Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Quảng bá nông sản nông nghiệp thông qua du lịch

Biên phòng - Hiện, nhiều địa phương đang đẩy mạnh việc giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, trung tâm trưng bày quảng bá du lịch… Cùng với đó là sự ra đời của các tour tham quan và trải nghiệm làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của từng địa phương. Với cách làm này, nhiều loại nông sản đã được giới thiệu thành công tới khách du lịch và trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, gia tăng giá trị cho nông sản.

Khô cá dứa, tôm đất - những sản phẩm đặc trưng của Cà Mau được bày bán tại Khu du lịch Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Ảnh: Bích Nguyên

Đưa sản phẩm OCOP vào du lịch

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, công ty có chuỗi hệ thống phân phối trái cây trong nước ở nhiều tỉnh, thành phố và đã xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới. Qua nắm bắt thông tin, ông biết rất nhiều du khách quốc tế muốn biết nông sản được trồng ở đâu, chế biến như thế nào. Trước nhu cầu này, Công ty Vina T&T đã xây dựng một số tour du lịch để thăm vùng nguyên liệu, nhà máy sơ chế như vùng trồng thanh long đỏ ở Long An, vùng xoài Đồng Tháp, vùng nhãn Vĩnh Long và nhận phản hồi tích cực. Ông Tùng cho rằng: “Qua các tour du lịch, du khách sẽ tuyên truyền, quảng bá giúp các sản phẩm nông sản Việt ra thế giới”.

Theo các chuyên gia, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các lễ hội, khu du lịch là điều kiện vô cùng thuận lợi để du khách biết đến những sản vật đặc trưng của mỗi địa phương, đồng thời tạo cơ hội để sản phẩm OCOP phát triển thương hiệu. Sản phẩm OCOP giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn khi có nhu cầu mua hàng về làm quà biếu mỗi dịp đi du lịch. Để sản phẩm OCOP ngày càng khẳng định thương hiệu cũng như vươn xa trên thị trường, một số địa phương như Gia Lai đã tuyên truyền, khuyến khích các ban, ngành, địa phương sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm tặng phẩm cho khách tham quan.

Hiện, Việt Nam có hơn 5.300 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận OCOP 3 sao trở lên, trong đó, có 20 sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Việt Nam lại có vùng nông thôn tươi đẹp, không khí trong lành và nhiều đặc sản riêng có. Trong khi đó, nhu cầu du lịch về với thiên nhiên, du lịch trải nghiệm, sống và thưởng thức các đặc sản của các miền quê ngày càng cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các địa phương khai thác, phát triển du lịch cũng như tạo đà cho sản phẩm OCOP vươn xa.

Không ít địa phương đã giới thiệu thành công các sản phẩm nông nghiệp thông qua du lịch. Đơn cử như nông dân trồng nho Ba Mọi, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã tận dụng hiệu quả lợi thế của mình để phát triển du lịch trải nghiệm hái nho. Lợi ích được gia tăng khi du khách đều ra về với những sản phẩm đa dạng từ nho như nho sấy khô, mật nho, si rô nho, vang nho từ các vườn nho. Họ cũng trở thành kênh quảng bá trực tiếp những trải nghiệm tại vườn nho cho du khách khác. Đến nay, vườn nho Ba Mọi đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Tương tự, vườn nho Hồng Ngự, vườn chà là Sa Đéc, vườn hồng Lai Vung (Đồng Tháp), vườn chôm chôm và sầu riêng Bến Tre, vườn dâu đỏ Phú Yên, vườn cam Cao Phong (Hòa Bình), vườn vải Lục Ngạn (Bắc Giang) trở thành điểm check-in thú vị của du khách. Không chỉ thu được lợi nhuận từ các dịch vụ du lịch, nông dân còn có nguồn thu ổn định từ việc bán nông sản cho du khách.

Cũng thông qua du lịch, nhiều loại nông sản, thổ cẩm, dược liệu và các sản phẩm OCOP của vùng dân tộc thiểu số đã được quảng bá rộng rãi tới du khách trong và ngoài nước. Đến nay, nhiều sản phẩm đã đứng vững trên thị trường trong nước và tiếp cận thị trường nước ngoài, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho bà con so với phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống. Có thể kể đến sản phẩm thổ cẩm, thuốc tắm của người Dao, chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa (Lào Cai), thổ cẩm Lùng Tám, mật ong bạc hà (Hà Giang), miến dong, thạch đen (Cao Bằng), mật ong rừng Tây Yên Tử, mỳ Chũ (Bắc Giang), trà hoa vàng (Quảng Ninh)...

Tương trợ để phát triển

Bàn về việc gia tăng giá trị nông sản, Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Một trong những cách làm nông nghiệp hữu cơ hiệu quả là gắn với du lịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa du lịch vào phát triển nông thôn mới. Đây là điều các nước đã làm và rất thành công”.

Bà Trang dẫn chứng câu chuyện về vang Bordeaux của Pháp: “Chúng ta nói đến rượu vang là nghĩ đến vang Bordeaux, cho dù bên cạnh đó còn vang Chile, vang Australia và nhiều nơi khác. Điều này có được bởi Pháp đã quá thành công trong việc xây dựng thương hiệu”. Cùng với quy hoạch vùng trồng nho theo chuẩn nông nghiệp hữu cơ, Pháp còn tổ chức tour cho du khách hàng tuần đến tham quan, nếm rượu, cho ý kiến. Đây chính là một phương thức quảng bá đặc sản địa phương cho du khách, thông qua đó, mỗi du khách tiếp tục trở thành một kênh quảng bá hiệu quả cho sản phẩm của địa phương.

Phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch, thông qua du lịch quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP là sự tương trợ cần thiết và hữu ích để nông nghiệp nông thôn và du lịch cùng phát triển. Tại Việt Nam, các địa phương đang từng bước thử nghiệm mô hình này và nhận được hiệu quả rất rõ rệt. Đơn cử như làng hoa mai Tân Tây (Long An) đang hướng tới mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch như bán cây mai, kèm các sản phẩm phụ như tinh dầu hoa mai, ẩm thực hoa mai. Thung lũng hoa Bắc Hà (Lào Cai) vừa phục vụ nhu cầu tham quan giải trí của du khách với khung cảnh thiên nhiên nên thơ, hoa nở 4 mùa, vừa bán các loại cây cảnh, hoa, rau, đặc sản của đồng bào Mông...

Thực tiễn cho thấy, việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực của từng địa phương. Đây cũng là hướng đi mà ngành du lịch nhiều địa phương đang hướng tới. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, đồng thời, quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm.

An Nhiên

Bình luận

ZALO