Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 07:20 GMT+7

Quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả

Biên phòng - Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 1-11.

ew3q7a6ful-6546_f_jnynyz2g1_TT
Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Văn Bình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chắc chắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, chúng ta sẽ tận dụng tốt các cơ hội, luôn chung sức, đồng lòng, kiên định niềm tin vào lý tưởng và mục tiêu về một nước Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Để hoàn thành mục tiêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh....

“Tập trung kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống. Quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, bảo đảm cơ cấu chi ngân sách Nhà nước hợp lý hơn, giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống mức 3,5% GDP vào năm 2020. Bảo đảm trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong mức Quốc hội quy định. Ưu tiên phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế, đầu tư phát triển giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng. Tăng cường quốc phòng-an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước...” - Thủ tướng khẳng định.

Sau bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn về những vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Những chất vấn khác của các đại biểu sẽ được Thủ tướng trả lời bằng văn bản và gửi đến từng đại biểu.

Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) về vấn đề nợ xây dựng cơ bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta còn nợ nhiều trong xây dựng cơ bản. Ví von “cháo nóng húp quanh mà nợ trả dần”, Thủ tướng cho rằng, để thực hiện Luật Chính sách nhà nước và Luật Đầu tư công, trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đã bố trí hơn 9.000 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng ở các bộ, ngành Trung ương theo đúng quy định của pháp luật (chốt đến 31-12-2014). Chính phủ cũng như các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 26 của Quốc hội, trên nguyên tắc sử dụng quỹ dự phòng chung cho đầu tư trung hạn để giải quyết một số vấn đề về thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản đang nợ nần.

Về động lực tăng trưởng 2019-2020 của nước ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trong ngắn hạn, tiếp tục dựa vào những động lực tăng trưởng hiện có từ góc độ “tổng cầu” là tiêu dùng của hộ gia đình (đóng góp gần ¾ tăng trưởng GDP), đầu tư của khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài; từ phía “cung” là 3 khu vực kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ) của khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước.

Trong trung hạn, chúng ta cần tìm ra động lực mới để tăng trưởng nhanh và bền vững, từ việc phát triển doanh nghiệp tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hóa, nuôi dưỡng sức “cầu” nội địa bằng cách không ngừng nâng cao thu nhập của người dân; phát huy các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết; phát triển đô thị thành đầu tàu tăng trưởng, khoa học-công nghệ trở thành động lực then chốt; đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Giải pháp căn cơ, theo Thủ tướng, là cải cách, đổi mới, hoàn thiện thể chế pháp luật và quản trị quốc gia.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các giải pháp trước tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo tích cực, có chương trình hành động cụ thể, trước hết là chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi; đã bố trí nguồn lực hơn 12.000 tỷ đồng cho các chương trình, dự án; thành lập Thường trực Ban chỉ đạo chuyên theo dõi về vấn đề biến đổi khí hậu ở khu vực này. Nhiều tỉnh đã chủ động kêu gọi đầu tư xã hội hóa nguồn lực, hợp tác đầu tư... Tuy nhiên, tác động của thiên tai, của biến đổi khí hậu là rất lớn, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, quan tâm mạnh mẽ hơn, nhất là những hạ tầng ưu tiên vào những vấn đề có liên quan để phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

Viết Hà

Bình luận

ZALO