Biên phòng - Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 144 (IPU-144) và các hội nghị liên quan do Quốc hội Indonesia đăng cai tổ chức diễn ra tại đảo Bali, Indonesia. Chủ đề của IPU-144 là “Hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 - Vận động Nghị viện hành động chống biến đổi khí hậu”.

Chương trình nghị sự xanh
IPU-144 diễn ra trong 4 ngày, từ 20 đến 24-3. Hàng trăm đại biểu quốc hội từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham dự trực tiếp để cùng thảo luận, trao đổi quan điểm, tìm cách thúc đẩy các chính sách và hành động nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Chủ đề của IPU-144 là “Hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 - Vận động Nghị viện hành động chống biến đổi khí hậu”.
Theo Chủ tịch IPU Duarte Pacheco, tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi khu vực trên thế giới và tiếp tục gia tăng với tốc độ nhanh chóng. Những phát hiện gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho thấy, trừ khi có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính ngay lập tức, mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, hoặc thậm chí 2 độ C sẽ không thể đạt được. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là Nghị viện các nước cần được thực hiện để giảm thiểu tác động của tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015. Trong đó, nghị viện cần nỗ lực sử dụng giai đoạn phục hồi Covid-19 để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Theo Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani, Indonesia chủ trì tổ chức IPU-144 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động mạnh đối với thế giới và nước chủ nhà, trong đó có những ảnh hưởng nhất định tới các chương trình nghị sự quốc tế khi khó có thể tổ chức trực tiếp. Tại Indonesia, IPU-144 là hội nghị cấp cao quy mô lớn đầu tiên được tổ chức tại Bali trong năm nay, đồng thời là cơ hội để minh chứng cho khả năng sẵn sàng phục hồi và tổ chức các sự kiện quốc tế lớn.
Chia sẻ về chương trình nghị sự xanh, bà Maharani nhìn nhận, những năm qua, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ về công nghệ, tạo dựng nhiều thành tựu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, toàn cầu đang gặp phải những trở ngại hết sức nghiêm trọng và bước vào một thời kỳ gián đoạn mọi sự phát triển. Hàng loạt thách thức chưa từng có trong lịch sử đã xuất hiện, đặc biệt là biến đổi khí hậu, môi trường suy giảm, đe dọa sự bền vững của các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Từ năm 2020 đến nay, tác động kéo dài của đại dịch toàn cầu Covid-19 đã cho thấy, thế giới cần suy nghĩ về cách thức hành động và thích ứng nhanh chóng với sự gián đoạn lớn. Đây cũng là thời điểm để thế giới nhanh chóng tìm ra cách quản lý các cuộc khủng hoảng và xây dựng lại cách thích ứng trước các thách thức toàn cầu.
Bà Maharani nêu rõ, tối ưu hóa công nghệ kỹ thuật số để giảm phát thải, cải thiện chất lượng không khí và khôi phục hệ sinh thái cần phải trở thành ưu tiên hàng đầu của thế giới. Để hiện thực hóa mục tiêu chung của thế giới, nghị viện các nước tái khẳng định cam kết của mình trong việc cắt giảm khí thải xuống mức 0 vào năm 2050 và hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Cùng với đó, nghị viện các nước cần tăng cường thảo luận để tìm ra các giải pháp sáng tạo, hỗ trợ và chuẩn bị các chính sách mới vì một cuộc sống bền vững hơn. Thông qua IPU-144, nghị viện các nước có thể tăng cường vai trò của mình trong việc xây dựng các chính sách và pháp luật tốt hơn nhằm hỗ trợ cuộc sống bền vững, tập trung vào môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng ấm lên toàn cầu.
Tập trung nỗ lực ngay lập tức
Liên minh Nghị viện thế giới là tổ chức liên kết nghị viện các quốc gia trên toàn thế giới được thành lập vào năm 1889 và là tổ chức chính trị đa phương đầu tiên trên thế giới. Trải qua 133 năm, IPU đã khuyến khích hợp tác và đối thoại giữa tất cả các quốc gia cũng như tạo ra diễn đàn thiết thực để gắn kết nghị viện của phần lớn thế giới. Hiện nay, IPU bao gồm 178 quốc hội thành viên và 14 cơ quan nghị viện khu vực với mục tiêu thúc đẩy dân chủ và giúp các nghị viện trở nên mạnh mẽ hơn, trẻ hơn, cân bằng giới tính và đa dạng hơn.

Chiến lược IPU giai đoạn 2022-2026 đã giảm từ 8 mục tiêu xuống còn 5 mục tiêu chính gồm: Xây dựng nghị viện hiệu quả và được trao quyền; thúc đẩy các nghị viện toàn diện; hỗ trợ các nghị viện mang tính linh hoạt và đổi mới; thúc đẩy hành động tập thể của nghị viện; và tăng cường trách nhiệm giải trình của IPU.
Bình luận về chiến lược này, giới chuyên gia chính trị quốc tế nhìn nhận, khả năng phục hồi và trách nhiệm giải trình là những phản ứng trực tiếp đối với đại dịch Covid-19, minh chứng cho nỗ lực thích ứng và đổi mới của các nghị viện. Các mục tiêu này đại diện cho các lộ trình mà IPU giúp các nghị viện thay đổi để có thể giải quyết một số thách thức toàn cầu mà thế giới phải đối mặt.
Chiến lược cũng liệt kê những thách thức toàn cầu gồm: Biến đổi khí hậu; dân chủ, quyền con người, bình đẳng giới và sự tham gia của thanh niên; hòa bình và an ninh; và phát triển bền vững. Theo Tổng thư ký IPU Martin Chungong, đây là những định hướng hành động phù hợp với những thách thức toàn cầu, cũng như định hướng giá trị của IPU. Đồng thời mở ra những con đường mới để IPU hỗ trợ các nghị viện trong các lĩnh vực chiến lược khác như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Theo giới quan sát, từ thực tế hoạt động, IPU đang chứng minh bằng hành động cụ thể rằng, biến đổi khí hậu được các thành viên IPU xác định là một trong những lĩnh vực chính cần tập trung nỗ lực ngay lập tức. IPU-144 đang hiện thực hóa các kỳ vọng về việc nghị viện các nước sẽ sớm đạt được tiến bộ trong Thỏa thuận Paris 2015 và các hiệp ước khí hậu khác, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình khử carbon và giảm lượng khí thải carbon của các nghị viện. IPU-144 cũng là “lực đẩy” quan trọng để các nghị viện “tăng tốc” xây dựng hợp tác quốc tế và các cam kết có thể được thực hiện trong các chính sách cụ thể ở các quốc gia.
Thanh Trúc