Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Quân y Phú Yên thời lửa đạn

Biên phòng - Người thì từ Bắc vượt Trường Sơn vào Nam, người thoát ly gia đình đi theo kháng chiến, tất cả họ đều hiến dâng tuổi thanh xuân, quên đi bản thân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những thầy thuốc đó đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong muôn vàn gian khổ, nguy nan.

js3v_12a
Ông Nguyễn Thành Quang kể chuyện từng chứng kiến những ca phẫu thuật do các bác sĩ, y tá thực hiện trên chiến trường Phú Yên. Ảnh: Phương Trà

Lịch sử Y tế Phú Yên ghi những trang vàng về các thế hệ thầy thuốc băng qua lửa đạn: “Vào những năm chiến tranh ác liệt của thời kỳ “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, địch tăng cường đánh phá, càn quét rất ác liệt..., cán bộ và nhân viên y tế Phú Yên đã phải ăn sắn, bắp, rau rừng... hàng tháng trời, nhường phần lương thực ít ỏi còn lại cho thương, bệnh binh. Nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã hy sinh tính mạng hoặc mất một phần thân thể của mình để bảo toàn tính mạng của thương, bệnh binh”.

Vượt lên gian khổ, hiểm nguy

Năm 1966, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bác sĩ trẻ Huỳnh Thị Kim Huê có mặt trong đoàn cán bộ y tế thứ hai vượt Trường Sơn vào Nam, hòa mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Phú Yên. Nơi đầu tiên mà nữ bác sĩ trẻ này phụ trách điều trị là Bệnh xá huyện Tuy An (mật danh Y13). Gắn bó với Y13 cho đến cuối năm 1972, bác sĩ Kim Huê đã cùng các đồng nghiệp - đồng đội đi qua những năm tháng vô cùng khó khăn, gian khổ. “Đây là quãng thời gian địch đánh phá ác liệt, Y13 phải liên tục thay đổi địa điểm, từ An Lĩnh dời qua An Xuân rồi xuống An Nghiệp... Chúng tôi vừa điều trị, vừa lo chạy càn, cứ 10 ngày, nửa tháng lại chạy càn một lần”, bác sĩ Huỳnh Thị Kim Huê nhớ lại.

Trên vùng đất bao phen bị đạn bom cày xới, nữ bác sĩ sinh năm 1940 này đã cùng đồng đội đối mặt với bao hiểm nguy, đã hoàn thành sứ mệnh của người thầy thuốc trong khói lửa chiến tranh. Bà Huê nhớ rõ trận càn năm 1967, quân Mỹ tràn đến nơi Y13 đang đóng. Thời điểm này, bệnh xá có 15 cán bộ, nhân viên y tế, đa phần là phụ nữ, tuổi đời còn rất trẻ. Thật gay go khi những người thầy thuốc ở đây không thể đưa một số thương binh nặng chạy càn, đành chọn giải pháp: Moi đá xếp thành hầm để giấu thương binh rồi ngụy trang kỹ ở bên trên. “Chúng tôi tản ra, ẩn náu trong rừng. Quân Mỹ đi cách nơi chúng tôi giấu thương binh chỉ chừng 2 mét và thật may là chúng không phát hiện được gì. Lính Mỹ khi càn thì đi thẳng một đường chứ không đi lung tung như lính Nam Triều Tiên”, bác sĩ Kim Huê kể.

Trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) của quân ta, Mỹ lại càn ở vùng 1 An Lĩnh, nơi Y13 đang đóng. Các y, bác sĩ đã tìm mọi cách đưa thương, bệnh binh vượt qua triền núi, ẩn mình trong một bãi lau ở Sơn Hòa. Những người thầy thuốc đã nhịn đói, nhịn khát, chăm sóc và bảo vệ thương, bệnh binh trong nhiều thời điểm nguy nan.

Một trong những “trận địa” gian khổ ở Phú Yên mà những người thầy thuốc kiên cường bám trụ là Bệnh xá dân y Trúc Bạch, được tách từ Bệnh xá tỉnh (E100) theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn ngành Y tế vào tháng 7-1962. Các tài liệu lịch sử cho thấy, thời gian đầu, Bệnh xá Trúc Bạch có từ 40-50 giường bệnh, phục vụ cán bộ dân chính Đảng, các mũi công tác và người dân trong vùng căn cứ, vùng giải phóng. Bệnh xá có... 3 nhà tranh, bếp Hoàng Cầm và một số chảo gang, nồi đồng dùng để nấu cơm, cháo cho thương, bệnh binh; giường thì được bện bằng tre nứa, cây rừng. Khoảng 30 cán bộ, nhân viên y tế ở bệnh xá này (phần đông là phụ nữ) thường xuyên chăm sóc, điều trị cho từ 40-60 thương, bệnh binh, có khi lên đến hàng trăm người. Địa điểm của bệnh xá cũng phải thay đổi tùy theo tình hình: Từ Phước Tân dời xuống Tổng Binh để có điều kiện tăng gia sản xuất, thời gian sau do địch đánh phá ác liệt, lại chuyển về Phước Tân rồi dời xuống Mò O.

Cô Đàm Thị Lý, nguyên y tá Bệnh xá Trúc Bạch từ năm 1965-1972, nhớ lại: “Thời kỳ đó, đói cơm, lạt muối là chuyện thường ngày, diễn ra triền miên. Gạo không có, anh chị em chúng tôi phải ăn trái sung, trái cây rừng... trừ cơm”.

Bác sĩ Măng Cư, người có mặt trong đoàn cán bộ y tế thứ tư từ Bắc vào Phú Yên năm 1970, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, chỉ có vẻn vẹn 3 ngày công tác ở Bệnh xá Trúc Bạch, nhưng cũng đã hiểu được bao khó khăn gian khổ mà các đồng nghiệp - đồng đội của ông phải đối mặt ở nơi này. “Trong 3 ngày làm việc ở đây, tôi chỉ ăn bắp rang chứ không có cơm. Lúc ấy, thuốc men chỉ có 2 nguồn: Từ miền Bắc chi viện vào và từ cơ sở đưa lên, nhưng không bao giờ đủ cả. Những người thầy thuốc ở đây phải kết hợp đông - tây y, đặc biệt là trong điều trị bệnh sốt rét, còn rửa vết thương thì dùng nước nấu từ vỏ cây bằng lăng”, bác sĩ Măng Cư nhớ lại. Sau mấy ngày làm việc ở Bệnh xá Trúc Bạch, bác sĩ Măng Cư được điều về Bệnh xá huyện Tuy Hòa 1 (mật danh Y16), đóng ở xã Hòa Thịnh (nay thuộc huyện Tây Hòa) - nơi có những gộp đá, hang đá chống chọi được bom Mỹ.

Những ca phẫu thuật thử thách nghị lực

TS Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, khi đó là cán bộ Tuyên huấn Huyện ủy Tuy Hòa 1, kể: “Chiến trường hết sức ác liệt, những người lính chịu nhiều thử thách, các y, bác sĩ còn phải “cõng” thêm thương, bệnh binh. Lương thực, thuốc men được tiếp tế từ miền Bắc vào rất ít, chủ yếu là thuốc chữa bệnh, nhưng đem về đến nơi thì hầu hết đã quá hạn sử dụng. Không có dịch truyền, anh em ở Bệnh xá huyện Tuy Hòa 1 nảy ra sáng kiến lấy... nước dừa non lọc qua bông gòn rồi truyền; kháng sinh hết hạn vẫn phải dùng. Có một đồng chí bị thương, thủng đến 9 lỗ ở ruột.

Trước khi phẫu thuật, chính trị viên đến làm công tác tư tưởng: Đồng chí không mổ thì sẽ không qua khỏi, còn mổ thì... bác sĩ chỉ có dao và lọ thuốc gây tê này. Đồng chí hãy can đảm chịu đau để mổ. Rồi anh em vạt một miếng gỗ đặt vào ngang miệng người bị thương, cột lại, phòng khi đau quá đồng chí ấy nghiến răng cắn trúng lưỡi; chân tay cũng phải trói chặt để người bị thương không giãy giụa. Bác sĩ Vũ Đình Phong, Bệnh xá trưởng và y tá Ba Thơ, tức Lê Huy Thơ, mổ ca này. Khi nào thấy bệnh nhân đau quá, ngất thì tiêm một tí thuốc tê và tiếp tục mổ, khâu 9 lỗ thủng ở ruột rồi may đóng bụng lại”. Ông Nguyễn Thành Quang, người chứng kiến ca phẫu thuật trên, còn có một kỷ niệm khó quên ở Y16, đó là ông bị cột chặt chân trái để các thầy thuốc mổ lấy mảnh đạn trong bàn chân ra mà không hề có một giọt thuốc gây tê!

“Ở đây, mọi thứ đều thiếu thốn, thầy thuốc phải nhường phần ăn ít ỏi của mình cho thương, bệnh binh. Trong kho hết gạo, thầy thuốc theo bộ đội về các cửa khẩu bí mật để mua gạo, mang vác về cho thương, bệnh binh. Họ đúng là “Lương y như từ mẫu” đúng như lời Bác dạy. Họ sống hết mình vì đồng đội, hết mình vì thương, bệnh binh”, ông Nguyễn Thành Quang cảm kích.

r4hx_12b
Cô Đàm Thị Lý (bên trái), người gắn bó với Bệnh xá Trúc Bạch, kể chuyện một thời chiến tranh “đói cơm, lạt muối” tại Bệnh xá Trúc Bạch. Ảnh: Phương Trà

Cùng được tách ra từ Bệnh xá E100 ở vùng căn cứ Ma Dú thuộc xã Phước Tân, huyện Miền Tây (nay là huyện Sơn Hòa), Bệnh xá Hồ Tây là đơn vị tuyến sau, điều trị thương, bệnh binh đến từ các quân, binh chủng. Chuyển địa điểm từ làng Gộp, dốc Mò O, Đồng Hội đến suối Trưởng, Bốn Chống, suối Rù Rì..., bệnh xá quân y này tăng quy mô từ 50-60 lên đến hàng trăm giường, chăm sóc, điều trị cho thương binh nơi tuyến lửa. Các ca phẫu thuật được tiến hành từ ban ngày cho đến ban đêm, dưới ánh đèn măng-xông có dụng cụ chụp che sáng nhằm tránh không để máy bay địch phát hiện. Không chỉ điều trị, những người thầy thuốc ở đây còn tích cực tăng gia sản xuất để có thêm lương thực, thực phẩm cho thương, bệnh binh và cho chính mình. Nhiều khi hoa màu sắp đến lúc thu hoạch thì bị địch rải chất độc hóa học, cây trụi không còn một chiếc lá!

“Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ, chúng ta vẫn lạc quan, hoàn thành nhiệm vụ được giao, vẫn vui vẻ điều trị, chăm sóc thương bệnh binh”, Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đình Địch, người từng gắn bó với Bệnh xá Trúc Bạch, nguyên Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, nói trong buổi gặp mặt đồng nghiệp - đồng đội từ các chiến trường ở Phú Yên.

Phương Trà

Bình luận

ZALO