Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 02:47 GMT+7

Quảng Ngãi - Nghề biển gặp khó trước cơn bão giá

Biên phòng - Sau đợt điều chỉnh giá vào ngày 13/6, mặt hàng chủ lực (dầu diesel) liên quan đến hoạt động vươn khơi, bám biển của ngư dân tiếp tục tăng “chóng mặt” để cán mốc 29.020 đồng/lít. Giá dầu liên tục tăng, trong khi giá hải sản vẫn giữ ở mức thấp, cộng với hiệu quả đánh bắt không cao nên ngư dân khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chịu thua lỗ nặng. Thực trạng trên buộc nhiều chủ tàu phải chọn giải pháp cắt giảm phiên biển để tránh rủi ro.

Nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi neo bờ chờ nhiên liệu giảm giá. Ảnh: Văn Tánh

Lo lỗ tổn, ngư dân cắt phiên, giảm chuyến

Sở hữu đôi tàu công suất hơn 1.500 mã lực, hành nghề lưới vây ở ngư trường Hoàng Sa-Trường Sa; mỗi chuyến vươn khơi, ngư dân Nguyễn Sáu (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) nạp khoảng 14.000 lít dầu DO và thanh toán cho đại lý xăng dầu theo hình thức mua trước, trả sau. Khi giá dầu liên tục điều chỉnh theo chiều hướng tăng, thì chủ đại lý bất ngờ “quay xe” không bán nợ. Tổn phí nhiên liệu vượt quá khả năng, ông Sáu phải chọn giải pháp sản xuất giã gạo để vừa giữ nghề, vừa bảo quản tài sản không bị hư hỏng trong lúc nằm bờ.

Ngư dân Sáu thổ lộ: “Cặp tàu của tôi mà chạy biển trong thời gian này thì phải mất hơn 400 triệu đồng tiền dầu. Gom góp, vay mượn bà con ở nhà, nhưng cũng chỉ đủ tiền bơm cho một chiếc đi thôi, chiếc kia đành phải nằm bờ chờ hỗ trợ dầu của Nhà nước để tiếp tục vươn khơi”.

Hầu hết ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều khó khăn trước “cơn bão giá” xăng dầu. Ông Nguyễn Bình, trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, làm chủ con tàu công suất 800 mã lực, từ đầu năm đến nay, ông chỉ đánh bắt được 2 phiên biển trong vòng 60 ngày, thời gian còn lại nằm “chôn chân” trong khu neo đậu. Tốn tiền đóng phí bến bãi, mất tiền thuê người trông coi, bảo quản, nhưng ông cũng không thể tiếp tục cho tàu ra khơi trong tình cảnh thua lỗ.

Ngư dân Bình bộc bạch: “Mỗi chuyến ra khơi từ 20-30 ngày, tàu của tôi tiêu thụ khoảng 8.000-10.000 lít dầu, so với giá dầu cuối năm 2021 thì chỉ riêng chi phí dầu đã tăng thêm từ 90-100 triệu đồng. Đó mới chỉ là chi phí nhiên liệu, hàng loạt chi phí khác như: đá lạnh, thực phẩm, tiền công lao động... cũng “ăn theo” xăng dầu tăng chóng mặt. Ngư dân chúng tôi xác định đi đánh bắt xa bờ chắc chắn sẽ lỗ nên tạm thời cho tàu nằm bờ”.

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 6.000 tàu cá và hàng nghìn ngư dân sinh sống bằng nghề biển. Vươn khơi không chỉ là công việc mưu sinh, mà còn là trách nhiệm bảo vệ chủ quyền vùng biển quê hương, đất nước. Tuy nhiên, giá dầu tăng cao khiến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân không được “thuận buồm, xuôi gió”; lênh đênh trên vạn dặm hải trình, nhưng nhiều chủ tàu thu không đủ bù chi. Mùa biển chính vụ, song, tại các bến bãi, cảng cá ở tỉnh Quảng Ngãi, tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ neo đậu san sát. Riêng tại cảng neo đậu Tịnh Hòa (thành phố Quảng Ngãi), hiện có hơn 100 tàu nằm bờ, nhiều chiếc đã “cắm sào” lên đến đôi ba tháng vì giá dầu diesel tăng cao.

Nghịch lý giá hải sản

Xăng dầu, ngư lưới cụ đồng loạt lên giá, khiến chi phí sản xuất mỗi phiên biển của ngư dân tăng từ 50-60% so với bình thường; đơn cử như mặt hàng đá lạnh cũng đã nâng lên 20.000 đồng/cây so với trước đây (15.000 đồng/cây). Tổn phí tăng, nguồn hải sản giảm, giá hải sản đi chiều ngược lại nên nghề biển lao đao.

Không chỉ xăng dầu, mặt hàng đá lạnh cũng tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/cây. Ảnh: Văn Tánh

Thông tin từ một số chủ cơ sở thu mua hải sản cung cấp, hiện nay, cá ngừ có giá từ 20.000-25.000 đồng/kg, cá cờ 50.000 đồng/kg, cá chuồn 20.000 đồng/kg, cá dũa 25.000 đồng/kg, cá thu 80.000 đồng/kg... So với thời điểm đầu năm, giá các loại hải sản trên giảm từ 10.000-25.000 đồng/kg. Ngư dân Nguyễn Phận, thuyền trưởng tàu cá QNg 94419 TS bộc bạch: “Giá dầu tăng liên tục, mà giá hải sản có nhích được chút nào đâu. Ví dụ như, cùng thời điểm này năm trước, giá dầu dao động từ 12.000-13.000 đồng/lít, cá chuồn bán được 20.000-21.000 đồng/kg; thì ngư dân có thể đổi 1kg cá lấy được 1,5 lít dầu. Còn hiện nay thì ngược lại, bán 1,5kg cá mới mua được 1 lít dầu. Bà con làm ăn rất vất vả, khó khăn”.

Trở về bờ sau 8 ngày khai thác trên biển, thuyền trưởng tàu cá QNg 90712 TS Đinh Văn Chung cùng 9 bạn tàu đánh bắt được gần 1 tấn cá cờ và bán được 50 triệu đồng; trừ tổn phí hết 40 triệu đồng, số tiền còn lại chia đều cho 10 người. Ngồi trên boong tàu phân phát cá ăn cho bạn thuyền, anh Chung than thở: “Gần 30 năm bám biển, chưa bao giờ anh em phải chia nhau từng lát cá mang về cho vợ con như thế này. Thời buổi khó khăn, mọi người phải thắt lưng, buộc bụng để giữ thu nhập cho gia đình. Anh thấy đó, đi làm quần quật 8 ngày đêm trên biển mà thu nhập có 1 triệu đồng thì làm sao đủ sống. Năm trước, tàu thuyền phải neo bờ vì dịch Covid-19, năm nay, giá nhiên liệu tăng vùn vụt lại càng khó khăn hơn”.

Trực tiếp quản lý con người, phương tiện ra vào hoạt động trên biển, Đại úy Phan Xuân Huề, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, BĐBP Quảng Ngãi cho biết: “Hiện nay, có rất nhiều tàu thuyền khai thác không đủ bù chi phí nhiên liệu, hàng loạt chủ tàu phải chọn giải pháp nằm bờ, hoặc cắt phiên để giảm bớt rủi ro. Thực trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống ngư dân”. Đại úy Phan Xuân Huề thông tin thêm, do giá cả thị trường leo thang, đặc biệt là giá dầu tăng cao dẫn đến một số chủ tàu lựa chọn giải pháp hoạt động cầm chừng, giảm bớt bạn, giảm bớt thời gian đi biển để tránh thiệt hại kinh tế.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, thời gian gần đây, do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, nguồn lợi thủy sản giảm sút, giá bán thủy sản bấp bênh, đặt biệt là giá xăng dầu liên tục tăng... nên có nhiều tàu thuyền của ngư dân phải tạm thời nằm bờ. Ông Mười cho hay: “Đơn vị đang tiến hành đánh giá sự ảnh hưởng của giá xăng dầu đối với ngư dân theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đó, tham mưu, đề xuất Chính phủ có hướng điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp, giúp ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Chưa bao giờ các bến bãi, cảng cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lại thiếu tiếng cười, niềm vui như hiện nay. Nhiều ngư dân vươn khơi, bám biển canh cánh bên mình nỗi lo thua lỗ, mất nguồn thu nhập.

Văn Tánh

Bình luận

ZALO