Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 10:12 GMT+7

Quyết liệt đấu tranh với thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người

Biên phòng - Thời gian vừa qua, chiêu thức “việc nhẹ, lương cao” đã len lỏi đến các bản làng khu vực biên giới tỉnh Gia Lai và không ít người đã vỡ mộng ở xứ người. Sự quyết liệt của lực lượng BĐBP, chính quyền địa phương trong đấu tranh với tội phạm mua bán người đã trở thành chỗ dựa cho đồng bào các dân tộc trong việc phòng ngừa loại tội phạm hoạt động tinh vi này.

Anh Puih Đại (thứ 3 từ phải sang) được đoàn tụ cùng gia đình sau khi được BĐBP giải cứu. Ảnh: Thái Kim Nga

Tiềm ẩn những nguy cơ

Khu vực biên giới tỉnh Gia Lai có 48 thôn, làng thuộc 7 xã của 3 huyện biên giới là Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai. Thành phần dân tộc thiểu số chiếm tới 65,94%. Thời gian qua, các đối tượng xấu triệt để lợi dụng một bộ phận người dân đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc lậu, để lôi kéo, tham gia vào các hoạt động phạm pháp.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, ít hiểu biết về pháp luật và nhu cầu tìm việc làm của một bộ phân dân cư trên biên giới, nhất là thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số, thông qua các mạng xã hội, các đối tượng đăng bài tuyển dụng lao động để lừa đảo, lôi kéo người dân trên địa bàn biên giới đi làm việc ở ngoại tỉnh với mức lương cao với mục đích đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia nhằm cưỡng bức, bóc lột sức lao động rồi đòi tiền chuộc.

Ngày 23/6/2022, Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai nhận được đơn trình báo của chị Puih Niêng (sinh năm 1992, trú tại làng Kloong, xã Ia O) về việc em trai mình là Puih Đại cùng 6 người bạn của Đại bị lừa sang Campuchia làm việc nhưng có dấu hiệu bị bóc lột sức lao động. Sau khi xác minh, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai nhận định, đây là hành vi mua bán người với thủ đoạn lừa người đi lao động nước ngoài và đã xác lập Chuyên án GL622.

Sau một thời gian khẩn trương điều tra, Ban Chuyên án đã bắt được đối tượng chính là Trần Quang Quyết (sinh năm 2001, trú tại huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum). Điều đáng nói là Trần Quang Quyết từng 2 lần là “nạn nhân” của chiêu thức “việc nhẹ, lương cao” vào tháng 11/2021 và tháng 4/2022. Để thoát khỏi bọn buôn người, gia đình Quyết phải mất tiền “chuộc” 170 triệu đồng.

Quyết khai, khi được tha về nước, người phụ trách nhân sự ở casino bên Campuchia hứa: “Nếu tuyển được lao động thì sẽ trả công 700USD/người”. Hơn ai hết, Quyết hiểu được đây chỉ là “cái bẫy” của bọn buôn người, nhưng sau khi trở về Việt Nam, Quyết tích cực sử dụng mạng xã hội Facbook để tuyển mộ người lao động. Và 7 thanh niên làng Kloong đã bị Quyết lừa bán sang Campuchia để nhận tiền công 128 triệu đồng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP, BĐBP Gia Lai đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng chức năng của Campuchia giải cứu thành công 7 thanh niên ở làng Kloong, đưa họ về đoàn tụ cùng gia đình sau 10 ngày bị lừa bán.

Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn

Tại hội nghị rút kinh nghiệm Chuyên án GL622 được Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua, nhiều ý kiến tham luận đã được đưa ra nhằm làm rõ các phương thức, thủ đoạn, đồng thời đề ra các giải pháp đối với tội phạm mua bán người.

Đại tá Trần Thanh Bình, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai cho biết: Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tìm việc làm của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới tỉnh tăng cao. Nắm được điều này, các đối tượng xấu đã lợi dụng để lừa bán nạn nhân vào các casino bên kia biên giới, rồi bóc lột sức lao động, tạo cớ vi phạm để đòi tiền chuộc. Vụ việc 7 thanh niên ở làng Kloong nếu BĐBP không kịp thời phát hiện để xử lý nhanh chóng, dứt điểm thì sẽ tiếp tục xảy ra các vụ việc dụ dỗ, lừa gạt đưa người sang Campuchia nên chúng tôi hạ quyết tâm cao nhất, phá án trong thời gian sớm nhất. Trong những ngày lực lượng chức năng giải cứu các nạn nhân, người nhà họ thường xuyên đến Đồn Biên phòng Ia O túc trực, điều đó thể hiện người dân đặt hết kỳ vọng vào BĐBP. Thành công của chuyên án góp phần củng cố thêm niềm tin yêu của nhân dân đối với BĐBP.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP cho rằng, Chuyên án GL622 đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban Chuyên án cùng các lực lượng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Các tuyến biên giới hiện nay nổi lên một số vấn đề về tội phạm mua bán người, đó là đối tượng rất đa dạng (trong nước, nước ngoài, cả nam, nữ, từ nạn nhân thành tội phạm); nạn nhân (trong độ tuổi lao động, sơ sinh), phương thức, thủ đoạn là lừa gạt với hình thức “việc nhẹ, lương cao”, cho nhận con nuôi, môi giới lao động... Trong khi đó, trình độ dân trí hạn chế, nhu cầu tìm việc làm cao nên người dân rất dễ mắc lừa. Bởi vậy, các đơn vị cần tập trung hơn nữa việc phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để tuyên truyền cho người dân cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm, tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình.

Đồng chí Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đề nghị, trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai cần tiếp tục theo dõi, kiến nghị với Thường trực Tỉnh ủy để xử lý nghiêm những vụ án lừa đảo, mua bán người; tiếp tục xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; thực hiện tốt Luật Phòng, chống mua bán người. Thành công của chuyên án GL622 đã thể hiện rõ hiệu quả của công tác đối ngoại Biên phòng không chỉ trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, mà còn đối với công tác phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là trong phối hợp giải cứu các nạn nhân.

Trúc Hà - Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO