Biên phòng - Sáng 19-6, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức Hội nghị triển khai đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại (BL, GLTM), vận chuyển trái phép (VCTP) hàng hóa qua biên giới các tỉnh Tây Nam bộ. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP. Dự hội nghị còn có lãnh đạo UBND tỉnh, Công an, Hải quan, Biên phòng 14 tỉnh, thành có biên giới, vùng biển phía Nam (từ Bình Thuận trở vào).
Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh BĐBP, đến nay, tình trạng BL, GLTM, VCTP hàng hóa trên biên giới và vùng biển phía Nam cơ bản được kiểm soát, không để xảy ra điểm nóng, tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là buôn lậu xăng dầu, đường, thuốc lá ngoại... Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, xảo quyệt. Có trường hợp thuê, mượn chứng minh nhân dân để thành lập công ty "ma" ở địa phương khác, nhằm nhập lậu hàng hóa, không đúng hàng khai báo Hải quan...
Tại cửa khẩu, cảng biển, các đối tượng BL, GLTM lợi dụng hệ thống phân luồng trong thực hiện thủ tục Hải quan điện tử để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Một số đối tượng còn lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất hoặc quá cảnh hàng hóa để buôn lậu với số lượng lớn...
Trong 6 tháng đầu năm 2018, nhờ chủ động, tích cực trong đấu tranh chống BL, GLTM, các đơn vị BĐBP đã chủ trì và phối hợp bắt giữ 293 vụ với 176 đối tượng; tạm giữ tang vật gồm: 1.786.000 lít xăng dầu và 14.000 lít dung môi xăng; 298.000 bao thuốc lá, gần 48 tấn đường và nhiều hàng hóa khác, tổng giá trị trên 28 tỷ đồng. Trong số 240 vụ do BĐBP chủ trì phát hiện, bắt giữ, đã khởi tố 3 vụ án hình sự với 4 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 38 vụ với 81 đối tượng, phạt tiền hơn 1,84 tỷ đồng; tịch thu tang vật, phát mại được số tiền là 16,326 tỷ đồng; đang điều tra 17 vụ với 6 đối tượng, tang vật gồm: 48.475 lít dầu, 28.300 USD, 21.300 bao thuốc lá...
Dưới sự chủ trì của Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận, tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, những khó khăn, vướng mắc, bàn giải pháp để nâng cao hiệu quả chống BL, GLTM, VCTP hàng hóa qua biên giới. Các đại biểu nhất trí đánh giá, thời gian qua, công tác chống BL, GLTM gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố như: Địa hình biên giới phức tạp, có nhiều đường mòn, đường tắt, kênh rạch chằng chịt; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác đấu tranh còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đời sống của nhân dân khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu việc làm, một bộ phận nhân dân tham gia buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu.
Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang cho biết: Kiên Giang có địa hình phức tạp, đa dạng, vừa có đường biên giới trên bộ tiếp giáp với Campuchia, vừa có vùng biển tiếp giáp, chồng lấn với một số nước trong khu vực, thuận lợi cho các hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa với các nước lân cận. Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn hoạt động của nhiều loại tội phạm, nhất là các đối tượng buôn lậu. Mặt hàng chủ yếu là dầu, thuốc lá ngoại, đường cát Thái Lan, với những thủ đoạn hết sức tinh vi, liều lĩnh, gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. Vì vậy, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp trước mắt như tổ chức cao điểm đấu tranh, triệt xóa các đường dây BL, GLTM. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho rằng, mặc dù các cơ quan chức năng như: Công an, Biên phòng, Hải quan đã hết sức nỗ lực, nhưng tình hình BL, GLTM và hàng giả trên tuyến biên giới An Giang vẫn còn diễn biến phức tạp. Ông Nưng đề xuất một số giải pháp trong công tác đấu tranh chống BL, GLTM thời gian tới như đẩy mạnh tuyên truyền, nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh chính sách hỗ trợ, vận động chuyển đổi nghề cho các đối tượng vận chuyển, tiếp tay cho buôn lậu; khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu; nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có hành vi buông lỏng quản lý, có biểu hiện tiêu cực trong công tác chống BL, GLTM.
Còn ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương, Phó Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An cho rằng, những năm gần đây, lãnh đạo các cấp, các ban ngành của tỉnh thường xuyên làm tốt việc giám sát, quản lý các điểm nóng trên địa bàn. Sự phối hợp giữa Công an, BĐBP, Hải quan luôn mật thiết, hiệu quả, phá nhiều chuyên án thành công, góp phần làm giảm thiểu vấn nạn buôn lậu trên địa bàn Long An. Công tác tuyên truyền trong nhân dân cũng được BĐBP đẩy mạnh, trong đó có 5.200 hộ dân ký cam kết không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu. Ông Lê Minh Đức đề xuất lắp đặt nhiều camera an ninh, theo dõi trên các điểm nóng; tăng cường sự phối hợp liên tỉnh giữa Tây Ninh, Long An, thành phố Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực, kết quả đấu tranh chống tội phạm, chống buôn lậu của BĐBP trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Quốc phòng. Kết quả đấu tranh chống BL, GLTM và hàng giả của BĐBP đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước...
Phó Thủ tướng lưu ý, trước thực trạng tình hình buôn lậu trên biên giới, nhất là xăng dầu trên biển vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, hoạt động VCTP hàng hóa qua biên giới Tây Nam vẫn đang hàng ngày tác động tiêu cực, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự và tổn hại đến nền kinh tế của đất nước, công tác đấu tranh chống buôn lậu không phải của riêng một lực lượng, một bộ, ngành hay của một địa phương nào mà là của cả hệ thống chính trị, của các cấp chính quyền, các ngành, các lực lượng và của toàn dân. Các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và cán bộ, chiến sĩ BĐBP cần thực hiện thật tốt nhiệm vụ của mình để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác chống buôn lậu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ngoài các yếu tố khách quan, các lực lượng chức năng cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá sát, đúng yếu tố chủ quan. Trong mọi công việc, nhất là trong chống BL, GLTM, quan trọng nhất là yếu tố con người. Do vậy, cần nâng cao việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác chống buôn lậu. Đặc biệt, cần chú trọng, thường xuyên làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, tránh bị móc nối, tiếp tay, làm ngơ cho tội phạm. Cùng với đó là việc khen thưởng, động viên kịp thời. Có như vậy mới kéo giảm được vấn nạn BL, GLTM, VCTP hàng hóa qua biên giới...
Đăng Bảy - Hồ Phúc