Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 03:41 GMT+7

Quyết tâm chiến lược của Đảng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Biên phòng - Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) đã làm thất bại hoàn toàn Kế hoạch Navarre - cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp tại Đông Dương. Có được chiến thắng là do Bộ Chính trị Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết tâm chiến lược khiến kẻ thù bất ngờ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Đến năm 1953, sau 8 năm trở lại xâm lược Đông Dương, dù phải đến mức kêu gọi nước Mỹ giúp đỡ về kinh phí và vật chất để có thể tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng thực dân Pháp vẫn phải chịu những tổn thất nặng nề. Ngày 7-5-1953, Đại tướng Henrri Navarre (khi ấy là Tham mưu trưởng Lục quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO) được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương. Navarre đã đề ra kế hoạch quân sự mới vào tháng 7-1953 mang tên mình với hy vọng quân Pháp đang trong tình thế phòng ngự bị động sẽ “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng. Thực hiện Kế hoạch Navarre, quân Pháp đã mở rộng càn quét các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam bộ và tập trung quân cơ động chiến lược ở Bắc bộ chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn vào Việt Bắc - thủ đô kháng chiến của ta hòng giành thắng lợi quyết định để nhanh chóng kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho chúng.

Tuy nhiên, vào tháng 9-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954, đề ra các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và tác chiến là: Chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu để đánh, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng, không thể tập trung lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc bộ.

Được sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã nhanh chóng tiến hành xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Pháp đã bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ với 49 cứ điểm đề kháng mạnh với 3 phân khu liên hoàn. Tổng số binh lực của địch lúc cao nhất là 16.200 quân. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là nước cờ cuối cùng của Mỹ và Pháp. Tập đoàn cứ điểm là hình thức phòng ngự mới của địch để đối phó với sự lớn mạnh của quân đội ta

Tuy nhiên, để giành thắng lợi mang tính quyết chiến chiến lược, quân đội ta cần tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để làm lung lay đến tận gốc rễ hy vọng tiếp tục chiến tranh của thực dân Pháp. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Bộ Chính trị nhận định, Điện Biên Phủ có một vị trí cô lập, xa căn cứ hậu phương của địch và mọi sự tăng viện, tiếp tế đều dựa vào đường hàng không. Lực lượng ta là những đơn vị chủ lực tinh nhuệ, có tinh thần chiến đấu cao và đã được huấn luyện về cách đánh tập đoàn cứ điểm với sự giúp đỡ của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc. Bởi vậy, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị đã thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ ngay khi quân Pháp mới cho quân nhảy dù xây dựng tập đoàn cứ điểm cho thấy tầm quan trọng của chiến dịch này. Tổng quân số điều động tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ lên đến 55.000 chiến sĩ, bao gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Đảng, Chính phủ ta cũng đã huy động được 260.000 dân công, bằng 12 triệu ngày công để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tháng 1-1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ tư khóa II để đưa ra các quyết sách quan trọng về cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Phương châm tác chiến “đánh ăn chắc, tiến ăn chắc” cho toàn bộ chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 đã được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh xác định.

Đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ, do nhận định địch còn đứng chưa vững tại Điện Biên Phủ nên cơ quan tham mưu đã đề nghị phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, dốc toàn lực đánh trong 3 đêm 2 ngày tiêu diệt toàn bộ quân địch. Tuy nhiên, khi thấy địch ngày càng tăng cường lực lượng, ra sức củng cố trận địa và những khó khăn của ta chưa có cách khắc phục, vào ngày 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ý kiến ra Đảng ủy chiến dịch bàn thay đổi cách đánh. Đảng ủy chiến dịch đã thảo luận sôi nổi và cuối cùng đã đi đến nhất trí chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”.

56 ngày đêm chiến đấu quyết liệt ở Ðiện Biên Phủ (từ ngày 13-3-1954 đến ngày 7-5-1954) đã chứng minh việc thay đổi phương châm chiến dịch của Đảng ủy chiến dịch và Bộ Chính trị là một quyết định sáng suốt, quả cảm, kịp thời, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến dịch.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), đồng chí William Foster, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ, đã viết trên Công nhân nhật báo ra ngày 10-5-1954 như sau: “Quân đội Hồ Chí Minh phá tan được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn. Thất bại này không những chỉ là thất bại thảm hại của riêng thực dân Pháp, một kẻ đã cố liều mạng để âm mưu xâm chiếm đất nước Đông Dương giàu đẹp mà trước hết là thất bại lớn lao của kế hoạch chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ...”.

Trong bức thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta vào tháng 9-1969, Bí thư Đảng Cộng sản Tunisie Mohamed Hartman đã ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiến thắng Điện Biên Phủ: “Tên tuổi của Người sẽ gắn liền với thắng lợi Điện Biên Phủ... Chúng tôi biết rằng, chính cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đã đóng góp vai trò quyết định trong việc thúc đẩy phong trào dân tộc ở châu Phi và trong thế giới Arab, và mở đầu sự tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Nguyễn Văn Toàn

Bình luận

ZALO