Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 GMT+7

Quét sạch SIM “rác”

Biên phòng - Sau 1 tuần thời điểm các thuê bao di động sẽ bị chặn liên lạc một chiều nếu không hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin, vẫn có trên 1 triệu thuê bao di động có thông tin chưa khớp với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Ảnh minh họa.

Theo các nhà mạng viễn thông, trong 3,84 triệu thuê bao di động thuộc diện cần chuẩn hóa thông tin, đến hết ngày 31/3, mới có 2,17 triệu thuê bao thực hiện chuẩn hóa (chiếm 56,49%), 1,67 triệu thuê bao đã bị khóa dịch vụ một chiều. Đến ngày 15/4, các thuê bao di động chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa hai chiều và bị thu hồi số điện thoại sau 30 ngày kể từ khi khóa hai chiều nếu thông tin thuê bao không được chuẩn hóa.

Tuy nhiên, khi bị khóa dịch vụ liên lạc một chiều, các thuê bao vẫn có thể gọi miễn phí lên tổng đài của nhà mạng để được giải đáp hỗ trợ. Người dùng có thể tiếp tục chuẩn hóa thông tin thông qua ứng dụng, nền tảng website hoặc đến trực tiếp các cửa hàng, đại lý của nhà mạng để mở lại dịch vụ. Trong trường hợp thuê bao bị khóa dịch vụ hai chiều, người dùng cần đến các điểm giao dịch của nhà mạng trên toàn quốc để được hỗ trợ thực hiện chuẩn hóa thông tin.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định chỉ những thuê bao nhận được tin nhắn mới cần đi cập nhật, do thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp sử dụng thuê bao không chính chủ, đăng ký bằng giấy tờ cũ như chứng minh nhân dân nhưng khớp với cơ sở dữ liệu sẽ không thuộc diện chuẩn hóa đợt này.

Đặc biệt, người dân phải hết sức cẩn trọng, tránh trường hợp bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo khi yêu cầu thuê bao cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP phục vụ chuẩn hóa thông tin thuê bao. Các nhà mạng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã OTP qua điện thoại, chỉ thực hiện theo hướng dẫn trong tin nhắn có hiển thị nhà mạng và cuộc gọi từ các kênh chính thức của nhà cung cấp mạng.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, việc chuẩn hóa thông tin là cơ hội để giải quyết tình trạng SIM “rác” quấy rối, lừa đảo nhức nhối suốt nhiều năm qua. Chủ trương này nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân để ngăn chặn SIM “rác”. Mặt khác, việc chuẩn hóa thông tin theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn là quyền lợi và trách nhiệm của nhà mạng, giúp họ làm “sạch” hệ thống dữ liệu và mở ra những cơ hội kinh doanh mới.

Vấn đề quan trọng sau chuẩn hóa thông tin là trách nhiệm của cơ quan quản lý và các nhà mạng cần tiếp tục giải pháp đồng bộ để “gắn” thuê bao với chủ sở hữu thực sự, tránh tái diễn tình trạng thông tin thuê bao không khớp với người sử dụng.

Bởi, gần chục năm qua, sau nhiều “chiến dịch” để loại bỏ thuê bao không chính chủ (từ việc cập nhật thông tin, bổ sung ảnh cá nhân, đến tạm dừng việc phát hành SIM mới, giới hạn số lượng thuê bao cho mỗi người dùng…), nhưng trên thực tế, việc mua SIM kích hoạt sẵn vẫn khá dễ dàng.

Với tình trạng lộ lọt, mua bán thông tin cá nhân phổ biến như hiện nay, người có nhu cầu không khó để “hợp thức hóa” cho SIM kích hoạt sẵn và nó có thể trở thành công cụ thực hiện hành vi phạm tội của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do vậy, ngăn chặn SIM “rác” là một “cuộc chiến” lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm cao từ các bộ, ngành, đơn vị có liên quan. Trong đó cần có chế tài mạnh mẽ, đủ sức răn đe từ phía cơ quan quản lý như đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới đối với nhà mạng vi phạm bán SIM kích hoạt sẵn; xử lý nghiêm các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử tiếp tay mua, bán SIM kích hoạt sẵn...

Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thanh, kiểm tra để buộc các nhà mạng nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật, hướng đến một thị trường lành mạnh, an toàn thay vì quá chú trọng lợi nhuận.

Với mỗi người dân, cần tìm hiểu và tự giác chấp hành các quy định, kiên quyết không sử dụng SIM kích hoạt sẵn, kịp thời tố giác những vi phạm để chung tay đẩy lùi SIM “rác”.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO