

Theo ông Nguyễn Hữu Công, Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê không chỉ thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu mong trời yên biển lặng, tàu thuyền được thuận buồm xuôi gió, mùa màng bội thu, cuộc sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc, mà còn là dịp để tuyên truyền, quảng bá, tạo điểm nhấn về hoạt động văn hóa - lễ hội, tăng khả năng thu hút khách du lịch nhằm phát triển kinh tế địa phương. Lễ hội cũng đề cao giá trị cố kết cộng đồng trong đời sống hiện đại, điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.

Anh Nguyễn Khánh Toàn, ngõ 29 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Gia đình tôi du Xuân tại thành phố Đà Nẵng và thật may mắn khi được tham dự Lễ hội Cầu ngư ở đây. Cảm xúc ban đầu của tôi là thích thú khi thấy một lễ hội đầy sắc màu. Tìm hiểu sâu hơn, tôi được biết, đây là lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo của ngư dân vùng biển của Việt Nam. Qua lễ hội, chúng tôi hiểu hơn về văn hóa truyền thống của địa phương. Tôi nghĩ rằng, các lễ hội như thế này sẽ thu hút được nhiều khách du lịch đến với thành phố biển Đà Nẵng”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO