Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 06:27 GMT+7

Quảng Ngãi nuôi khát vọng sẽ được UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu

Biên phòng - Đó là phát biểu của PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tại Hội thảo quốc tế “Giá trị di sản công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh”, do UBND tỉnh Quảng Ngãi và Ủy ban Quốc gia (UBQG) UNESCO Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 18 và 19-6. Dự hội thảo có ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch UBQG UNESCO.

aj4pbfvx9n-15669_f_jx1k4iga0_1_PGS_TS_Trnh_Sinh_pht_biu
Đại biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Văn Chương

Phát biểu khai mạc, ông Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi bày tỏ mong muốn, thông qua hội thảo sẽ nhận được ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để Quảng Ngãi hiện thực hóa vào mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

Ông Lê Viết Chữ nhấn mạnh: “Hội thảo quốc tế về giá trị di sản công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh được tổ chức vào thời điểm 110 năm phát hiện văn hóa Sa Huỳnh - nền văn hóa có niên đại hơn 3.000 năm, một trong 3 nền văn hóa tiêu biểu trong tiến trình lịch sử của Việt Nam và được thế giới công nhận”.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO đưa ra một ví dụ rất cụ thể về một công viên địa chất ở Pháp. Theo đó, cư dân vùng này đã lấy hình ảnh những con ốc đá dày đặc trên diện tích 600 km2 để làm hình tượng những thanh chocolate và được bán với giá gấp nhiều lần bình thường. Hay ở Tây Ban Nha có một mỏ muối lịch sử hàng triệu năm và muối này được bán với giá cao gấp 10 lần, nhờ cư dân địa phương làm du lịch, giới thiệu về lịch sử. Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh thì có rất nhiều sản vật như tỏi đen, đường phèn, quế…

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh: “Quảng Ngãi nuôi khát vọng sẽ được UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu. Nếu vậy thì phải tính toán kỹ, có lúc phải hy sinh các công trình kinh tế không cần thiết để giữ gìn và bảo tồn, tránh việc san lấp, mở rộng, phân lô bán nền những khu vực nằm ở vùng lõi. Chúng ta thường nhầm lẫn giữa việc lấy cho được danh hiệu nhưng không làm tốt công tác bảo tồn. Những hiện vật chúng ta cần phải được bảo quản tại chỗ chứ không phải mang về bảo tàng; nếu khai quật chưa xong thì tạm chôn lấp cát để bảo tồn. Việc bảo tồn gắn với tuyên truyền, khai thác để người dân sống ở vùng công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh có thêm sinh kế."

fliw4hmby2-15669_f_jx1k4igj1_2_M_V_xm_c_L_Sn_nin_i_s_k_st_cch_2000_nm
Du khách sẽ được thăm các các địa điểm khai quật và phát hiện nền văn hóa Sa Huỳnh nằm trong khu vực Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh. Ảnh: Văn Chương

Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh có diện tích tự nhiên hơn 2.000 km2 nằm trong đất liền và 2.600 km2 nằm trên mặt biển. Trên khu vực này có địa chất, địa mạo kỳ thú, văn hóa đặc sắc và đa dạng sinh học, các cụm núi lửa cách ngày nay 11 triệu năm và 4.500 năm.

Hội thảo lần này hướng đến nhận dạng giá trị di sản địa chất và văn hóa khảo cố Sa Huỳnh của Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh; chia sẻ phương thức quản lý và khai thác để góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, tạo ra điểm nhấn và trở thành điểm đến của du khách.

Văn Chương

Bình luận

ZALO