Biên phòng - Nhiệm vụ của nhà nước là những công việc đặt ra đòi hỏi nhà nước phải giải quyết theo những mục tiêu đã định sẵn1. Căn cứ nội dung, tính chất của việc thực hiện công việc, nhiệm vụ của nhà nước bao gồm nhiệm vụ trước mắt, nhiệm vụ lâu dài, nhiệm vụ cơ bản, nhiệm vụ chiến lược, do nhà nước thực hiện với các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong từng thời kỳ. Chất lượng, sự dồi dào của nguồn lực và việc đầu tư, khai thác, quản lý, sử dụng chặt chẽ, hợp lý các nguồn lực có vai trò quyết định đến sự thành công của việc thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành các mục tiêu mà nhà nước đề ra.
Trong tổng thể các nhiệm vụ của Nhà nước ta, nhiệm vụ biên phòng là nhiệm vụ mang tính chất cơ bản, chiến lược, lâu dài, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Để nhiệm vụ này được triển khai có hiệu quả trên thực tế, Nhà nước phải tổ chức huy động, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính vào việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Với tư cách là đạo luật đầu tiên quy định một cách có hệ thống về nhiệm vụ biên phòng, nguyên tắc, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng..., Luật Biên phòng Việt Nam còn quy định về bảo đảm nguồn lực tài chính cho việc thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Cụ thể:
“Điều 26. Bảo đảm nguồn lực tài chính
Nhà nước bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; huy động các nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ biên phòng; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình biên giới, cửa khẩu và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng”.
Tài chính là phạm trù kinh tế, ra đời và phát triển gắn liền với sự ra đời, phát triển của nền kinh tế hàng hóa - tiền tệ, của nền văn minh nhân loại qua các thời kỳ và luôn khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia với bất kỳ chế độ chính trị nào. Xét về bản chất, “tài chính phản ánh hệ thống các mối quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình phân phối các nguồn tài chính thông qua việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các chủ thể trong xã hội”2.
Ở Việt Nam, cơ cấu hệ thống tài chính trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bao gồm các bộ phận cấu thành là tài chính công, tài chính doanh nghiệp, tài chính dân cư và các tổ chức xã hội. Trong đó, “tài chính công là các hoạt động thu và chi bằng tiền của Nhà nước, phản ánh hệ thống các quan hệ kinh tế dưới hình thái giá trị trong quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ của Nhà nước nhằm phục vụ cho việc thực hiện các chức năng vốn có của Nhà nước đối với xã hội”3 .
Bộ phận quan trọng nhất của tài chính công là ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương, được thu và chi theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, mà việc chi cho quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội là một trong những nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các cơ quan, đơn vị ở địa phương theo phân cấp. Vì vậy, Luật Biên phòng Việt Nam trước hết quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc “bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”.
Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước4.
Nhiệm vụ biên phòng luôn là nhiệm vụ cơ bản của Nhà nước trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào nên việc thực hiện nhiệm vụ này trước hết phải được bảo đảm bởi các nguồn lực công, trong đó có tài chính công với bộ phận quan trọng nhất là ngân sách nhà nước. Thực hiện chính sách “Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế”5 , Nhà nước đảm nhiệm vai trò làm “nhạc trưởng” huy động các nguồn lực tài chính khác (tài chính doanh nghiệp, tài chính dân cư, tài chính các tổ chức xã hội) để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Từ các nguồn lực tài chính được huy động, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất (trụ sở, công trình biên giới, cửa khẩu, phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, các loại thiết bị, máy móc, công cụ hỗ trợ, vũ khí, khí tài...) cho việc thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Trong đó, “xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình biên giới, cửa khẩu và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng” cần được ưu tiên để nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ biên phòng. Quy định này phù hợp với mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia mà Nghị quyết số 33-NQ/CP ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định, đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ với chính sách của Nhà nước về biên phòng.
Quy định về bảo đảm nguồn lực tài chính tại Điều 21, Luật Biên phòng Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với việc bảo đảm các điều kiện cần thiết cho thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Với quan điểm “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”6 trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, để các quy định của Luật Biên phòng Việt Nam nói chung, quy định về bảo đảm nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ biên phòng nói riêng nhanh chóng đi vào cuộc sống, cần tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Biên phòng Việt Nam, trong đó có quy định về bảo đảm nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ biên phòng, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm mọi tổ chức và công dân đối với việc xây dựng, phát huy vai trò của các nguồn lực tài chính cho việc thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Tiến sĩ Trần Minh Nguyệt, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, 2019, tr.74.
- Học viện Hành chính, Tài liệu đào tạo tiền công vụ - Tập 4. Quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, tr.110.
- Học viện Hành chính, Tài liệu đào tạo tiền công vụ - Tập 4. Quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, tr.112.
- Khoản 14, Điều 4, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2020).
- Khoản 7, Điều 3, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020.
- Nghị quyết số 33-NQ/CP ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.