Biên phòng - Vừa qua, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bế mạc sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao. Trong đó, đã chỉ ra tính cấp thiết của việc tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ở nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở.
Nhìn lại suốt 92 năm lãnh đạo cách mạng nước ta, vấn đề này luôn được Đảng ta sớm phát hiện và kịp thời đề ra biện pháp sửa chữa với quyết tâm tiếp tục xây dựng “Đảng ta đạo đức, văn minh, Nhà nước ta vững mạnh và liêm chính, đất nước ta độc lập và hùng cường, nhân dân ta ấm no, hạnh phúc...”.
Năm 1927, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết cuốn “Đường Kách mệnh”, trong đó chứa đựng những giá trị đặc sắc về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người; là sự chuẩn bị trực tiếp về chính trị, tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Đảng ta. Cuốn sách đã được công nhận là “bảo vật quốc gia” bởi không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với cách mạng Việt Nam trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ. Tác phẩm đã nêu lên những vấn đề cơ bản của nền đạo đức mới - đạo đức của người cộng sản và chỉ ra những nguyên tắc, phương pháp để rèn luyện đạo đức cách mạng.
Những năm tháng sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh cần thường xuyên tu dưỡng đạo đức: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh Toàn tập).
Cùng chung nhận thức và tư duy ấy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ (Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 3-1938 đến tháng 1-1940) đã viết trong cuốn “Tự chỉ trích” như sau: “Để tạo được sự thống nhất tư tưởng, mỗi đảng viên cần nhận rõ nguyên tắc phê bình trong Đảng. Đảng còn trẻ nên còn nhiều khuyết điểm, sai lầm, nhưng Đảng sẽ luôn luôn tự chỉ trích thành thật và mạnh dạn, không phải là làm yếu Đảng, mà để Đảng ngày càng thống nhất tư tưởng và hành động”.
Còn đồng chí Hà Huy Tập (Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 7-1936 đến tháng 3-1938) thì chỉ rõ: “Đảng là người chỉ đạo về đường lối, Đảng không có quyền và không nên đem mệnh lệnh áp đặt cho các hội quần chúng mà gián tiếp chỉ đạo thông qua đảng đoàn và các tổ chức quần chúng để giải thích và thuyết phục quần chúng theo đường lối của Đảng”.
Cùng với phê bình và tự phê bình trong Đảng, mục tiêu đổi mới cũng luôn được đặt ra một cách quyết liệt và mạnh mẽ. Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) do đồng chí Trường Chinh (Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 3-1938 đến tháng 1-1940) chỉ rõ: “Quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trên nhiều mặt: đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức chính trị” và “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”.
Đồng chí Lê Duẩn (Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 9-1960 đến tháng 7-1986) trong cuốn “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội” lại đề cập đến việc đổi mới, sáng tạo theo hướng: “Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay, Đảng phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu để phát triển, hoàn chỉnh và cụ thể hóa hơn nữa đường lối chính trị của Đảng” hay “Không lĩnh vực nào đòi hỏi người cách mạng phát huy trí sáng tạo nhiều như lĩnh vực phương pháp tiến hành cách mạng. Cách mạng là sáng tạo; không sáng tạo thì cách mạng không thể thắng lợi. Xưa nay không có và sẽ không bao giờ có một công thức duy nhất về cách tiến hành thích hợp với mọi hoàn cảnh, mọi thời gian”.
Bước vào thời kỳ đổi mới, để giữ vững và giương cao hơn nữa ngọn cờ lãnh đạo, Đảng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và coi đây là nhiệm vụ then chốt. Tại mỗi kỳ đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều đặt mục tiêu “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Trong tác phẩm “Những việc cần làm ngay”, đồng chí Nguyễn Văn Linh (Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 12-1986 đến tháng 6-1991) nhấn mạnh: “Đấu tranh chống tiêu cực trở thành nhiệm vụ quan trọng “dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết khác của Đảng, nhằm đưa nước nhà khỏi cảnh khó khăn, đi đến ổn định tình hình mọi mặt, làm cho dân bớt khổ, ngày càng được hạnh phúc như Di chúc Bác Hồ đã dặn...”.
Để làm được điều đó, yếu tố con người là vô cùng quan trọng, đồng chí Đỗ Mười (Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997) đã phát biểu tại Đại hội lần thứ V Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh (tháng 3-2004): “Công tác cán bộ phải có tầm nhìn rộng, khoa học, trọng người trung kiên, tài đức; được đào tạo rèn luyện trong thực tế, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, cục bộ, hẹp hòi và bè phái đều cần phê phán”.
Đồng chí Lê Khả Phiêu (Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001) bày tỏ quan điểm khi phát biểu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh khóa VII (tháng 12-2000): “Đối với một đảng cầm quyền, nguy cơ lớn nhất là nguy cơ suy thoái về chính trị, suy thoái về đạo đức. Kẻ thù hiểu rằng, muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thì phải chuyển hóa Đảng Cộng sản, làm cho Đảng Cộng sản không còn nữa, hoặc làm cho Đảng Cộng sản còn tên mà đã biến chất”.
Nội dung này được đồng chí Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 1-2011 đến nay) đặt vấn đề rộng hơn, cụ thể hơn tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021): “Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Đồng chí cũng đề cao vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước và dân tộc: “Bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển” (Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam).
Đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua, vấn đề này đã được Nghị quyết Trung ương XIII nhấn mạnh: “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Đồng thời, Đảng ta đã chỉ ra 3 vấn đề cốt yếu nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hướng đến yếu tố “nắm chắc Đảng cương, tuân thủ quốc pháp, phát triển dân quyền”. Nhờ đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được kết quả khá toàn diện, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, để phát huy kết quả đã đạt được, thực hiện thành công mục tiêu, yêu cầu và các nhiệm vụ và giải pháp đề ra, Hội nghị lần thứ 5 đã chỉ rõ: Các tỉnh, thành ủy, các đảng bộ trực thuộc Trung ương phải thực sự năng động, chủ động cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra; từng cơ sở đảng phải đề ra và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với cơ sở mình; mỗi đảng viên cũng phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đó là những điều kiện tiên quyết để Đảng ta củng cố được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, với chế độ; để Đảng mãi mãi được nhân dân tin cậy, thừa nhận là người lãnh đạo chân chính, duy nhất của dân tộc Việt Nam.
Phạm Vân Anh