Biên phòng - Trong những năm gần đây, tuyến biên giới Việt Nam - Lào đang trở thành địa bàn trọng điểm của tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng vào nước ta và đi các nước khác tiêu thụ. Các đơn vị BĐBP đã có nhiều biện pháp, kế hoạch nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn; nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh, đổ máu trong quá trình làm nhiệm vụ, nhưng cuộc chiến với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào vẫn diễn biến phức tạp.

Đường dây tội phạm chuyên nghiệp
Theo thông tin từ Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Quá trình phối hợp trao đổi thông tin giữa BĐBP Việt Nam với lực lượng chức năng của Lào cho thấy, tội phạm ma túy trên tuyến biên giới hai nước có sự dịch chuyển địa bàn hoạt động.
Khi lực lượng hai bên biên giới thực hiện nhiều giải pháp, phương án đấu tranh ngăn chặn quyết liệt tại các tỉnh Bắc Lào, đặc biệt trên khu vực biên giới chung Sơn La (Việt Nam) - Hủa Phăn (Lào), các đường dây tội phạm ma túy đã chuyển hướng hoạt động mạnh xuống khu vực Trung và Nam Lào. Địa bàn khu vực biên giới đối diện các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình vốn phức tạp nay lại càng phức tạp hơn, với nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, tính chất chuyên nghiệp, manh động hơn.
Lực lượng chức năng Việt Nam và Lào cho biết, hiện trên biên giới đất bạn có khoảng 51 tụ điểm, 18 tuyến mua bán, vận chuyển ma túy, trong đó, ở địa bàn đối diện 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có 32 điểm, 6 tuyến (chiếm 1/3 toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào). Lực lượng chức năng của bạn cũng phát hiện, thông báo tại U Đôm Xay (Lào) đang tồn tại một số cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói các loại ma túy. Đối tượng cầm đầu là người Lào với sự tham gia đầu tư tài chính, công nghệ của người nước ngoài.
Yếu tố mới đó đang làm cho ma túy cung cấp ra thị trường cũng có nhiều sự thay đổi, các loại như thuốc phiện, heroin đang giảm dần, ma túy tổng hợp, ma túy dạng đá... ngày càng nhiều. Số lượng ma túy tăng lên, giá cả thị trường giảm xuống, khiến cho các đầu nậu sẵn sàng thu mua, vận chuyển, cung ứng với số lượng lớn.
Trong khi đó, trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu việc làm, không có thu nhập ổn định nên họ rất dễ bị mua chuộc, tham gia tiếp tay cho các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Riêng ở khu vực biên giới nước ta, nhiều đối tượng đã móc nối với các đối tượng người Lào, Trung Quốc vận chuyển ma túy từ các tỉnh Bắc Lào về các bản, huyện giáp biên giới Việt Nam - Lào, sau đó thuê người vận chuyển qua biên giới, cửa khẩu vào Việt Nam và đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Quá trình xác minh, điều tra, trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, lực lượng BĐBP Việt Nam chỉ rõ phương thức, thủ đoạn, hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, nguy hiểm, manh động. Các đường dây tội phạm được tổ chức rất chuyên nghiệp, địa bàn rộng, đối tượng mang nhiều quốc tịch khác nhau. Chúng sử dụng nhiều phương thức mới, tinh vi để qua mặt các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới như kí gửi hàng hóa, đóng vào các thùng container hàng hóa...
Điều đặc biệt, gần như trong quá trình triệt phá các chuyên án, vụ án, lực lượng làm nhiệm vụ của BĐBP đều phải đấu tranh với những tên tội phạm được trang bị vũ khí nóng như dao, súng, lựu đạn. Chúng sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng để thoát thân và cướp lại hàng hóa.
Cuộc chiến ngày càng khốc liệt
Từ thực tế tình hình, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị BĐBP trên toàn tuyến biên giới phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cùng đứng chân trên địa bàn đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các đường dây, tổ chức buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Chỉ tính những tháng cuối năm 2018 và quý 1 năm 2019, các đơn vị trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào đã bắt giữ 501 vụ/670 đối tượng, thu giữ 1.492kg ma túy các loại, 35 khẩu súng, 3 quả lựu đạn.
So với kết quả đấu tranh chống tội phạm ma túy của toàn lực lượng BĐBP, tuyến biên giới Việt Nam - Lào chiếm 41,78% số vụ, 42,27% số đối tượng và 80,03% tang vật ma túy. Riêng BĐBP các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã xác lập 37 chuyên án, bắt 159 vụ/196 đối tượng, thu giữ 547kg ma túy.
Điển hình: Ngày 17-2-2019, lực lượng BĐBP Hà Tĩnh; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an; Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an; Công an tỉnh Hà Tĩnh; Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp phá thành công Chuyên án 218LP, bắt giữ 1 đối tượng, thu giữ 294kg ma túy tổng hợp. Tiếp đó, ngày 6-3-2019, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP và BĐBP Hà Tĩnh đã phối hợp với Cục Cảnh sát chống ma túy, Bộ An ninh Lào phá thành công Chuyên án 015 Av, bắt giữ 2 đối tượng, thu 600.000 viên ma túy tổng hợp, 36 bánh heroin và 1 xe ô tô...
Với quyết tâm ngăn chặn ma túy qua biên giới, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng cũng không tránh khỏi những hy sinh, đổ máu khi đối đầu với loại tội phạm nguy hiểm này. Cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, đã có 3 cán bộ Biên phòng bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ.
Ngày 16-4-2019, phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến biển miền Trung được tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP nhấn mạnh: “Tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biển miền Trung sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp. Trong thời gian qua, công tác đấu tranh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, nhìn chung chưa đáp ứng được với tình hình thực tế đang diễn ra ở các địa bàn.
Thực hiện đợt cao điểm, các đơn vị triển khai nghiêm túc các chỉ thị, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP. Trên cơ sở các kế hoạch của Bộ Tư lệnh BĐBP, các đơn vị bám sát thực tế địa bàn xây dựng kế hoạch riêng, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, giao chỉ tiêu để đạt được kết quả cao nhất. Công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm phải được triển khai trên tinh thần "quyết tâm cao, nghiệp vụ giỏi, bàn tay sạch". Cùng với đó, phải chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát nội bộ, phải có chính sách cho lực lượng làm nhiệm vụ”.
Viết Lam