Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 02/12/2023 05:36 GMT+7

Quốc hội đồng thuận cao với dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Biên phòng - Chiều 22-5, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường thảo luận một số nội dung sửa đổi, bổ sung dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).

6yw7_a
Đại biểu QH Bùi Đức Hạnh phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Bình

Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 5, được chỉnh lý với 7 Chương, 41 Điều quy định về nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao đối với dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo đã được nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu QH, đoàn đại biểu QH, phản ánh đúng quan điểm sửa đổi luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đối với khoản 2, Điều 36 quy định Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, các bộ, ngành, chính quyền đại phương… bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới, Đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên Huế) cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với các chỉ thị của Đảng, pháp luật hiện hành quy định, phù hợp với thực tiển thực hiện nhiệm vụ của các lực lược thực thi trên biên giới.

“Trong văn bản hiện hành như Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Pháp lệnh BĐBP, cũng như Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đều quy định Bộ Quốc phòng, BĐBP, Cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt, chủ trì, chuyên trách phối hợp với các bộ, ngành, địa phương duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới, cửa khẩu, hải đảo và thềm lục địa. Vì vậy, đề nghị QH giữ nguyên khoản 2, Điều 36 của dự thảo Luật”. – Đại biểu Bùi Đức Hạnh nhấn mạnh.

Về quy định kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng (Điều 16) của dự thảo Luật, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, Quân đội làm kinh tế đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đại hội XII của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội. Đồng thời, thực hiện 3 chức năng chiến đấu, công tác và lao động sản xuất đã được ghi vào các văn kiện Đảng, Nhà nước và xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh là hiện thực hóa quy định “dựng nước phải đi đôi với giữ nước” của dân tộc, cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Các đoàn kinh tế quốc phòng đứng chân trên địa bàn biên giới, cán bộ, chiến sĩ sống cùng nhân dân, giúp dân xóa đói giảm nghèo, giúp các địa phương thực hiện phân giới cắm mốc, phối hợp với BĐBP bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh chính trị trên biên giới, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh và hoạt động đối ngoại là một trong những vấn đề có tính quy luật trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, khẳng định tính đúng đắn về lý luận, thực tiễn xuyên suốt của Đảng ta”. - Đại biểu Tô Ái Vang khẳng định.

Viết Hà

Bình luận

ZALO