Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 09:33 GMT+7

Quốc tế với những bước tiến mới trong vấn đề Biển Đông

Biên phòng - Tăng cường hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, đề cao ý thức trách nhiệm, ứng xử chuẩn mực, tôn trọng luật pháp quốc tế là lập trường xuyên suốt nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển tại Biển Đông nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Trong đó, cộng đồng quốc tế đề cao vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như các cơ chế do ASEAN chủ trì.

Đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 34 theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Triển vọng mới

Mới đây, tại Đối thoại ASEAN - Mỹ thường niên lần thứ 34 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Atul Keshap nhấn mạnh rằng, chính quyền mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN. Đặc biệt, Mỹ đề cao và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Cũng theo ông Atul Keshap, trước những thách thức hiện hữu tại khu vực, quan hệ hợp tác Mỹ - ASEAN sẽ cần phải được tăng cường, bởi đây là giải pháp hữu hiệu.

Về phần mình, các quốc gia thành viên ASEAN thể hiện tinh thần đoàn kết và ý chí chung khi đánh giá cao vai trò của Mỹ trong nỗ lực đóng góp cho sự phát triển, hòa bình và ổn định tại khu vực. Trong đó, ASEAN hoan nghênh khoản tài trợ 112 triệu USD của Mỹ hỗ trợ các nước ASEAN ứng phó với đại dịch toàn cầu Covid-19. Bên cạnh việc nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đáng chú ý trong chương trình Đối thoại lần này, ASEAN và Mỹ đã khẳng định sự phối hợp chặt chẽ trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực, nhất là an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Theo truyền thông quốc tế, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra chiến lược ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông. Đặc biệt là hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, trong nỗ lực ứng phó với các thách thức đe dọa ổn định và phát triển ở khu vực, ASEAN và Mỹ cần tăng cường phối hợp bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng tại khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN chủ trì, thúc đẩy trật tự khu vực dựa trên luật lệ, đề cao luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông, việc Mỹ tiếp tục đóng vai trò xây dựng, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN cũng sẽ là một trong những triển vọng trong việc xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

“Bước ngoặt”

Cuối tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra những chiến lược mới về vấn đề Biển Đông. Giới chuyên gia quốc tế đánh giá rằng, những chiến lược mới của EU mang tính “bước ngoặt” lớn với khu vực này. Bởi lẽ, Biển Đông vốn là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới nên cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn, diễn biến phức tạp, đáng quan ngại. Gìn giữ hòa bình, ổn định làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển và thịnh vượng chung cũng vì lẽ đó mà mang tầm quan trọng rất lớn đối với Khối.

Theo Tuyên bố chung của 27 quốc gia thành viên EU gửi Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) vào ngày 24-4, EU kêu gọi các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và ngoại giao phù hợp với UNCLOS. Đồng thời tái khẳng định sự phản đối đối với bất kỳ hành động đơn phương có thể làm suy yếu hòa bình khu vực và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.

Đáng chú ý, EU ủng hộ tiến trình do ASEAN dẫn dắt nhằm hướng tới việc đưa ra Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý, không làm phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba.

Đảo Tốc Tan, quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trước đó, EU đã thông qua dự thảo “Chiến lược của EU về hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” vào ngày 19-4. Bản dự thảo nhấn mạnh mục tiêu hướng đến đảm bảo tuyến đường thương mại biển tự do và rộng mở theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, vì lợi ích của tất cả các bên.

Theo các học giả nghiên cứu về Biển Đông, các động thái mới của EU xuất phát từ mục tiêu đạt bước chuyển trong việc thống nhất lập trường nội khối về việc ra đời một chính sách riêng cho khu vực. Trong đó đã thể hiện nhận thức chung của Khối về tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cam kết củng cố vai trò của mình trong hợp tác với các đối tác tại khu vực. Mặt khác, các động thái của EU vừa qua cũng được xem là một bước tiến mới sau khi các quốc gia thành viên dẫn đầu Khối là Pháp, Đức và Hà Lan công bố chiến lược với khu vực này trong năm ngoái; kế hoạch tương tự của Anh được đưa ra vào tháng 3 năm nay và lời hối thúc của Mỹ đối với các đồng minh trong việc tăng cường sự quan tâm đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng, EU đang nỗ lực củng cố tầm ảnh hưởng một cách toàn diện hơn thông qua nỗ lực phát triển quan hệ đối tác trong khu vực. Cùng với đó, bản dự thảo của EU cũng cho thấy những triển vọng về hoạt động hợp tác cụ thể và thực chất về an ninh biển tại khu vực.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức hiện nay, giới chuyên gia đánh giá, những chiến lược mới của EU và Mỹ trong thời gian gần đây được kỳ vọng sẽ mang tới những triển vọng tốt đẹp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề Biển Đông nói riêng và của toàn khu vực nói chung. Trong đó, các quốc gia cần tăng cường hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, đề cao ý thức trách nhiệm, ứng xử chuẩn mực, tôn trọng lẫn nhau nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO