Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 01:13 GMT+7

Quốc tế tái khẳng định lập trường thượng tôn pháp luật

Biên phòng - Trong tháng qua, liên tiếp nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đưa ra các tuyên bố khẳng định lập trường cần phải thượng tôn luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Những tuyên bố này được giới chuyên gia quốc tế khẳng định là một chiến thắng mới của luật pháp quốc tế trong sự phát triển cách tiếp cận vấn đề Biển Đông.

Đảo Đá Lát (huyện đảo Trường Sa) của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Phải thượng tôn luật pháp quốc tế

Mỹ và Australia đã đưa ra tuyên bố chung hôm 28-7, trong đó, bày tỏ quan ngại về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuyên bố chung nhấn mạnh, tất cả các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông phải được đưa ra và giải quyết theo luật pháp quốc tế, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền khai thác hợp pháp các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngoài khơi.

Đặc biệt, Tuyên bố chung này hoan nghênh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) khi khẳng định Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời nhấn mạnh rằng, bất cứ bộ quy tắc nào cũng không được làm phương hại đến quyền và lợi ích của các quốc gia theo luật pháp quốc tế hoặc làm suy yếu cấu trúc khu vực. Mỹ và Australia cùng khẳng định, các bên cần tăng cường cam kết không tham gia các hành động làm phức tạp và leo thang căng thẳng, đặc biệt là quân sự hóa ở Biển Đông.

Tại châu Á, chính quyền Brunei trước đó tái khẳng định, các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề Biển Đông cần dựa vào UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế. Tất cả các quốc gia liên quan cần thúc đẩy môi trường hòa bình và thuận lợi, xây dựng lòng tin và tăng cường niềm tin lẫn nhau trong khu vực. Ngoại trưởng Malaysia Hishamuddin Hussein cũng khẳng định rằng, mọi vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và căn cứ theo các nguyên tắc, luật pháp quốc tế được công nhận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi cũng cho rằng, tất cả các quốc gia đều phải có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng nêu rõ: “Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc thượng tôn pháp luật quốc tế, tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu nói trên”.

Trong tuần trước, Australia đã gửi Công hàm lên Liên hợp quốc khẳng định các cơ sở pháp lý quốc tế đối với chủ quyền của các quốc gia tại Biển Đông. Công hàm này đã thể hiện quan điểm mạnh mẽ của Australia về tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 phải là cơ sở giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Đồng thời, mọi hành động bất tuân luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 đều bị bác bỏ, không công nhận.

Theo Tiến sĩ Bec Strating, chuyên gia nghiên cứu tranh chấp hàng hải ở châu Á, quyền Giám đốc Trung tâm châu Á thuộc trường Đại học La Trobe (Australia) nhìn nhận, Công hàm của Australia không nghiêng về sự chỉ trích mà đề cao khía cạnh pháp lý thông qua việc viện dẫn các quy định của UNCLOS 1982. Tiến sĩ Bec Strating khẳng định, đây là một chiến thắng nhỏ của luật pháp quốc tế và thể hiện sự phát triển của cách tiếp cận vấn đề Biển Đông. Cách tiếp cận này không gây thêm bất ổn tại khu vực và củng cố luật pháp quốc tế.

Hòa bình, bình đẳng để phát triển bền vững

Mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nhấn mạnh, Ấn Độ giữ vững lập trường, quan điểm nhất quán rằng, Biển Đông là một phần của các lợi ích chung toàn cầu. Ấn Độ có lợi ích gắn chặt với hòa bình và ổn định trong khu vực này. Tuyên bố của Ấn Độ được đưa ra sau khi Australia khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ “rất mạnh mẽ” tự do hàng hải trên Biển Đông.

“Chúng tôi cương quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trên các tuyến đường thủy quốc tế này, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”, ông Anurag Srivastava tái khẳng định.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng nhấn mạnh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông là hy vọng của mọi quốc gia. Chính vì vậy, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 là mấu chốt để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình và ổn định, cần tất cả các bên phải duy trì.

Bộ Quốc phòng Philippines cũng mới đưa ra tuyên bố, nước này đồng thuận mạnh mẽ với quan điểm của cộng đồng quốc tế về việc cần phải có một trật tự dựa trên nền tảng luật lệ ở Biển Đông. Philippines cùng với các bên liên quan cũng có kế hoạch đẩy nhanh việc hoàn tất COC để giải quyết tranh chấp, ngăn chặn leo thang căng thẳng tại khu vực.

Quần đảo Long Châu của Việt Nam nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN

Người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định: “Trước sau như một, Nhật Bản ủng hộ tầm quan trọng của nguyên tắc thượng tôn pháp luật và sử dụng các biện pháp hòa bình thay cho vũ lực và cưỡng ép”.

Theo ông Micheal Shoebridge, Giám đốc chương trình Quốc phòng, Chiến lược và An ninh quốc gia thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia, quan điểm của Australia và Mỹ đã củng cố sức mạnh cho phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 và là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông. Điều này sẽ giúp kiềm chế các nước có tham vọng mở rộng chủ quyền thông qua các hoạt động quân sự hóa và cưỡng chế.

Mặt khác, Công hàm của Australia gửi Liên hợp quốc cũng như hàng loạt tuyên bố của các nước về vấn đề Biển Đông thời gian qua là tin vui không chỉ đối với các quốc gia quan tâm đến vấn đề Biển Đông, mà còn đối với luật pháp quốc tế, với tự do hàng hải.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO