Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 10:04 GMT+7

Rộn ràng lễ Giáng sinh tại các nước trên thế giới

Biên phòng - Lễ Giáng sinh là dịp để những người theo đạo Thiên Chúa trên toàn thế giới kỷ niệm ngày Chúa Jesus ra đời. Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, lễ Giáng sinh đều được tổ chức với những nét truyền thống đặc sắc, kể cả tại những nơi Thiên Chúa giáo không phải là tôn giáo của đa số người dân. Vào ngày 25-12, lễ Giáng sinh truyền thống tại một số quốc gia được tổ chức theo nhiều cách độc đáo khác nhau.

dm84_27
Một chợ Giáng sinh truyền thống tại Đức. Ảnh: Shuttershock

Tại nhiều vùng ở Pháp, lễ Giáng sinh bắt đầu từ ngày lễ Thánh Nicholas (ngày 6-12). Trong những ngày Giáng sinh, nhà cửa, cửa hàng và các trung tâm thương mại tại Pháp đều trang hoàng đẹp mắt với những ánh đèn lung linh treo trên cửa sổ và cây thông Noel. Vào đêm Giáng sinh, trẻ em tại Pháp sẽ đặt những đôi giày được đánh rửa sạch sẽ trước lò sưởi trong nhà để mong ông già Noel lấp đầy kẹo ngọt lên mỗi chiếc giày. Trong những ngày này, các gia đình đều cùng nhau tổ chức các bữa tiệc lớn và đi du lịch. Ở một số nơi, các gia đình còn có truyền thống ăn 13 món tráng miệng khác nhau vào dịp Giáng sinh.

Tại Italia, hình vẽ Chúa Jesus ra đời thường được trang trí tại các nhà thờ, quảng trường các thị trấn và trong nhà người dân. Hình vẽ Chúa Jesus được coi là phần quan trọng nhất trong trang trí dành cho Giáng sinh tại Italia. Trên thực tế, hình ảnh vẽ Chúa Jesus ra đời trên chiếc cũi lót rơm có nguồn gốc từ Italia. Ở Italia, ông già Noel có tên gọi “Babbo Natale” và thường trao quà cho trẻ em vào ngày Giáng sinh. 

Tại Đức, trong nhiều tuần trước ngày lễ hội, các chợ Giáng sinh được dựng trên quảng trường ở nhiều thành phố lớn. Nhà cửa thường được trang trí đèn nhấp nháy và đồ trang trí truyền thống. Tuy nhiên, ở Đức, cây thông Noel chỉ được dựng lên và trang trí vào đúng sáng ngày 24-12. Đến ngày 26-12 vẫn là ngày lễ hội tại Đức, nhiều gia đình tụ họp để ăn mừng hoặc đi tới nhà thờ cầu nguyện và tham quan thắng cảnh.

Hầu hết các gia đình tại Anh đều trang hoàng nhà cửa đón Giáng sinh từ rất sớm (giữa tháng 11). Một số ngôi nhà còn dựng một hộp quyên góp để thu thập tiền từ thiện từ khách đến chơi nhà; sau mùa lễ hội, số tiền sẽ được gửi đến các trung tâm bảo trợ địa phương. Thay vì treo tất trên lò sưởi tại hầu hết các quốc gia, người dân Anh thường treo dưới chân giường để đợi ông già Noel tặng quà. 

Ngày lễ Giáng sinh ở Australia không có tuyết trắng mà thay vào đó là nắng vàng cùng thời tiết ấm áp, bởi phải đến tháng 7, Australia mới đón mùa Đông lạnh giá. Vì vậy, người Australia thường ăn mừng Giáng sinh bằng những bữa tiệc hải sản nướng trên bờ biển. 

Trong ngày lễ Giáng sinh, trẻ em tại Romania sẽ gõ cửa từng nhà trong các khu phố để hát thánh ca, đồng thời nhận lại kẹo và bánh truyền thống có tên   “cozonaci”. Tại một số vùng của Romania, người dân sẽ hóa trang thành dê hoặc gấu với những mặt nạ sặc sỡ. Một số gia đình giữ một cành cây trong một bát nước với hy vọng cành cây sẽ nở hoa vào đêm Giáng sinh hoặc Giao thừa. Cây thông Noel tại Nga thường được gọi là cây Năm mới, còn ông già Noel được gọi là ông già Tuyết. Lễ   Giáng sinh truyền thống ở Nga thường có những bữa ăn không bao gồm thịt với 12 món ăn khác nhau. Còn Giáng sinh tại Ukraine, người dân thường tổ chức vào ngày 7-1 và bữa ăn mừng lễ Giáng sinh được tổ chức khi ngôi sao đầu tiên trên bầu trời được nhìn thấy.

Tại Ba Lan, cá chép thường là món ăn chính trong bữa tối đêm Giáng sinh. Món ăn từ cá chép cũng là món truyền thống trong ngày Giáng sinh ở Cộng hòa Czech, Slovakia, Áo, Đức và Croatia.

Tại một số nước ở châu Á như Ấn Độ, các gia đình cũng trang trí đón Giáng sinh bằng những chiếc đèn lồng giấy lớn hình ngôi sao nhiều màu sắc bên ngoài cửa nhà. Ở Nhật Bản, nhiều gia đình sẽ thưởng thức món gà rán trong đúng ngày     Giáng sinh. Trong khi đó, mùa Giáng sinh ở Philippines kéo dài gần nửa năm; trong đó, hoạt động trang trí đèn lồng giấy cho Giáng sinh bắt đầu từ tháng 9 hằng năm và kết thúc vào tháng 1 năm sau.

Hà Thu

Bình luận

ZALO