Biên phòng - Quản lý địa bàn có lượng tàu cá lớn nhất thành phố (TP) Đà Nẵng và âu thuyền lớn nhất miền Trung, Đồn Biên phòng Sơn Trà phải đối diện với những thách thức không nhỏ trong quản lý cũng như tuyên truyền, vận động ngư dân phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Thời gian qua, với nhiều cách làm sáng tạo, Đồn Biên phòng Sơn Trà đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn và tiến tới chấm dứt việc khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Tăng cường giám sát
Đồn Biên phòng Sơn Trà quản lý 4 phường ven biển của quận Sơn Trà, gồm: Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông và Phước Mỹ. Quận Sơn Trà cũng là địa phương có lượng tàu cá lớn nhất thành phố, với 432 tàu đánh bắt vùng khơi và 233 tàu đánh bắt vùng lộng. Đến nay, 100% các tàu này đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. TP Đà Nẵng là một trong những địa phương không có tàu cá nào vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, không ít các phương tiện ngoại tỉnh ra, vào âu thuyền, cảng cá Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) vi phạm lỗi: Không nộp nhật ký khai thác hải sản; không duy trì thiết bị giám sát hành trình; vi phạm các quy định về đăng ký, đăng kiểm và giấy phép khai thác thủy sản.
Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá (gọi tắt là Văn phòng IUU) tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang làm việc 24/24 giờ nhằm kiểm soát tàu cá cập và rời cảng; giám sát việc bốc dỡ thủy sản qua cảng; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, lập danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp. Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng cử 20 cán bộ luân phiên tham gia trực và Thượng tá Lê Văn Tùng, Phó Tham mưu trưởng BĐBP TP Đà Nẵng là Phó Trưởng văn phòng. Đồn Biên phòng Sơn Trà (Tổ công tác Biên phòng cảng cá Thọ Quang là nòng cốt) phối hợp với Ban quản lý âu thuyền, Thanh tra-pháp chế Chi cục Thủy sản Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra các phương tiện neo đậu trong âu thuyền, lập và chuyển danh sách tàu vi phạm cho Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang để không làm thủ tục xuất bến cho đến khi khắc phục được lỗi vi phạm.
Để chủ động công tác phòng ngừa từ xa, Đồn Biên phòng Sơn Trà đã tăng cường công tác nắm thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành đánh giá tình hình về chủ tàu, thuyền trưởng, đối tượng nghi vấn liên quan đến việc đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép hải sản ở vùng biển nước ngoài và các đối tượng được nước ngoài trả về do khai thác hải sản trái phép để có những biện pháp xử lý phù hợp...
Mặc dù TP Đà Nẵng là địa phương không có tàu cá đánh bắt, xâm phạm vùng biển nước ngoài, tuy nhiên, địa phương vẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp các thông tin cho chủ tàu, ngư dân, đặc biệt là về hậu quả nếu cố tình khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với Ban quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang tuyên truyền kết hợp với tặng ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc cho ngư dân và yêu cầu ngư dân ký cam kết thực hiện việc khai thác thủy sản đúng pháp luật.
Xử lý nghiêm phương tiện vi phạm
Hàng năm, thực hiện kế hoạch của Bộ Chỉ huy BĐBP TP, Đồn Biên phòng Sơn Trà xây dựng và triển khai các đợt cao điểm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Chỉ tính riêng tháng 9/2022, Văn phòng IUU, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng đã lập biên bản xử phạt gần 100 trường hợp vi phạm các lỗi không duy trì thiết bị giám sát hành trình, khai thác sai vùng… Đối với các phương tiện này, Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang không đóng dấu xuất bến, đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá xuất, nhập bến đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Điển hình, vào lúc 1 giờ 30 phút, ngày 16/9, ông Phạm Quý Diệu (sinh năm 1988, trú tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển phương tiện QNg 94745 TS xuất phát từ âu thuyền Thọ Quang qua Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang nhưng không trình báo theo quy định. Bị cán bộ của trạm phát hiện và ra hiệu dừng tàu, nhưng ông Diệu không chấp hành và điều khiển tàu bỏ chạy. Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang đã dùng ca nô truy đuổi, buộc ông Diệu phải đưa tàu quay lại trạm làm việc.
Trước đó, ngày 7/9, qua kiểm tra, Văn phòng IUU tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang phát hiện tàu QNg 94745 TS vi phạm lỗi không duy trì thường xuyên thiết bị giám sát hành trình. Văn phòng đã gửi giấy mời tới ông Phạm Quý Diệu lên làm việc, nhưng ông Diệu không chấp hành và lợi dụng đêm tối để đưa tàu ra khơi mà không trình báo Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang.
Căn cứ vào hành vi của ông Phạm Quý Diệu đã vi phạm Khoản 5, Điều 8 Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Đồn Biên phòng Sơn Trà ra quyết định xử phạt chủ phương tiện QNg 94745 TS 5 triệu đồng, đồng thời, buộc tàu phải quay lại âu thuyền Thọ Quang, chỉ làm thủ tục xuất bến sau khi đã giải quyết vi phạm trước đó.
Theo Thiếu tá Đồng Thanh Dương, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Trà, thời gian qua, đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp chống IUU. Việc kiểm tra, kiểm soát đăng ký, kiểm chứng người, phương tiện hoạt động nghề cá được thực hiện theo đúng Quy định số 3256/QĐ-BĐBP ngày 8/8/2022 của BĐBP về phạm vi, nhiệm vụ và nghiệp vụ kiểm soát Biên phòng của trạm kiểm sát Biên phòng tuyến biển, đảo. Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang tuyệt đối không giải quyết cho xuất bến đi biển đối với các phương tiện chưa được Ban quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang chứng thực rời cảng vào sổ danh bạ thuyền viên. Việc phát hiện, tham mưu cho địa phương kịp thời xử lý tàu cá vi phạm giúp răn đe, ngăn chặn các tàu cá có ý định vi phạm hoặc thực hiện chưa nghiêm…
Trúc Hà