Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Quyết tâm phá rào cản

Biên phòng - Từ năm 2014, Việt Nam chính thức cam kết và triển khai các hoạt động để đạt mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2020, hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, từ thực tế tới mục tiêu vẫn còn rất nhiều thách thức, dù nước ta đang ở chặng đường cuối.

Bền bỉ, bài bản và quyết tâm thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), công tác phòng chống đại dịch HIV/AIDS của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành quả vượt bậc.

Đáng chú ý, Việt Nam nằm trong 4 nước dẫn đầu thế giới về tỉ lệ bệnh nhân đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (lên tới 96%). Nghĩa là 100 người được phát hiện nhiễm bệnh, thì có 96 người không có khả năng lây truyền cho người khác qua đường tình dục.

Các chuyên gia khẳng định, Việt Nam đã đi đúng hướng từ việc mở rộng dịch vụ đến tận thôn bản và cấp thuốc tại xã, phường cho bệnh nhân HIV dễ dàng tiếp cận về điều trị. Chất lượng điều trị đảm bảo tính bền vững nhờ sử dụng nguồn bảo hiểm y tế đang được phổ cập trong toàn dân. Hiện, cả nước có hơn 140.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV; gần 5.000 người đang được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV; hơn 54.000 người nghiện ma túy đang được điều trị bằng Methadone. Mỗi năm có khoảng 3 triệu người được xét nghiệm HIV; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm...

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức lớn để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030. Các chỉ số thứ nhất và thứ hai trong mục tiêu 90-90-90 vẫn chưa đạt được do nhóm nhiễm HIV mới trong hoạt động mại dâm, cộng đồng MSM (quan hệ nam đồng giới), công nhân các khu công nghiệp đang tăng rất nhanh và rất khó tiếp cận, phát hiện và kiểm soát.

Thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS cho thấy, mỗi năm, Việt Nam vẫn còn 10.000 người nhiễm mới được phát hiện, khoảng 3.000-4.000 ca tử vong do HIV, 40.000 người nhiễm HIV chưa được tiếp cận thuốc, trong đó có bộ phận không nhỏ là người nghiện ma túy, những người yếu thế.

Bên cạnh đó, viện trợ quốc tế cắt giảm, công tác phòng chống AIDS buộc phải sử dụng ngân sách Trung ương, địa phương và bảo hiểm y tế, trong bối cảnh cả nước đang phải tập trung chống dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác.

Các chuyên gia cũng chỉ ra sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm vẫn là rào cản khiến những người nhiễm HIV và có nguy cơ nhiễm HIV lẩn tránh, không đến tiếp cận xét nghiệm để biết tình trạng nhiễm cũng như không điều trị. Chính họ là nguồn lây nhiễm âm thầm trong cộng đồng để dịch lây lan.

Do vậy, chiến dịch K=K (Không phát hiện bằng không lây truyền) mà Bộ Y tế và các địa phương đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua chính là giải pháp giải tỏa tinh thần cho cả xã hội, xóa bỏ tư duy kỳ thị với người nhiễm HIV, đồng thời giúp bệnh nhân tìm được một điểm tựa vững chắc để đặt niềm tin vào việc điều trị, hướng tới tương lai, thay vì mặc cảm, giấu giếm tình trạng sức khỏe.

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu 95-95-95 trong phòng, chống HIV/AIDS, giảm số ca phát hiện mới xuống dưới 1.000 ca trong 10 năm tới. Muốn vậy, chúng ta cần cần quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán và chăm sóc, điều trị. Đặc biệt là triển khai đồng bộ các can thiệp từ dự phòng đến điều trị cho đối tượng, như truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị Methadone...

Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, Việt Nam sẽ thực hiện thành công chiến lược quốc gia phòng, chống để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO