Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:32 GMT+7

Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

Biên phòng - Ngày 25-7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ, QH thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ chủ trì thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Qua thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nhất là việc thực hiện mục tiêu “kép”, tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn của Đảng, QH, Chính phủ. Đặc biệt, các đại biểu đã tỏ lòng tri ân những hi sinh của các y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an, BĐBP không quản khó khăn, gian khổ phòng, chống dịch Covid-19 nơi tuyến đầu, với mục tiêu trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân…

Các đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dựa trên việc phân tích, đánh giá kỹ lưỡng những thành quả và hạn chế trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2021) và bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã mang lại kết quả tích cực. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm rất đáng ghi nhận, tăng trưởng GDP đạt 5,64%, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, an ninh thị trường tiền tệ, tín dụng được giữ vững...

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phân tích, thời gian qua, Chính phủ và nhiều địa phương đã linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa việc đứt gãy nền kinh tế, giảm khó khăn cho người dân. Chính phủ đã sớm chỉ đạo các địa phương có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm phòng, chống dịch nhưng không “ngăn sông cấm chợ”. Bên cạnh đó, thái độ dứt khoát cùng biện pháp mạnh trên cả nước đã khiến người dân không còn coi thường dịch bệnh, thực hiện khai báo đầy đủ…

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy thảo luận. Ảnh: CTV

“Sự chấp nhận gian khổ, hy sinh của lực lượng tuyến đầu, sự hy sinh, chia sẻ của các địa phương, các lực lượng Quân đội, Công an… đã hỗ trợ cho các tỉnh có dịch thêm sức mạnh để kiểm soát, chiến thắng dịch bệnh. Đồng thời, toàn hệ thống chính trị, toàn nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần đoàn kết chung tay đóng góp về vật chất, tinh thần giúp thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nam bộ ổn định cuộc sống, chiến thắng đại dịch” - Đại biểu Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, bởi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài. Các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có chiến lược lâu dài sống chung với dịch bệnh và có kịch bản cụ thể cho hoạt động của cơ quan Nhà nước; ban hành chính sách phù hợp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp để không đứt gãy chuỗi sản xuất...

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đưa ra các giải pháp, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần bảo đảm nguồn lực lâu dài, huy động nguồn đóng góp của doanh nghiệp, xã hội. Các cơ quan Nhà nước phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để phục vụ nguồn lực phòng, chống dịch. Hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vì một số văn bản, quy định trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã lạc hậu, rất cần thay đổi để phù hợp với thời điểm hiện tại…

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), từ cuối tháng 4 đến nay, người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, nên việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh là yếu tố quan trọng và là mục tiêu lớn trong thời gian tới. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có những biện pháp mạnh hơn nữa; việc QH giao cho Chính phủ được áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch cấp bách, chưa có tiền lệ là rất cần thiết, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới” - Đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Bên cạnh đề nghị Chính phủ có những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, nhiều đại biểu cũng đề nghị đầu tư phát triển miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân...

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Chính phủ quan tâm triển khai, bố trí đầy đủ vốn cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, dân chủ, công khai, minh bạch. Trong đó, tập trung cho các thôn bản khó khăn nhất, giải quyết được những vấn đề cấp bách cho người nghèo, nhóm dân tộc thiểu số khó khăn đặc thù.

Viết Hà

Bình luận

ZALO