Biên phòng - Còn 1 tháng nữa phái đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 việc thực thi chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thời gian qua, 28 tỉnh, thành phố ven biển đã triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các bất cập, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

Triển khai từ tháng 2/2023, kế hoạch hành động 180 ngày cao điểm chống khai thác IUU đang hướng tới hoàn thành sớm mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho các bộ, ngành và các địa phương liên quan.
Đến thời điểm này, các địa phương đã hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Đồng thời, chấm dứt hoàn toàn hoạt động tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; 100% các trường hợp vi phạm bị xử lý và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Trên tuyến biên giới biển, các đơn vị BĐBP đã kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến và ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định; giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
Tuy nhiên, tình trạng tàu cá lắp đặt thiết bị VMS mất tín hiệu kết nối trong quá trình khai thác trên biển và công tác chứng nhận sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác vẫn là vấn đề tồn tại trong thực thi khuyến nghị của EC.
Theo các chuyên gia, giải pháp tối ưu để quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá và xử lý vi phạm về chống khai thác IUU là bổ sung phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tạo thuận lợi cho các lực lượng thực thi pháp luật trong việc phát hiện và xử phạt hành vi khai thác IUU. Song, quy định này chưa giải quyết được vướng mắc trong xử lý vi phạm đối với hoạt động chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản.
Thực tế, tại các địa phương ven biển, kỹ thuật, công nghệ và năng lực xử lý các quy trình thực thi, các thủ tục xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác còn nhiều hạn chế và bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng hải sản khai thác.
Để giải quyết khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp chế biến hải sản, cần cải tiến, liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu của 28 tỉnh, thành ven biển, giúp cho việc quản lý, tra cứu thuận tiện và nhanh hơn. Cùng với đó, quy trình xác nhận, chứng nhận hải sản khai thác cần được số hóa để giải quyết nhanh và hiệu quả thủ tục này ở các địa phương...
Sau hơn 5 năm EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam, trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đang đi đúng hướng, cải thiện tích cực. Tuy nhiên, đến nay, EC vẫn chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam, mà tiếp tục đưa ra nhiều khuyến nghị.
Hệ lụy là xuất khẩu nhiều loại hải sản trong quý 1/2023 sụt giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này có một phần tác động từ “thẻ vàng” mà EU cảnh báo. Bởi, quy định chống khai thác IUU không còn là yêu cầu riêng của EU mà đã trở thành yêu cầu của cả các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản...
Quyết tâm trong chống khai thác IUU, tháo gỡ “thẻ vàng” của EC không chỉ nhằm lấy lại lợi thế cho hải sản Việt Nam, mà còn khẳng định vị thế của một đối tác tin cậy, uy tín và cam kết trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề hợp tác quốc tế.
Hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tối đa nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong phòng chống IUU. Đồng thời, mỗi ngư dân phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu và thể hiện quyết tâm cao nhất để tháo gỡ bằng được “thẻ vàng” trong năm nay.
Thanh Thảo