Biên phòng - Trong suốt nửa tháng qua, người dân ở khu vực cửa biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã dựng chòi tạm, “khóa” đường vào nhà máy xử lý rác MD. Bên cạnh đó là những tin đồn thất thiệt không rõ nguồn liên tục phát tán đã gây làn sóng hoang mang.
Đến chiều ngày 10-8, khu vực đường tránh quốc lộ 1A, đoạn qua xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, người dân địa phương vẫn lập chòi, bỏ vật cản ngay đầu dốc dẫn lên nhà máy xử lý rác thải MD, trong đó có cả cỗ quan tài. Tất cả tạo ra không khí lo lắng, bất an ở một làng chài từng nổi tiếng thịnh vượng hàng đầu, vốn là niềm tự hào của tỉnh Quảng Ngãi.
Nhiều bà con, chủ yếu là phụ nữ, người già, thấy phóng viên xuất hiện đã nhiệt tình cung cấp thông tin, nói lý do vì sao chặn đường vào bãi rác. Theo người dân phản ảnh, có ống nước từ Công ty MD xả xuống cánh đồng gây ngứa, thời gian gần đây nhà máy có mùi hôi, rác ở tỉnh Quảng Ngãi dồn hết vào nhà máy ở Sa Huỳnh, một số người dân phát bệnh vì bị ảnh hưởng từ ô nhiễm rác, vị trí nhà máy như vậy là gần khu dân cư và đề nghị di dời nhà máy sang khu vực khác.
Khi phóng viên Báo Biên Phòng được 1 người dân dẫn đến hiện trường để xác thực tận mắt những gì bà con phản ánh, xem đường ống thải, khu vực mộ bị ám khói, nghe mùi hôi, quan sát lượng rác… thì có vài thanh niên không rõ lý do đã lao theo lên dốc để ngăn cản, thái độ hung dữ.
Tại cuộc họp báo vào chiều 13-8, ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cho biết: Theo quy chuẩn Việt Nam, công trình nhà máy xử lý rác thải rắn sử dụng công nghệ đốt, kết hợp xử lý phân bón hữu cơ thì khoảng cách an toàn từ nhà máy đến khu dân cư gần nhất là lớn hơn hoặc bằng 500m. Công ty MD cách khu dân cư nơi gần nhất là hơn 500m, nên vị trí nhà máy là không vi phạm.
Nhà máy xử lý rác MD được giới thiệu có công nghệ đốt rác hiện đại, công suất xử lý 50 tấn rác/ngày đêm. Nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động từ quý I năm 2018, đơn vị này cho biết, toàn huyện Đức Phổ đưa rác về xử lý tại nhà máy chỉ ở mức 25 tấn/ngày đêm.
Trong cuộc đối thoại giữa chính quyền cấp huyện với người dân được tổ chức tại địa phương vào ngày 7-8, ông Trần Em, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, với tư cách là lãnh đạo, vừa là người ở địa phương, đã giải đáp những ý kiến của người dân: Nhà máy này chỉ xử lý rác trên địa bàn huyện, không “nhập” rác từ nơi khác; sẽ cho người dân tham gia giám sát nguồn rác của nhà máy; vị trí đặt nhà máy và ứng với công nghệ là phù hợp; yêu cầu nhà máy xử lý mùi hôi do đào bới bãi rác cũ tồn đọng…
Một số trường hợp bà con phản ánh với phóng viên về người nhà bị bệnh vì ô nhiễm rác thì bà con cũng cần cân nhắc kỹ, vì nhà máy rác thải này mới chỉ vừa đi vào hoạt động, vì vậy không thể nói nguyên nhân do nhà máy. Việc người dân phỏng đoán về lượng rác nhiều nơi đổ về nhà máy, chính quyền đã cam kết và hoàn toàn có cách để giám sát.
Trước mắt, bà con nên quan tâm vào việc đống rác cũ của chính người dân cửa biển Sa Huỳnh bỏ lại từ nhiều năm trước và đây mới là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. Bà Lê Thị Mỹ Diệp, Giám đốc Công ty MD ước tính, khối lượng rác này khoảng 22 nghìn m3, chi phí xử lý hết khoảng 10 tỷ đồng. Đây mới là chuyện đáng bàn, cần chính quyền hỗ trợ, cần huy động sức dân.
Bên cạnh vấn đề rác, khắp cửa biển Sa Huỳnh còn liên tục lan truyền rất nhiều tin đồn gây hoang mang lo lắng cho những người dân vốn sống bình an. Tất cả những tin đồn trên đều được phóng viên đến nhiều nơi xác minh, hỏi cặn kẽ nhiều người dân và cuối cùng, mọi người đều nói rằng, “đó là nghe, nhưng không rõ như thế nào”. Mỗi xóm đồn thổi thông tin đó theo một cách khác nhau. Tin này lan trong cộng đồng 26.000 dân ở cửa biển Sa Huỳnh, sau đó biến thành nhiều câu chuyện khác.
Lê Văn Chương