Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Quốc hội quyết nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương

Biên phòng - Sáng 13-11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022; Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). QH cũng đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Ảnh: CTV

Tổng số thu ngân sách Nhà nước là 1.411.700 tỷ đồng

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 (Nghị quyết), QH quyết nghị, tổng số thu ngân sách Nhà nước là 1.411.700 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách Nhà nước là 1.784.600 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách Nhà nước là 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP), bao gồm: Bội chi ngân sách Trung ương là 347.900 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 25.000 tỷ đồng, tương đương 0,3% GDP. Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 572.686 tỷ đồng.

Đối với công tác phòng chống dịch, Nghị quyết nêu rõ, trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và năm 2022.

Cho phép chuyển nguồn 16.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 sang kế hoạch năm 2022 để phân bổ và giao kế hoạch đầu tư cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 6.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 6.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 4.000 tỷ đồng.

Chính phủ khẩn trương rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh cắt, giảm, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 giữa các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương điều chỉnh kế hoạch đầu tư công từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân cao, thúc đẩy tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp…

Đảo đảm nhu cầu sử dụng đất thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2030

Đối với Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), QH đưa ra mục tiêu, đảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%. Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Về định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2050, tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh, hoàn thành mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Không gian sử dụng đất được phân bổ dựa trên tiềm năng của các vùng sinh thái nông nghiệp, lợi thế hành lang kinh tế ven biển và 6 vùng kinh tế-xã hội, bảo đảm cân đối được yêu cầu an ninh lương thực, mục tiêu thiên niên kỷ về môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh; bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.

Viết Hà

Bình luận

ZALO