Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

Quốc hội của đại đoàn kết toàn dân

Biên phòng - Quốc hội khóa I có nhiều điều đặc biệt. Đây là Quốc hội đầu tiên (1946) và kéo dài nhất (1946-1960) trong lịch sử các khóa Quốc hội của nước ta. Quốc hội khóa I thông qua 2 bản Hiến pháp và năm 1946 và năm 1959 và nổi bật lên trên hết, đây là Quốc hội của đại đoàn kết, toàn dân như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để sớm xác định tư cách pháp lý của Nhà nước Việt Nam trước thế giới và toàn dân tộc, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời vào ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ cách mạng lâm thời “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”.

Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh lấy ngày 23-12-1945 mở cuộc tổng tuyển cử trong toàn quốc, sau đó lại hoãn tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946 để các nhân sĩ muốn ra ứng cử có đủ thì thời gian để nộp đơn và vận động. Ngày 1-1-1946, Chính phủ cách mạng lâm thời đã cải tổ, mở rộng thành phần Chính phủ liên hiệp lâm thời. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, ngày 29-5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt được thành lập.

Cựu hoàng Bảo Đại, khi đó là công dân Nguyễn Vĩnh Thụy và là Cố vấn tối cao Chính phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận động ra ứng cử đại biểu Quốc hội tại tỉnh Thanh Hóa và đã trúng cử. Theo ông Lê Tất Đắc, Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Thanh Hóa: “Hồ Chủ tịch giao cho tôi về nói lại với nhân dân để nhân dân hiểu rõ, Bảo Đại tuy đã làm vua nhưng nay làm dân, về ứng cử ở quê cũ là hợp lẽ. Tôi truyền đạt ý kiến của Hồ Chủ tịch muốn Bảo Đại ứng cử đại biểu Quốc hội. Bảo Đại rất vui”. Bên cạnh đó, cựu Thượng thư Bùi Bằng Đoàn cũng ứng cử đại biểu Quốc hội tại quê nhà là tỉnh Hà Đông và đã trúng cử.

Đây là cuộc tổng tuyển cử thật đặc biệt bởi số người ứng cử đại biểu Quốc hội so với số người được bầu rất đông. Đơn cử như Hà Nội có 74 ứng cử viên nhưng chỉ bầu lấy 6 đại biểu. Người đạt phiếu cao nhất tại Hà Nội là Chủ tịch Hồ Chí Minh với 169.222 phiếu, tức 98,4%. Kết quả, có 333 đại biểu Quốc hội được bầu trong ngày tổng tuyển cử. Trong đó, Việt Minh có 120 ghế, Đảng Dân chủ có 46 ghế, Đảng Xã hội có 24 ghế, không đảng phái có 143 ghế. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I ngày 2-3-1946 đã nhất trí dành 70 ghế không thông qua bầu cử cho Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và cho Việt Nam Cánh mệnh đồng minh hội (Việt Cách).

Trong thành phần của Quốc hội khóa I có đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Quốc hội khóa I đã hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giai cấp tầng lớp xã hội từ công nhân, nông dân cho đến những nhà tư sản, công thương gia như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô...; những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thuý, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát, Đặng Thai Mai...

Quốc hội khóa I cũng hội tụ đại biểu của các thành phần tôn giáo trên đất nước ta như Thiên Chúa giáo (Linh mục Phạm Bá Trực), Phật giáo (Thượng toạ Thích Mật Thể), Cao Đài (Chưởng quản Cao Triều Phát)...

Ngay khi chuẩn bị tổ chức cuộc tổng tuyển cử, ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Ý nghĩa tổng tuyển cử” đăng báo Cứu quốc. Người khẳng định: “Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ, Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.

Quốc hội khóa I đã xem xét, ban hành Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và nhiều đạo luật khác, đặt nền móng chính trị, pháp lý quan trọng, nhất là trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Quốc hội khóa I cũng đã đóng góp to lớn vào công cuộc củng cố nền độc lập, xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân; khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến trên con đường XHCN, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Nguyễn Văn Toàn

Bình luận

ZALO