Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 03:50 GMT+7

Quốc hội cần giám sát tối cao việc thực hiên chính sách vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Ngày 7-6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.

5b18ef39f9ff1962cc003451
Đại biểu Âu Thị Mai thảo luận dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. Ảnh: CTV

Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, để chương trình giám sát năm 2019 phù hợp với yêu cầu thực tiễn, giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Quốc hội cần lựa chọn giám sát chuyên đề, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2011-2018; chính sách, pháp luật về bạo hành, xâm hại trẻ em... 

Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi nhưng hiện nay, đây vẫn là nơi khó khăn, lõi nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3 lần mức bình quân chung của cả nước, nhiều thôn, bản chưa có điện, số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất còn cao...

Đại biểu Âu Thị Mai chỉ rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách pháp luật đối với vùng đồng bào DTTS nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, hiệu quả không cao, chưa đạt mục tiêu đề ra.

“Quốc hội cần thực hiện giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2011-2018” nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót để có những chính sách trở nên thiết thực, thỏa đáng hơn đối với vùng này, đưa vùng này phát triển, dần tiến kịp với miền xuôi”. - Đại biểu Âu Thị Mai đề nghị.

Đề cập đến nạn bạo hành, xâm hại trẻ em thời gian qua, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nhấn mạnh, đây là những vấn đề mới phát sinh song hậu quả để lại rất đáng lo ngại, cần được quan tâm thích đáng.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo phân tích, theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2017 ở Việt Nam có 2.000 trẻ bị bạo lực, có 1.500 bị xâm hại tình dục cần được chăm sóc đặc biệt và con số này ngày càng gia tăng. Trong 5 tháng đầu năm 2018 có trên 600 vụ xâm hại tình dục, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm 84%. Cả nước có hơn 10 cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhưng hiện tượng này vẫn xảy ra rất phức tạp, hậu quả để lại cho các em rất nặng nề cả về thể chất và tinh thần.

“Để khắc phục, giải quyết vấn đề triệt để cần bổ sung giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về bạo hành, xâm hại trẻ em” - đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nhấn mạnh.

Danh Anh

Bình luận

ZALO