Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:22 GMT+7

Rạng danh thêm những nghệ sĩ Biên phòng

Biên phòng - Bộ Tư lệnh BĐBP đã đề nghị 7 nghệ sĩ trong lực lượng BĐBP lên Hội đồng xét đề nghị tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 10 trong QĐND Việt Nam. Ngoài 2 NSƯT Quỳnh Liên và Hà Vy đã nghỉ hưu được đề nghị xét tặng NSND, các nghệ sĩ trong danh sách xét tặng danh hiệu NSƯT lần này đều là quân nhân thuộc Đoàn Văn công BĐBP đang tuổi nghề sung sức, hừng hực khao khát cống hiến và dày dặn thành tích trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.

Các ca sĩ, nghệ sĩ nhiều thế hệ của Đoàn Văn công BĐBP trong một lần biểu diễn tại biên giới (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh H.H

Thượng tá, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP cho biết, 5 nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT đang công tác tại Đoàn Văn công BĐBP hiện là những “chiến sĩ xung kích” của Đoàn. Đó là Thượng tá QNCN, nhạc công Mai Tuấn Anh; Trung tá QNCN, diễn viên múa Trần Công Du; Thiếu tá QNCN, ca sĩ Nguyễn Ngọc Dung; Thiếu tá QNCN, ca sĩ Nguyễn Hà Linh và Thiếu tá QNCN, diễn viên múa Nguyễn Tất Tỏa.

Các nghệ sĩ đều được đào tạo chính quy, không những lâu năm công tác, cống hiến tuổi trẻ trên khắp nẻo đường biên cương, mà còn là những nghệ sĩ giàu nội lực của nghề, phẩm chất đạo đức cách mạng nổi bật, đủ tiêu chuẩn và hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu NSƯT.

Theo những chặng đường không mệt mỏi phục vụ cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân nơi vùng sâu, vùng xa trên biên giới, hải đảo, các nghệ sĩ của Đoàn Văn công BĐBP luôn giành được tình cảm yêu mến của quân và dân biên giới. Các anh, các chị đã được vinh danh, công chúng ghi nhận qua những thành tích xuất sắc trong nhiều cuộc thi, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân.

Đối với các nghệ sĩ từng đặt chân đến hầu hết các vùng biên giới như ca sĩ Ngọc Dung và Hà Linh, được mang lời ca, tiếng hát đến với đồng đội và đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo xa xôi là niềm hạnh phúc, động lực để các chị vượt lên nỗi vất vả và say nghề có khi còn hơn cả văn công thời chiến.

Thiếu tá, ca sĩ Ngọc Dung, diễn viên đơn ca chính của Đoàn Văn công BĐBP, đã được tặng thưởng 2 Huy chương Vàng toàn quốc, đạt 3.665 huy chương qua các kỳ hội diễn cho biết, điều tự hào nhất sau 18 năm trong nghề là được khoác áo lính, được hát khắp đất trời quê hương. Với giọng hát khỏe khoắn, kỹ thuật thanh nhạc chuyên nghiệp, đúng chất “lính văn công”, ca sĩ Ngọc Dung góp mặt ở hầu hết các chương trình hoạt động quy mô của lực lượng BĐBP. Không ngần ngại thử sức với nhiều ca khúc khó, mới, Ngọc Dung dần trở thành một nghệ sĩ lão luyện, một giọng hát dễ chiếm được niềm cảm mến của khán giả, một vị trí không thể thiếu đối với một đơn vị biểu diễn nghệ thuật như Đoàn Văn công BĐBP.

Năm 2013, Ngọc Dung tham dự 2 vòng thi chung kết toàn quốc “Tiếng hát hữu nghị Việt – Trung” do Đài Phát thanh, Truyền hình Quảng Ninh, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC phối hợp với Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và Đài Truyền hình Quảng Tây của Trung Quốc tổ chức và đều đoạt giải Nhất. Nữ ca sĩ tỏa sáng bằng các bài hát song ngữ, trở thành biểu tượng văn hóa của tình hữu nghị. Chị cho hay, với tư cách là một quân nhân BĐBP, việc được cống hiến tài năng nghệ thuật của mình thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc là một niềm tự hào. Đó vừa là nhiệm vụ của bản thân và đồng đội, vừa là dấu mốc nghề nghiệp mà Ngọc Dung đã vượt qua với thành tích cao, đưa dấu ấn cá nhân lên một nấc thang mới.

Ca sĩ Ngọc Dung biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: H.H

Hơn thế nữa, đội ngũ nghệ sĩ hát, múa, nhạc công ở Đoàn hiện nay là một tập thể nhiều tài năng, giàu truyền thống. Thế hệ các nghệ sĩ như Ngọc Dung gần như rơi vào một cái nôi nghệ thuật. Họ có nhiều thời gian chuyên tâm cho nghề nghiệp nhờ là lính Biên phòng, đồng thời cũng có nhiều dịp được lưu diễn, nhất là diễn ở các địa bàn cách trở, biên giới hải đảo để lấy động lực, nuôi dưỡng sự yêu nghề, khát vọng cống hiến. Thành công được gặt hái từ những khổ luyện và nhiều yếu tố tích cực tác động.

Không chỉ Ngọc Dung, Hà Linh và các anh em nghệ sĩ nhạc công, diễn viên múa khác được đề cử danh sách xét duyệt NSƯT lần này đều có bề dày thành tích nhờ được hoạt động nghệ thuật với tần suất cao, nghiêm túc. Mỗi kỳ hội diễn, các nghệ sĩ văn công BĐBP đều tạo được ấn tượng với khán giả, có dấu ấn riêng so với các đoàn nghệ thuật khác. Đó còn là sự tìm tòi trong nghệ thuật, không đi lối mòn nhưng lại giữ được chất lính, chất riêng phù hợp với sự tiếp nhận của công chúng. Và dù là lính nhưng họ thường xuyên góp mặt và đóng góp tài năng nghệ thuật trong các dịp chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước. Đã có nhiều nhận xét tích cực từ khán giả như: Mỗi lần nghe lính Biên phòng hát, cảm thấy đất trời biên cương gần lại, thêm yêu biên giới, thêm tự hào về Tổ quốc.

Trải qua thời kỳ chống dịch Covid-19, những nghệ sĩ BĐBP vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật trực tuyến chuyển tải những sáng tác mới về nhiệm vụ chống dịch trên các tuyến biên giới của BĐBP. Danh hiệu NSND, NSƯT sẽ là niềm cổ vũ lớn lao dành cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, quân nhân BĐBP hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30-3-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Theo đó, các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp lấy ý kiến được hoàn thiện và chuyển lên hội đồng cấp cao hơn. Dự kiến, Hội đồng cấp Nhà nước sẽ triển khai công tác xét tặng vào cuối tháng 11-2021 và hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 vào cuối tháng 12-2021.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO