Biên phòng - Trong năm 2019 vừa qua, do giá xăng dầu tăng cao, sản lượng hải sản đánh bắt giảm mạnh, cộng với thiếu nguồn lao động đi biển nên hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân biên giới biển huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải nằm bờ. Thậm chí, một số chủ phương tiện đang rao bán tàu cá để trả nợ.
Cảng cá Phước Tỉnh, huyện Long Điền những ngày cuối năm 2019 có đông đúc tàu, thuyền neo đậu. Trò chuyện với nhiều ngư dân ở đây mới biết, bên cạnh những phương tiện vừa ra khơi trở về, có không ít phương tiện cả năm nay chỉ nằm bờ, không ra khơi. Những phương tiện này đa phần là do khai thác thua lỗ, không có kinh phí để đi tiếp. Nhiều ngư dân cố đi biển để có tiền trả nợ, nhưng càng ra khơi đánh bắt thì nợ càng nhiều hơn nên bà con quyết định cho tàu cá nằm bờ. Trong khi đó, việc tàu cá không hoạt động, neo đậu tại bến thì thân tàu, máy móc, thiết bị hư hỏng nhanh, tàu đậu càng lâu thì xuống cấp, hư hỏng càng nặng và muốn hoạt động trở lại phải sửa chữa, đây cũng là một khó khăn của ngư dân.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đến gặp ông Võ Thanh Hùng, sinh năm 1949, trú tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Ông Hùng có 2 cặp ghe cào, nhưng 1 cặp đã nằm bờ hơn 2 năm nay. Được biết, hơn 30 năm qua, cả gia đình ông đều sống dựa vào nghề biển. Bản thân ông Hùng được biết đến là một ngư dân tiêu biểu của xã Phước Tỉnh về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong đánh bắt trên biển. Khoảng 3 năm về trước, 2 cặp ghe cào của ông vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên, không lâu sau đó, do giá dầu tăng cao, tiền thuê người làm công rất tốn kém, lượng hải sản đánh bắt ngày càng giảm nên mỗi chuyến ra khơi trở về, mặc dù bán hết hải sản đánh bắt được nhưng không có lãi, thậm chí có những chuyến lỗ nặng. Nợ chồng nợ, số tiền vay mượn đã lên con số 1,7 tỉ đồng nên giữa năm 2017, ông đã quyết định cho cặp ghe cào BV 9326 - BV 9327 dừng hoạt động, đồng nghĩa với việc 11 lao động trên 2 phương tiện này nghỉ việc. Ông Hùng bày tỏ: “Thà để tàu đậu bờ, mỗi tháng chỉ tốn tiền gửi ở cảng còn hơn ra khơi mà chịu lỗ mạnh. Và cũng vì nợ nần nhiều nên tôi đã rao bán cặp ghe này, nhưng do ra khơi không có lãi nên chưa có người mua”.
Ông Hùng chia sẻ tiếp: “Sở dĩ cặp ghe còn lại là BV 9328 - BV 9329 mặc dù lãi không nhiều hoặc hòa vốn nhưng vẫn tiếp tục ra khơi bình thường bởi tài công là 2 người con trai, phải hoạt động để chúng nó kiếm thu nhập, chứ nếu nghỉ hẳn, 2 con tôi không biết lấy gì nuôi gia đình. Ở đây, một số ngư dân khác cũng như tôi, lỗ nhiều quá nên đã quyết định không bám biển nữa mà đã bán ghe của mình”.
Được biết, thời gian qua, nhiều tàu cá ở Long Điền nằm bờ do chi phí cho mỗi chuyến đi biển rất tốn kém, các chủ phương tiện đều phải cân, đong, đo, đếm. Muốn ra khơi khai thác phải tính được việc kiếm lời, đi về không có lời thì tàu phải nằm bờ. Giá sản phẩm sau đánh bắt không tăng, nhưng tất cả chi phí đều tăng khiến nhiều tàu cá thua lỗ. Ông Hồ Văn Điền, sinh năm 1960, trú tại xã Phước Tỉnh chia sẻ: “Mấy năm nay, nghề biển bấp bênh, giá dầu tăng, trong khi cá, tôm đánh bắt năng suất thấp, giá cả lại không cao nên ngư dân cũng cực lắm”. Ông Điền cho biết thêm: “Nặng nhất vẫn là tiền dầu, bình quân mỗi cặp ghe cào hoạt động trên biển 1 ngày hết chừng 1.000 lít dầu. Bình quân mỗi phương tiện như thế ra khơi tầm 3 tháng thì tiêu tốn hết hơn 90.000 lít dầu. Từ đầu năm đến nay, giá dầu tăng khiến chi phí đội lên quá cao. Vì thế, nhiều ngư dân phải cho tàu cá nằm bờ, vì đi biển là lỗ vốn”.
Mặt khác, thời gian gần đây, việc thiếu lao động đi biển cũng là một khó khăn mà các chủ tàu cá ở huyện Long Điền gặp phải. Đây cũng là khó khăn chung của hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Do không đủ lao động cho chuyến đi biển, nhiều tàu cá phải nằm chờ ở biển để tìm người. Hiện nay, bình quân mỗi phương tiện ra khơi đều cần từ 10 đến 15 người lao động. Trước khi xuất bến, họ phải ứng trước tiền công cho các lao động. “Người làm đến nhà ứng tiền cũng chiếm một khoản chi phí lớn ban đầu. Bởi ứng tiền bây giờ từ 20 triệu đồng trở lên, trong khi ngày xưa chỉ khoảng chừng 5 triệu đồng thôi. Bây giờ tìm người làm đã khó, còn phải ứng tiền công trước, nhiều chủ tàu sẽ không kham nổi” - Ông Điền chia sẻ.
Việc lao động nghề biển ở một số địa phương đang bị thiếu hụt, chi phí khai thác cao, nguồn lợi thủy sản trên ngư trường giảm... đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngư dân. Thiết nghĩ, để tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi, Chính phủ cần có những chính sách khoanh nợ trong thời gian tàu cá nằm bờ hay tàu khai thác không hiệu quả, không tính lãi suất ngân hàng để bà con có điều kiện vươn khơi bám biển.
Theo Đại úy Nguyễn Mạnh Trường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phước Tỉnh, BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu, trên địa bàn huyện Long Điền có hơn 1.700 tàu cá hoạt động, trong đó có khoảng 800 phương tiện đánh bắt xa bờ. Hiện tại, có khoảng 300 tàu cá của ngư dân vì làm ăn thua lỗ nên đã nằm bờ hơn một năm nay. Việc tàu cá nằm bờ nhiều, các thuyền viên trở về địa bàn sinh sống có lúc xảy ra một số trường hợp như đánh nhau, cờ bạc... ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương. Vì thế, thời gian qua, đơn vị đặc biệt chú trọng đến công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm để đảm bảo địa bàn luôn ổn định.
Hồ Phúc