Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 10:59 GMT+7

Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)

Biên phòng - Ngày 13-6, Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). “Nhân dân và cử tri đồng tình cao với quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc chống tham nhũng và mong muốn Đảng tiếp tục kiên quyết, kiên định tiêu diệt tham nhũng, xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản tham nhũng”. - Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho biết.

qv9pr3bg67-584_f_jicriz3a0_Nguyen_Bac_Viet
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt thảo luật dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: CTV

Về tên gọi, đại biểu đề nghị đổi tên thành Luật Phòng trừ tham nhũng. “Qua tiếp xúc cử tri, nhân dân cho rằng, đối tượng tham nhũng như sâu mọt phá hoại cầy trồng, đã là sâu mọt thì phải diệt, trừ để tránh đục khoét, phá hoại đất nước”.- Đại biểu Bắc Việt phân tích.

Đại biểu Trần Bắc Việt cho rằng, Trung ương đã có Quy định 124 về vai trò giám sát của các đoàn thể và nhân dân đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên trong hệ thống chính trị. Vì vậy, dự án Luật cần bổ sung một khoản vào Điều 5 quy định phòng chống tham nhũng là việc làm của toàn dân, của toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, cần có quy định khen thưởng xứng đáng với những người có thành tích trong chống tham nhũng. “Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước có danh hiệu chiến sĩ diệt Mỹ, này phải có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng”. - Đại biểu Bắc Việt đề nghị.

Đối với quy định xử lý 45% giá trị những tài sản không kê khai trung thực hoặc không chứng minh được nguồn gốc hợp lý, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, nên có một quy định về việc yêu cầu kê khai, công khai mức đóng thuế thu nhập cá nhân của quan chức.

“Tại sao chúng ta không có thêm quy định yêu cầu kê khai mức đóng thuế thu nhập cá nhân của tất cả các vị trí dễ có nguy cơ tham nhũng để người dân, các cơ quan chức năng có thể giám sát. Không có lý do gì mà một cán bộ chỉ đóng thuế thu nhập cá nhân vài triệu một năm, lại mua được nhà, mua được xe ô tô. Vì vậy, tôi rất mong muốn quản lý chặt vấn đề này”. - Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi.

Quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị, cần nghiên cứu kỹ, quy định chặt chẽ tránh tình trạng công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham nhũng. Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp ngoài có nhiều ý kiến, không đồng tình với việc một năm có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất.

Còn đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) không đồng tình về phạm vi điều chỉnh, vì phạm vi điều chỉnh như dự thảo là quá rộng. Trong khi nguồn lực đất nước đang hạn chế, không nên đặt ra mục tiêu phòng chống tham nhũng một cách tràn lan, cần phòng chống tham nhũng có trọng tâm, trọng điểm để đạt kết quả cao nhất.

“Đối với hành vi tham ô tài sản, hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ khu vực ngoài Nhà nước nếu đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự...”. - Đại biểu Phạm Hồng Phong nhấn mạnh.

Viết Hà

Bình luận

ZALO