Biên phòng - Đại tá, ca sĩ Rơ Chăm Phiang là người dân tộc Jrai, sinh ra và lớn lên tại xã biên giới Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Nhờ có giọng hát trong trẻo, cao vút, chị được tuyển vào Đoàn Văn công quân giải phóng Tây Nguyên khi mới 13 tuổi. Trải qua thời gian dài nỗ lực học tập và rèn luyện, Rơ Chăm Phiang trở thành giảng viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Một vinh dự lớn đến với chị là vào ngày 12-8 vừa qua, Rơ Chăm Phiang đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân.

Đại tá, ca sĩ Rơ Chăm Phiang kể, chị đam mê ca hát từ nhỏ, những bài hát của đồng bào mà chị được nghe từ những già làng truyền lại cho các anh chị trong buôn làng, đều được chị học thuộc lòng. Nhờ có khiếu về ca hát mà chị được các anh chị trong đội văn nghệ của huyện yêu mến. Hồi ấy, ở làng chị có anh Kso Đứa cũng đi biểu diễn văn nghệ cho dân quân, du kích nghe. Anh ấy bảo: “Bây giờ ở buôn làng mình có chị và hai người nữa biết hát dân ca bằng tiếng Jrai, thế nên Rơ Chăm Phiang cố gắng đi hát phục vụ bộ đội và du kích địa phương”.
Nghe vậy, chị thích lắm. Buổi tối, Rơ Chăm Phiang cố gắng học những bài dân ca Jrai, rồi học thêm chữ. Những bài hát dân ca đầu đời mà các anh chị trong buôn dạy chị đã là định mệnh gắn cuộc đời chị với nghiệp ca hát sau này. Trong một buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng cho đồng bào nghe tại buôn, chị đã được các chú bộ đội giải phóng đưa lên huyện tham gia đội văn nghệ của huyện Đức Cơ. Chị thấy rất vinh dự khi được hát phục vụ du kích ở buôn làng để động viên mọi người đánh giặc.
Đại tá Rơ Chăm Phiang nhớ mãi kỷ niệm năm 1972, lúc đó chị cùng một người con gái bằng tuổi mình và anh Kso Đứa đi hái rau rừng. Trên đường về đơn vị đóng quân để nấu cơm thì gặp lính giặc phục hai bên đường, sau các cây dạ, cây chuối. Anh Kso Đứa đi trước, tay đeo đồng hồ, vai đeo radio lủng lẳng va vào dây lưng phát tiếng lách cách nên bị lộ. Địch nổ súng, ba người chạy ngược lại, súng địch bắn phạt đổ hết những cây sắn, cây chuối, mía hai bên đường. Anh Kso Đứa bị trúng đạn, may có du kích nổ súng yểm trợ nên địch sợ không dám đuổi. Anh Kso Đứa bị thương nặng được du kích ra cõng về. Đó là lần “chết hụt” đầu tiên, chị biết tới khói lửa chiến tranh.
Một lần, Rơ Chăm Phiang cùng đội văn nghệ của Gia Lai về dự hội diễn văn nghệ ở Mặt trận Tây Nguyên. Phát hiện Rơ Chăm Phiang có giọng hát trong trẻo, cao vút nên Đoàn Văn công quân giải phóng Tây Nguyên quyết định tuyển chọn. Suốt 3 năm cùng đoàn đi ra các trận địa, rồi tới các đơn vị, các bệnh viện ở tuyến trước phục vụ thương binh, giọng hát của Rơ Chăm Phiang đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng những người lính Tây Nguyên của những năm tháng ác liệt ấy.
Tháng 9-1975, khi Đoàn Văn công quân giải phóng Tây Nguyên sáp nhập vào Đoàn Văn công Quân khu 5, tưởng sẽ ở lại Đà Nẵng, nhưng chỉ đến năm 1977, chị lại chuyển công tác. Năm đó, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội vào tuyển sinh, lúc ấy cô giáo Hồ Mậu La trực tiếp gặp và tuyển Rơ Chăm Phiang. Cô Hồ Mậu La bảo: “Rơ Chăm Phiang có giọng trong, cao và rất có năng khiếu”, nhưng cũng lo vì Rơ Chăm Phiang nói tiếng phổ thông không sõi, trình độ văn hóa thấp. Thế nên vừa học hát, chị Rơ Chăm Phiang vừa phải học thêm bổ túc văn hóa. Sau khi được Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội tuyển chọn, lúc đó Rơ Chăm Phiang mới 17 tuổi, chị lại vác ba lô lên đường ra Thủ đô nhập học.
Lần đầu tiên Rơ Chăm Phiang thi một cuộc thi lớn do Bộ Văn hóa tổ chức và chị cùng với ca sĩ Quang Thọ đoạt giải Nhất. Sau lần đó, chị được cử đi thi quốc tế ở Liên Xô, gồm 27 nước tham dự, đoạt giải Ba. Khi đó, chị đang học trung cấp thanh nhạc năm thứ hai. Năm 1990, chị được tuyển chọn đi thi cuộc thi Liên hoan tiếng hát “Mùa Thu Bình Nhưỡng” tại Triều Tiên và giành giải Nhất.
Rơ Chăm Phiang được phong Nghệ sĩ Ưu tú từ năm 1997. Quá trình hoạt động nghệ thuật, chị đoạt 3 giải quốc tế, 10 giải Nhất trong các cuộc thi trong nước và nhiều bằng khen, giấy khen của các Bộ, ngành, địa phương nhờ những cống hiến phục vụ bộ đội và nhân dân trong những năm chống Mỹ, cứu nước.
Kim Nhượng