Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 12:13 GMT+7

“Ra về nhớ mãi mắt vàng”

Biên phòng - “Ra về nhớ mãi mắt vàng/ Cứ ươn ướt giữa mênh mang biển trời”. Đó là lời thơ chân thành, tình cảm mà nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương đã viết về những chú chó vàng được các chiến sĩ nuôi trên quần đảo Trường Sa. Gần đây, dựa vào bức hình do ông cung cấp mà Thượng úy Hoàng Hải Lý (Trường Sĩ quan Không quân) đã sáng tác bài thơ “Bơi vào đi” làm “cay mắt” hàng triệu độc giả về sự quyến luyến, thân tình của chú chó với người chiến sĩ khi hết nhiệm vụ phải trở về đất liền.

zn8a_18b
Thượng úy Hoàng Hải Lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương từng chiến đấu tại mặt trận đường 9 Quảng Trị từ năm 1968, đặc biệt là chiến dịch giải phóng và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ông cũng được biết đến là tác giả của  4 câu thơ bất hủ về tình đồng đội, đồng chí làm lay động lòng người: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Hòa bình lập lại, với tư cách là phóng viên Báo Quân khu 5 và sau này là phóng viên thường trú của Báo Văn hóa tại Khánh Hòa, ông say mê đến với những mảnh đất mới để tìm tòi, trải nghiệm làm phong phú thêm trang viết, kho ảnh của mình. Và có một mảnh đất thiêng liêng đã luôn thôi thúc, giục giã đôi chân và cả con tim người cựu binh thành cổ, đó là quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc, huyện đảo máu thịt của tỉnh Khánh Hòa. Nhưng cũng thật đặc biệt, trong 4 chuyến ra Trường Sa, ông đều chọn thời điểm vào mùa giông bão, khi mà  bộ đội Hải quân cũng còn say sóng,  ông lại chẳng hề hấn gì. Nơi đó ông đã chụp hàng ngàn bức ảnh biển, trời, đảo nổi, đảo chìm, người lính Hải quân, cỏ cây, chim chóc và đặc biệt là những chú chó.

Theo nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương thì xét về mục đích kinh tế, chó là loài dễ nuôi, cho gì ăn nấy, ít bệnh tật, lại mắn đẻ. Chỉ vài ba con chó giống ở đất liền đem ra đảo, sau một vài lứa đẻ là thành đàn, thành đám. Với đặc tính hay ăn, chóng lớn, cả đàn chó thi nhau tăng cân rất nhanh. Có lẽ vì thế mà trên đảo, chó được chọn để nuôi đại trà.

Ông kể, một lần ông theo hải trình thăm các đảo trong quần đảo Trường Sa, dù đến với đảo chìm hay đảo nổi..., mỗi khi xuồng ông cập bờ đã thấy những người lính đảo trong vai chủ nhà ra tận mép sóng đón khách và bên cạnh những người chủ của đảo lúc nào cũng xuất hiện những anh chị em nhà “tuất” lớn nhỏ, chầu hẫu bên cạnh, nghếch mõm về phía xuồng chở khách với vẻ thân thiện, thậm chí có con còn nhảy cỡn lên biểu lộ sự mừng rỡn thái quá.

Càng ấn tượng hơn, sau những ngày cùng các “chủ áo lính” đón tiếp khách, khi đoàn khách rời đảo về đất liền, những “anh vàng”, “chị mực” họ nhà “tuất” còn chủ động lao xuống biển, bơi gần một hải lý “tiễn chân khách” trong “bịn rịn”, “lưu luyến”, khiến “người ở”, người về rơi nước mắt.

“Còn nhớ một kỷ niệm không thể quên như vậy ở Trường Sa. Ấy là hôm đến đảo Đá Thị, khi xuồng khách vừa rời đảo để ra tàu tiếp tục hải trình, đã thấy bên cạnh tốp cán bộ, chiến sĩ nhà đảo đang đứng thành hàng tiễn khách, một chú vàng hăng hái dẫn đầu mấy “anh chị tuất” rời khỏi hàng quân, lao ra tận mép sóng, rồi cứ thế mải miết bơi theo hướng xuồng. Sóng dậy, triều lên... giữa mênh mang sóng nước, mấy “anh chị tuất” do một “anh vàng” dẫn đầu cứ lóp ngóp vừa bơi, vừa đợi nhau, dìu nhau theo hướng xuồng khách ra phía gần bờ xanh biên đảo.

Sau một vòng bơi bìu níu quanh xuồng, chú vàng đầu đàn mới chịu dừng lại, quẫy chân bơi tại chỗ, ngước đôi mắt ươn ướt về phía khách, khiến tất cả xuồng ai nấy đều nhạt nhòa nước mắt. Lúc ấy, tôi vội gạt nước mắt giơ máy ảnh lên ghi lại hình ảnh những “anh chị tuất” cứ xa dần, xa dần thành những chấm vàng nhỏ dần trên nền sóng nước xanh màu ngọc bích để rồi ám ảnh mãi trong tôi là đôi mắt chú vàng” - Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương kể lại trong niềm xúc động.

907v_18a
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương và những chú chó trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: CTV

Và đến chính ông cũng không thể ngờ rằng, khi “khoe” bức hình với Thượng úy Hoàng Hải Lý lại là cơ duyên, mạch nguồn cảm xúc cho bài thơ “Bơi vào đi” cảm động ra đời. Vốn là người con sinh ra trên quê hương sóng nước Lệ Thủy (Quảng Bình), hơn nữa lại là người chiến sĩ đang công tác tại một đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), Thượng úy Hoàng Hải Lý đã luôn thấu hiểu với những khó khăn, vất vả của người lính Hải quân nơi đảo xa. Và anh hiểu những người lính đảo cần gì? Mong muốn ở hậu phương điều gì?

Nhớ về hoàn cảnh sáng tác bài thơ này, Thượng úy Hoàng Hải Lý cho biết, khi nhìn bức hình của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương, trong lòng anh dâng trào nỗi niềm cảm xúc, câu chữ cứ tuôn trong anh như một dòng chảy. Và chỉ chưa đến 10 phút, bài thơ đã hoàn thành trong sự ngỡ ngàng của cả tác giả ảnh và thơ. Bằng lối thơ nhẩn nha, giản dị, thấm đẫm chất trữ tình, “Bơi vào đi” đã tạo nên một “cơn bão” lòng với bất cứ ai dù chưa một lần được ra với Trường Sa.

Kết thúc bài thơ, tác giả Hoàng Hải Lý đã khiến người đọc không thể cầm được nước mắt khi lời cầu khiến được buông ra nhẹ nhàng mà nghẹn ngào, xúc động: “Về đi mày, đừng bơi nữa, mắt cay...”. Qua bức ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương cùng với lời thơ của Thượng úy Hoàng Hải Lý, người đọc, người xem đã cảm nhận được nơi Trường Sa bão gió ngoài tinh thần kiên cường, bất khuất của những người lính đảo, còn là sự gần gũi, ấm áp chan chứa tình người giữa chú chó và người chiến sĩ.

Được biết, sĩ quan trẻ Hoàng Hải Lý là một cây thơ với những vần thơ làm thổn thức biết bao độc giả, làm gắn kết thêm tình cảm giữa người chiến sĩ với hậu phương và đã bay bổng vào nhiều khuông nhạc của các nhạc sĩ. Anh không chỉ sáng tác về lực lượng Phòng không - Không quân mà ở các quân, binh chủng khác, nơi mà các chiến sĩ đang ngày đêm tập luyện trên thao trường, bãi tập và cùng với đó là những cảm thức của họ về lý tưởng, về cuộc sống cũng đều là nguồn cảm hứng bất tận cho những vần thơ lai láng, bài viết sắc sảo, lắng đọng vang lên trong người chiến sĩ trẻ gốc Quảng Bình.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO