Biên phòng - Những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn là một trong những địa bàn “nóng” của hoạt động mua bán người trên tuyến biên giới phía Bắc, tính chất và thủ đoạn của loại tội phạm này ngày một tinh vi, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Trước thực trạng trên, BĐBP Hà Giang đã quyết liệt vào cuộc, bóc gỡ nhiều đường dây, giải cứu các nạn nhân trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm
Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các đối tượng ở hai bên biên giới thường xuyên câu kết hình thành các đường dây mua bán người với phương thức trao đổi qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… Nạn nhân mà các đối tượng hướng tới chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số, có độ tuổi từ 16 đến 30, trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Các đối tượng vẽ ra các khung cảnh đầy ảo mộng về một cuộc sống giàu sang, hứa hẹn đưa nạn nhân sang Trung Quốc làm việc với thu nhập cao hoặc lấy chồng giàu có… nhưng thực chất là lừa gạt các nạn nhân để bán kiếm lời.
Là một trong những nạn nhân được BĐBP Hà Giang giải cứu vào cuối tháng 7/2022, chị Vàng Thị Ch (sinh năm 1987, trú tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) kể lại: “Được người quen giới thiệu sang Trung Quốc làm việc với thu nhập cao, tôi tưởng rằng sẽ “đổi đời”, nhưng khi vừa đặt chân qua biên giới, tôi đã bị bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc”. Qua tìm hiểu vụ việc trên được biết, “người quen” của chị Ch cũng chỉ quen qua mạng xã hội Facebook, đây chính là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự và là một trong những đối tượng cầm đầu trong đường dây mua bán người sau đó bị BĐBP Hà Giang bắt giữ.
Tương tự trường hợp chị Ch, chị Sùng Thị X (sinh năm 2002, dân tộc Mông, cũng trú tại huyện Đồng Văn) nhớ lại, vào khoảng tháng 3/2020, cũng vì nhẹ dạ, cả tin mà chị X bị kẻ xấu rủ sang Trung Quốc với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”. Khi sang đến nơi, chị X mới biết mình bị bán cho người khác làm vợ. Hơn 1 năm sau, chị X quyết định bỏ trốn về Việt Nam và trình báo sự việc với Đồn Biên phòng Xín Cái để được hỗ trợ giải quyết.
Vàng Thị Ch và Sùng Thị X chỉ là hai trong số các nạn nhân bị các đối tượng mua bán người dụ dỗ để lừa bán sang Trung Quốc, sau đó, bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Trên thực tế, nhiều nạn nhân đã bị lừa bán sang các nước láng giềng mà không hề hay biết, đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, BĐBP Hà Giang đã phát hiện, ghi nhận 10 vụ việc liên quan đến hoạt động của tội mua bán người; xác lập và đấu tranh thành công 6 chuyên án, bắt giữ 11 đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu 7 phụ nữ; đồng thời, tiếp nhận 3 phụ nữ do lực lượng chức năng của Trung Quốc giải cứu, trao trả.
Huy động sức mạnh tổng hợp
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để lần ra manh mối các đường dây mua bán người, các trinh sát viên phải tổ chức truy xét thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, rất ít đối tượng mua bán người bị bắt quả tang. Bởi nhiều vụ việc, hành vi được các đối tượng thực hiện ở nước ngoài hoặc sử dụng sim “rác” để điều hành đường dây mua bán người; lợi dụng các trang mạng xã hội để trao đổi thông tin gây nhiều khó khăn cho lực lượng điều tra.
Ngoài ra, có một số vụ án, khi đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội nhưng do chưa giải cứu được nạn nhân nên chưa đủ căn cứ để khởi tố điều tra; một số nạn nhân sau khi được giải cứu, hồi hương, do mặc cảm nên họ không trình báo, tố giác. Chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phối hợp điều tra và đây cũng là kẽ hở để tội phạm mua bán người tiếp tục ẩn mình hoạt động.
Từ thực tế trên cho thấy, việc điều tra, làm rõ các đường dây mua bán người phải tốn rất nhiều thời gian. Trong khi đó, hoạt động của loại tội phạm này tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, đặc biệt là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người với nội dung phù hợp, sát với tình hình thực tế của từng địa bàn dân cư.
Đại tá Hoàng Anh Đức, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Giang cho biết, để công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, cửa khẩu; chủ động bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân cũng như nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Đặc biệt, chú trọng phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin với các cấp, các ngành; tổ chức rà soát, xử lý kịp thời các đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc đối tượng có liên quan đến hoạt động mua bán người, từ đó, có phương án, biện pháp xử lý triệt để.
Bên cạnh đó, BĐBP Hà Giang cũng phối hợp với các cơ sở giáo dục tại địa phương trang bị cho người dân những kiến thức nền tảng để bảo vệ bản thân và gia đình trước nạn mua bán người. Đồng thời, vận động người dân ký cam kết không xuất nhập cảnh trái phép, tích cực cùng chính quyền địa phương tham gia tố giác tội phạm. Khi phát hiện các dấu hiệu về hoạt động mua bán người hoặc nghi vấn lừa đảo sang Trung Quốc để làm việc, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định.
Xuân Minh