Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 04:52 GMT+7

Quên mình cứu dân

Biên phòng - Một trong những địa phương có thành tích đáng ghi nhận trong công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường là thành phố Hải Phòng - một địa bàn thuộc khu vực nhạy cảm về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng nặng nề do nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc BĐBP Hải Phòng như Đồn Biên phòng Cát Bà, Cát Hải, Đoạn Xá, Hải đội 2... đã tổ chức cứu hộ, cứu nạn thành công hàng trăm phương tiện gặp nạn trên biển, cứu vớt hàng ngàn ngư dân và lai dắt nhiều phương tiện trở về bờ an toàn.

Bài 1: Cứu dân như cứu người thân của mình

Kỳ 2: Nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình

Đối với ngư dân trên vùng biển Đông Bắc, các chiến sĩ Biên phòng chính là hiện thân của sự hy sinh, lòng dũng cảm trong thời bình, cho những chuyến tàu về bến an toàn với “cá bạc đầy khoang”, thực sự là tấm “lá chắn” vững chắc giúp bà con vươn khơi bám biển. Nhiều tấm gương tiêu biểu quên mình cứu dân như Thiếu tá Nguyễn Lương Long, Đại úy Lâm Thiên Nghĩa, Thiếu tá Phạm Quang Bình... luôn được bà con nhắc đến với một sự biết ơn, trân trọng.

40bf_8a
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển. Ảnh: Trần Hoàng

Nằm ở khu vực Nam Trung bộ, Bình Định cũng là một trong những địa phương hằng năm phải đón nhận nhiều cơn bão lớn làm sạt lở đất, mưa lũ và ngập úng nghiêm trọng, thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Cùng với các ngành chức năng, BĐBP Bình Định đã có mặt tại những địa bàn hiểm yếu để nỗ lực tiến hành hoạt động phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Hằng năm, vào mùa bão lũ, các chiến sĩ Biên phòng ở vùng “rốn bão” này vốn đã quen với phương châm cứu hộ, cứu nạn “bốn tại chỗ” nên hoạt động kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão, giằng néo cố định nhà cửa cho nhân dân cũng như khắc phục hậu quả sau bão luôn được triển khai hiệu quả, kịp thời.

Tại BĐBP Bình Định, mô hình “Con tàu thanh niên” được triển khai vào tháng 3-2007 của Hải đội 2, BĐBP tỉnh suốt 11 năm qua đã thường xuyên vượt sóng gió cấp 7, cấp 8 để tiếp cận tàu bị nạn trên biển, tổ chức rà soát, tìm kiếm và thực hiện hàng trăm lượt cứu hộ, cứu nạn, cứu sống hàng trăm ngư dân. Vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu, quân dân lại đồng lòng khắc phục hậu quả bão lũ, trồng rừng ven biển để chống sóng biển xâm thực. Những làng chài lại hối hả dong thuyền vươn xa làm chủ biển khơi, mang về đầy khoang cá bạc.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, BĐBP Gia Lai đã nhiều lần tổ chức cứu nạn thành công cho nhiều bản làng biên giới sinh sống dọc theo dòng sông Sê San. Liên tiếp các năm 2009, 2011, 2013, 2015, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk đã cứu hàng trăm đồng bào khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị bảo vệ biên giới Campuchia và người dân nước bạn. Giữa dòng sông chảy xiết, những chiến sĩ Biên phòng bám chắc thân mình vào sợi dây dù căng ngang dòng nước, lần lượt dìu từng người dân thoát lũ an toàn sau nhiều ngày bị cô lập trong rừng sâu. 

Nơi cực Nam Tổ quốc, tỉnh Cà Mau cũng phải đối diện với rất nhiều ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu. Nước mặn đã xâm nhập vào đất liền khoảng từ 40 - 45km, có nơi vào sâu đến 70km, khiến cho một diện tích lớn đất nông nghiệp cũng như nguồn nước bị nhiễm mặn. Trước thực trạng đó, BĐBP  Cà Mau đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh để tổ chức thành lập đoàn khảo sát thực địa, đồng thời chỉ đạo các đồn Biên phòng cử cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở giúp địa phương đắp hệ thống đê kè chống ngập mặn và xây dựng các hồ nước ngọt...

asnm_8b
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Kon Tum giúp dân lợp lại mái nhà sau bão. Ảnh: Hoàng anh

Nằm ở khu vực Tây Bắc, Hà Giang cũng là một trong những vùng thường xuyên bị sạt lở đất trên diện rộng bởi nguyên nhân mưa lũ, kết hợp với hoạt động phá rừng, khai thác khoáng sản nhỏ lẻ tại một số khu vực. Tháng 9-2017, nước lũ dâng cao tại thôn Sảng Pả, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn làm sập nhiều ngôi nhà và cô lập người dân trong thôn.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phố Bảng, BĐBP Hà Giang đã khẩn trương xuống địa bàn giúp dân chống lũ, đưa người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn. Đồng thời, các kíp cứu hộ đã chia nhau đi về cuối các dòng suối để khơi thông dòng chảy, chặt bớt cỏ voi, cào rác, phế thải xây dựng đọng dưới các lòng suối nhằm giảm áp lực nước chảy vào nhà dân. “Chúng tôi luôn đề cao công tác giúp dân, nhất là trong các tình huống khẩn cấp là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người lính”, Đại úy Tạ Tấn Hoàng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phó Bảng, người trực tiếp chỉ huy ứng cứu dân trong nước lũ, nói.

Mỗi năm, trung bình lực lượng BĐBP cử hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn. Trong quá trình làm nhiệm vụ, máu của các anh đã đổ để cứu tài sản, tính mạng của nhân dân. Có thể nói, sự hi sinh quên mình, sự quả cảm, bản lĩnh của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong cuộc chiến với thiên tai, thảm họa đã góp thêm vào thành tích chung của quân đội trong những năm qua. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ mang quân hàm xanh quên mình cứu giúp nhân dân trong bão lũ đã góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân - dân; làm đẹp thêm hình ảnh, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, trước diễn biến ngày càng phức tạp và cực đoan của thiên tai, bão lũ, những năm gần đây toàn lực lượng BĐBP đã thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, trực chỉ huy 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, khí hậu để kịp thời triển khai quyết liệt các hoạt động ứng phó với bão lũ, tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Đất nước ta đang bước vào thời kì hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Trong công cuộc chung ấy, công tác phòng chống lụt bão, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường được đặt ra vô cùng cấp thiết với những hoạch định mang tính chiến lược của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng cùng các ngành chức năng. Lực lượng BĐBP với vai trò nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới đã không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị, phương tiện, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này để công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ngày phát triển theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO