Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 11:07 GMT+7

Rờ Kơi, sau những ngày “đỉnh nóng”

Biên phòng - Cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi phần nào cái nắng nóng bốc hỏa kéo dài suốt 6 tháng mùa khô Tây Nguyên. Từ đỉnh đồi Sạc Ly trên độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, nếu trải tầm mắt nhìn ra phía xa xa đã thấy màu xanh “đậm đặc” hơn giữa đại ngàn biên giới Chư Mo Ray. Những ngày “đỉnh nóng” đã qua, nhưng với người lính Đồn Biên phòng Rờ Kơi, BĐBP Kon Tum có một nỗi lo mới lại đến. Thì ra, 6 tháng mùa khô khắc nghiệt như thế vẫn chưa đủ để thử sức chịu đựng của con người…

Cán bộ Đồn Biên phòng Rờ Kơi tặng quà các em học sinh nghèo ở khu vực biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Với người dân xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy nói riêng, toàn tuyến biên giới tỉnh Kon Tum nói chung, mùa khô năm nay nóng hơn rất nhiều so với những năm trước. Cơn đại dịch Covid-19 mặc dù không có “đất diễn” ở những địa bàn biên giới xa xôi như thế này, nhưng vẫn khiến tất cả phải căng mình phòng, chống với hàng loạt những trải nghiệm cực kỳ khắc nghiệt.

Đại úy Vũ Mạnh Hiển, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Rờ Kơi chia sẻ: “Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng biện pháp phòng, chống. Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn, đồn đã triển khai các tổ, chốt trên biên giới và địa bàn, huy động tối đa quân số tập trung cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Đồn Biên phòng Rờ Kơi lập 2 chốt trên biên giới, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng triển khai các chốt liên ngành trên các trục đường chính, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào khu vực biên giới. Nhờ đó, tất cả các đối tượng ra vào địa bàn đều được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra bất kỳ tình huống xấu nào...”.

Giữa lúc cao điểm mùa khô biên giới, những người lính mang quân hàm xanh căng ngăn chặn triệt để mọi mối nguy cơ xâm nhập dịch bệnh vào địa bàn. Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, cán bộ Đồn Biên phòng Rờ Kơi đã kịp thời tham mưu cho chính quyền xã Rờ Kơi đưa 57 người dân trên địa bàn trở về từ các tỉnh khác cách ly tại nhà, 1 trường hợp cách ly tập trung tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Sa Thầy. Đây là việc làm chưa bao giờ có trong tiền lệ, vậy nên, để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, cán bộ Đồn Biên phòng Rờ Kơi phải bám sát từng thôn làng, từng gia đình để hướng dẫn, giải thích giúp người dân nắm vững những kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh để tự bảo vệ mình.

“Sức nóng” của dịch Covid-19 rồi cũng tạm lắng xuống, nhưng quân dân vùng biên giới Rờ Kơi vẫn phải đối mặt với cái nắng hạn gay gắt của mùa khô Tây Nguyên. Nếu như ở địa bàn, hơn 1.400 gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Hơ Lăng phải “gồng mình” chống hạn do thiếu nước sinh hoạt, thì trên biên giới, người lính Đồn Biên phòng Rờ Kơi còn vất vả hơn bội phần. Do vừa di chuyển ra vị trí đóng quân mới, cách khu dân cư hơn 40km nên đời sống của bộ đội gặp muôn vàn khó khăn. Giữa đại ngàn biên giới Chư Mo Ray, những người lính Biên phòng nơi đây vẫn âm thầm làm quen với một cuộc sống không sóng điện thoại di động, không điện lưới quốc gia, còn nước sinh hoạt thì phụ thuộc hoàn toàn vào con suối cạn cách đơn vị chừng hơn cây số. Khô khát như thế, nhưng có một điều lạ là nỗi lo lại canh cánh người lính khi mùa mưa bắt đầu trở về.

Thiếu tá, Đồn trưởng Phan Xuân Hùng tâm sự với chúng tôi: “Mưa xuống là con đường đất dẫn vào đồn gần như bị tê liệt. Từ trung tâm xã muốn vào đơn vị, chúng tôi phải đi đường vòng hơn 70 cây số theo đường tuần tra biên giới. Khó khăn thì phải từng bước khắc phục. Cũng may, vào lúc cao điểm mùa khô, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên và sự hỗ trợ của các đơn vị bạn, chúng tôi đã khánh thành công trình điện năng lượng mặt trời trị giá 170 triệu đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt. Cùng với đó, chúng tôi đẩy mạnh tăng gia sản xuất, giải quyết tốt bài toán về nguồn thực phẩm, rau xanh tự cung tại chỗ, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho bộ đội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...”.

Bám trụ vững vàng giữa đại ngàn biên giới Chư Mo Ray với những trải nghiệm cực kỳ khắc nghiệt của thời tiết khí hậu, cũng như những trở ngại về giao thông, song những người lính Đồn Biên phòng Rờ Kơi vẫn luôn hướng lòng về địa bàn, trao gửi tình cảm cho nhân dân. Trong những năm qua, cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng nông thôn mới và củng cố thực lực chính trị ở cơ sở, Đồn Biên phòng Rờ Kơi tập trung xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chương trình “Nâng bước em tới trường”, mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, trợ giúp y tế cho gia đình nghèo và người cao tuổi, mô hình “Tay kéo Biên phòng”... không chỉ giúp nhân dân giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, mà còn lan tỏa nét đẹp tình người trên biên giới.

Khuôn viên Đồn Biên phòng Rờ Kơi mới được xây dựng giữa đại ngàn biên giới Chư Mo Ray. Ảnh: Thái Kim Nga

Cách đây khoảng 3 năm, gia đình ông A Cơ (dân tộc Hơ Lăng), ở thôn Kram là một trong những hộ dân nghèo nhất xã Rờ Kơi, với gia sản là căn nhà gỗ “hết cấp”, vài ba sào đất bạc màu canh tác kiểu gì cũng không đủ cung cấp lương thực cho 5 miệng ăn. Khó khăn thiếu thốn chắc chắn sẽ không bao giờ “buông bỏ” hộ dân này nếu như không được Đồn Biên phòng Rờ Kơi lựa chọn xây dựng mô hình thoát nghèo bền vững. Bằng kiến thức và nguồn vốn nhỏ chắt chiu từ tấm lòng người lính, gia đình ông A Cơ đã trồng được 300 cây cà phê, kết hợp phát triển đàn bò sinh sản, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Năm 2019, gia đình ông A Cơ còn được cán bộ Đồn Biên phòng Rờ Kơi tham mưu cho UBND xã Rờ Kơi hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” khang trang kiên cố. Kinh tế gia đình từng bước ổn định và phát triển, các con ông được cắp sách đến trường.

Trò chuyện với chúng tôi, ông A Cơ cho biết: “Ở đây Đồn Biên phòng Rờ Kơi giúp dân nhiều thứ lắm, từ y tế, giáo dục đến phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Riêng với gia đình mình, nếu không có đồn giúp đỡ, chắc chắn sẽ không bao giờ thoát khỏi đói nghèo, 3 đứa con của mình chắc cũng phải bỏ học. Có được như ngày hôm nay, gia đình mình rất cảm ơn đồn Biên phòng...”.

Tạm biệt Rờ Kơi trong cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống cánh rừng nhiệt đới, tôi bỗng nghĩ đến cung đường độc địa ngoằn ngoèo “vắt” qua sườn núi dẫn vào đồn Biên phòng. Những ngày “đỉnh nóng” đã đi qua, nhưng vẫn còn đó nỗi vất vả nhọc nhằn.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO