Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 01:43 GMT+7

Quy định rõ vai trò chủ trì của BĐBP

Biên phòng - Ngày 21-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Dự luật được đông đảo cử tri cả nước quan tâm vì vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của biên giới quốc gia và công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”... Đặc biệt, “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” đã xác định rõ nhiệm vụ Biên phòng, đồng thời yêu cầu: “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện”.

Rõ ràng, Luật Biên phòng Việt Nam ra đời sẽ cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu. Bên cạnh đó, phát huy được nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương và xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng biên giới quốc gia, KVBG vững mạnh.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm là BĐBP chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Việt Nam có biên giới trên đất liền dài hơn 5.000km, tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia và đường bờ biển dài 3.260km, không kể các quần đảo, đảo. Trong từng thời kỳ cách mạng của đất nước, tình hình trên các tuyến biên giới, vùng biển luôn đặt ra những vấn đề cấp thiết liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự ở KVBG, cửa khẩu.

Công tác duy trì an ninh trật tự ở KVBG có nhiều lực lượng tham gia và liên quan đến lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng. Thế nên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nhất thiết phải có một lực lượng chủ trì để huy động các lực lượng tham gia một cách hiệu quả. Việc xác định BĐBP giữ vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu là thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành và hoàn toàn không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác.

Nhiều đại biểu khẳng định, đây không phải là vấn đề mới mà chỉ là thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và kế thừa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, các nghị định, hiệp định, quy chế về quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu...

Thực tiễn, qua hơn 61 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, BĐBP luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng ở KVBG, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Cử tri tin tưởng rằng, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam, góp phần tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới và xây dựng KVBG ngày càng vững mạnh.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO