Biên phòng - Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Biên phòng về kết quả 20 năm triển khai, thi hành Pháp lệnh BĐBP và sự cần thiết xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam.
Khẳng định rõ vị trí, vai trò của BĐBP
PV: Qua thực tiễn nhiều năm nắm giữ cương vị người chỉ huy của lực lượng BĐBP, đề nghị Thượng tướng cho biết những kết quả quan trọng trong 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP?
Thượng tướng Võ Trọng Việt: Dấu mốc quan trọng khi ban hành Pháp lệnh BĐBP, đã giúp lực lượng BĐBP phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương hoạch định, hoàn chỉnh phân giới cắm mốc trên toàn tuyến Việt Nam - Trung Quốc; tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam - Lào và hoàn thành trên 85% việc phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia.
Đây là điệu kiện thuận lợi để Đảng, Nhà nước, Quân đội, cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra nhiều chủ trương, biên pháp và việc làm thiết thực xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. BĐBP còn tích cực tham mưu cho chính quyền các địa phương, tổ chức kết nghĩa nhân dân hai bên biên giới, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị ngày càng đi vào chiều sâu, giải quyết dứt điểm, kịp thời các vụ việc nảy sinh, không để xảy ra “điểm nóng” trên biên giới.
Từ việc kết nghĩa bản - bản, cụm dân cư hai bên biên giới, người dân hai bên tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, củng cố hệ thống chính trị cơ sở của mỗi bên, ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng trên các tuyến biên giới được đầu tư, xây dựng và phát triển, việc đi lại, giao lưu hai bên biên giới thuận lợi, giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhân dân biên giới gắn bó mật thiết với BĐBP, tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp lực lượng bảo vệ biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm, tạo nên “lũy thép” bảo vệ vững chắc phên giậu của Tổ quốc.
Đặc biệt, lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng có truyền thống đoàn kết, hữu nghị lâu đời, khi có hành lang pháp lý, mối quan hệ được nâng tầm, phát triển rất tốt đẹp, tổ chức kết nghĩa, giao lưu văn hóa - văn nghệ - thể thao, tọa đàm, trao đổi thông tin, hỗ trợ nghiệp vụ, huấn luyện, hợp tác điều tra, phá thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn về vi phạm chủ quyền, hoạt động chống phá, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển ma túy, buôn bán người...
PV: Trên thực tế, Pháp lệnh BĐBP đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng, phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách của lực lượng BĐBP trong xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Thượng tướng có thể nói rõ về vai trò quan trọng này?
Thượng tướng Võ Trọng Việt: Pháp lệnh BĐBP là cơ sở pháp lý rất quan trọng để lực lượng BĐBP, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và nhân dân thống nhất nhận thức, hiểu đầy đủ tầm quan trọng của đường biên giới quốc gia và khu vực biên giới, vùng đất thiêng liêng bất khả xâm phạm. Từ đó, nâng cao tầm nhận thức, ý thức trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, các lực lượng trong xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.
Việc đầu tư bài bản, xây dựng hệ thống mốc giới, các cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu đã làm động lực phát triển vùng biên giới. Hoạt động đưa nhân dân ra sinh sống ở khu vực biên giới đã phát huy sức mạnh của nhân dân bảo vệ rừng đầu nguồn, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng kinh tế mới, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương nội địa trong việc kết nghĩa giúp cho nhân dân các huyện, các xã biên giới phát triển, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết mỗi người dân Việt Nam với biên giới.
Xây dựng luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
PV: Pháp lệnh BĐBP đang có hiệu lực thi hành liệu có đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, thưa Thượng tướng?
Thượng tướng Võ Trọng Việt: Xu hướng phát triển của thế giới rất nhanh, công cuộc bảo vệ biên giới đòi hỏi phát triển cao hơn, Pháp lệnh BĐBP ra đời chỉ đáp ứng được yêu cầu bước đầu, về lâu dài còn tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay, Quốc hội đã sửa đổi Hiến pháp, hệ thống pháp luật liên quan đến biên giới đã trở thành luật như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Xuất nhập cảnh, Luật Quốc phòng, các văn bản pháp luật về an ninh biên giới... Để xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, giao lưu biên giới phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong tình hình mới, Pháp lệnh BĐBP chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở pháp lý được quy định trong Pháp lệnh BĐBP đang ở mức thấp, cần xây dựng Luật Biên phòng, nhằm đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến biên giới, lãnh thổ và bảo vệ biên giới quốc gia. Giải quyết triệt để những bất cập về cơ sở pháp lý, hệ thống tổ chức của BĐBP và trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, các ngành, các lực lượng trong sự nghiệp bảo vệ biên giới.
PV: Xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia được xác định là một bộ phận trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Để bộ phận này tương xứng với tầm quan trọng của nó, theo Thượng tướng, đã đến lúc cần xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam?
Thượng tướng Võ Trọng Việt: Đất nước Việt Nam có trên 4.000km đường biên giới đất liền, trên 2.000km biển đảo, địa hình phức tạp, có nhiều dân tộc anh em sinh sống, đây là nền tảng cơ bản để các cấp, các ngành nâng cao trách nhiệm xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, đối ngoại, quốc phòng - an ninh. Ngoài ra, lực lượng BĐBP có truyền thống 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhưng ngày càng ổn định và phát triển, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc thiểu số, làm sâu sắc tình hữu nghị, đoàn kết với các nước láng giềng... Do đó, cần xây dựng hệ thống tổ chức ổn định, đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng quan hệ đối ngoại, nên phải đảm bảo hệ thống bằng pháp luật.
Quá trình quản lý, bảo vệ biên giới liên quan đến nhiều đối tượng, liên quan đến con người, hoạt động của các loại tội phạm, tính chất đấu tranh bảo vệ biên giới ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến quyền tự do con người, trong khi quyền tự do của con người chỉ được giới hạn bằng pháp luật, còn ở tầm pháp lệnh không đáp ứng được yêu cầu, chưa có đầy đủ pháp lý để BĐBP thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phù hợp với xu hướng hiện nay. Vì vậy, rất cần phải xây dựng, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!
Viết Hà (thực hiện)